Thì ra, bà mẹ kế là ám ảnh tuổi thơ của chồng. Nên anh không hề muốn về đó ăn Tết.
Hồi mới yêu anh, Xuân cũng biết anh mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với cha và mẹ kế. Là mẹ sau, nhưng bà cũng đồng hành cùng sự khôn lớn của anh. Sau cưới, Xuân đã gọi bà bằng mẹ. Điều đó khiến ánh mắt cha chồng vui như Tết. Xuân làm dâu không được bao lâu thì ông mất.
Năm đầu giỗ cha, chồng Xuân còn sắm sửa cùng vợ về quê. Nhưng năm sau thì cáo bận và yêu cầu vợ chỉ gửi quà là được. Sau tết, vợ chồng Xuân có về, sau đó đã họa thêm một bức hình ông để thờ hẳn trong nhà của hai vợ chồng chứ không về quê dịp giỗ quảy, tết nhất.
Giọng chồng trầm buồn: “Là em chưa biết cái người mà em xem như là mẹ chồng đó thôi. Anh 11 tuổi thì bà ta hiện diện trong gia đình. Cũng chẳng biết vì sao ba anh lại yêu bà ta đến vậy.
Ông đi làm thợ hồ ở công trình xa, lâu lâu mới về. Anh và em gái ở nhà với mẹ kế, bà luôn cho hai anh em ăn đói mặc rách nhưng việc nhà phải làm hết, còn đánh mắng không thương tiếc. Tất cả mọi việc trong nhà đều do anh và em gái làm, bà chỉ đi đánh bài thôi.
Vậy mà hễ ba anh về là bà tất bật nấu món ngon "cho các con ăn mau lớn, cho các con biết của ngon vật lạ với người ta" và gọi con xưng mẹ ngọt xớt. Ba anh vốn là tay lực điền nên không tinh ý, cứ làm mệt thì lăn ra ngủ. Vẫn thấy con hiện diện trong nhà là được rồi.
Điều anh kinh sợ bà ta nhất là: khi anh 15 tuổi, gầy nhom đen nhẻm vì suốt ngày dang nắng chăn bò và hay bị đói cơm mà. Chiều tối đó anh sốt cảm nắng, ngất ở chuồng bò. Bà ta kéo anh từ chuồng bò vào hiên nhà thay quần áo cho anh và cứ đứng đó nhìn cơ thể anh.
Tuy chập chờn mệt mỏi vì bệnh, nhưng anh cũng biết có người đang nhìn mình. Anh đã dùng hết sức hét lên. May mà ông bác hàng xóm sang kịp lúc, bởi ban nãy anh không kịp đóng cửa chuồng bò, con bò chạy ra và bác nắm dây lại rồi dắt qua nhà trả. May mà có bác hàng xóm làm chứng, nên khi anh kiên quyết ra mặt khó chịu với bà ấy, ba không đánh đòn .
Sau đó hai anh em được dì Út bên bà ngoại nhận nuôi. Em gái không may mắn như anh, học xong lớp 9 phải ở nhà phụ dì may vá để có tiền nuôi anh ăn học. Giờ dì Út cũng mất rồi, em gái cũng lấy chồng nên “nhà ruột” của anh là nhà mình thôi, em đừng lo Tết ở đâu cho mệt nhé!”.
Xuân ôm chầm lấy chồng, bí mật đau xót thấu tâm can mà đến 2 năm yêu nhau, 3 năm chồng vợ Xuân mới biết. Lau dòng nước mắt trên mắt chồng, Xuân gật đầu "em hứa từ nay mùa xuân mãi hiện diện ở nhà mình".
Theo Mộng Thúy/Báo Phụ nữ