“Yêu thơ là kẻ hay sầu/Yêu nhạc là kẻ bắt đầu mộng mơ”, bà "Ba Mèo" thường bắt đầu câu chuyện với mọi người bằng 2 câu thơ quen thuộc này. Xong bà cao giọng hát thêm một bài hát. Cái giọng khàn khàn ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng vẫn đầy vẻ lạc quan, yêu đời. Còn cái tên "Ba Mèo" là do mọi người hay gọi bởi suốt 3 năm qua, bà đã cưu mang, cứu sống không biết bao nhiêu chú mèo hoang.
“Tui vừa yêu nhạc yêu thơ…”
Bà “Ba Mèo” tên thật là Trần Thị Ba (SN 1948), quê ở miệt Cần Thơ - xứ gạo trắng nước trong, mảnh đất của những con người miền Tây hào sảng, như bà vậy.
Người ta nói già sinh tật, ấy vậy mà ở tuổi 70, gặp ai bà cũng rổn rảng nói cười, khi hát, lúc chêm vài câu thơ. “Tui vừa yêu nhạc, yêu thơ/Đố ai biết được tui mơ hay sầu”, vừa nói bà vừa khều tay người nghe, cười mỉm mỉm.
Bà Ba còn soạn hẳn một tuyển tập in lời các bài hát yêu thích, từ tiền chiến, cách mạng cho đến quê hương. Cứ gặp bài nào hay là bà chép vào quyển vở. Một quyển khác bà dành chép thơ. Để lúc rảnh rang, bà lại ngồi chế cả nhạc, cả thơ để được dịp là... biểu diễn!
Vậy nên phường xã hay ở đâu có dịp văn nghệ là có mặt bà Ba. Hễ bà không đi, người ta cũng tới mời bà cho được, nói “thiếu cô Ba là mất vui”. Bà hát liền tù tì mấy bài, pha trò khiến mọi người cười ngất. Bà còn có bài văn “tủ” viết bằng mấy nghìn chữ T, đọc ra là ai cũng cười lộn ruột.
Thậm chí nghe đài truyền hình có quay game show, bà cũng đăng kí làm khán giả luôn, để vào vỗ tay. “Chứ tới tuổi này rồi, còn sức thì đi cho biết. Những gì ta biết là giọt nước, những gì chưa biết là đại dương mênh mông mà. Vô coi mấy chương trình hay lắm, gặp nghệ sĩ nhiều. Tui vỗ tay lớn lắm, đến nỗi mấy đứa nhỏ ngồi kế bên khoái chí khen, bà lớn tuổi mà “gân” ghê. Rồi tụi nó gọi tui là bà già “yamaha”, tức già rồi mà còn ham”, bà Ba cười khà khà.
Chưa hết, bữa trước bà Ba còn tham gia thi đua xe đạp chậm trên phường. Mà có ai "qua" được bà, vì bà có "mánh" mà. Bà tháo cái bóng đèn trước xe ra để nó khỏi cháy, xong vào thi bà bật đèn lên. Bộ phận đèn cạ vào bánh xe nên giảm tốc độ lại, vậy là bà thắng vẻ vang!
Nhớ lại năm 8 tuổi, bà theo ba mẹ rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau đó bà học may, rồi nhờ hoa tay mà nổi tiếng gần xa, rồi nhận nhiều học trò. Vốn tính xông xáo, bà giữ luôn ba chức vụ trong các hội nhóm ở địa phương suốt 17 năm.
Bà còn theo chân các hội nhóm làm thiện nguyện khắp nơi, cho đến giờ vẫn còn ham đi. Vài hôm nữa, bà lại có một chuyến để giúp trẻ em nghèo ở tỉnh. Thanh niên trai tráng nhìn bà cũng phải nể luôn!
“Bà nội” của mèo hoang
Ai sống gần lăng Ông Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) hay công viên Hải Nam (Q.Phú Nhuận) đều biết bà “Ba Mèo”. Vì đây là những nơi bà đã cứu sống và chăm sóc hàng trăm con mèo hoang suốt 3 năm qua.
Bà kể, hồi trước, trong một lần đi cúng ở lăng Ông Bà Chiểu, bà bắt gặp mấy con mèo lem luốc bị chủ bỏ lang thang. Thế là bà mang về, chạy chữa thuốc thang, chăm sóc cho đến lúc khỏe mạnh. Vì nhà không có chỗ nuôi, bà mang sang cho một người bạn là cụ Quý “chó mèo”, cũng là một người rất yêu thương chó mèo hoang.
“Hông biết nợ nần gì mà nhìn chúng là tôi thương quá trời! Mèo người ta có nhà có cửa, ăn ngon ngủ ấm, còn chúng cù bất cù bơ, khéo lại chết đói, bị chó vật hay bị kẻ xấu bắt thịt. Mấy đứa lớn thì tôi nuôi cơm, mấy đứa nhỏ thì phải mang về nhà hoặc mang qua bà Quý, không bỏ quên đứa nào”, bà Ba nói.
Đều đặn mỗi ngày, bà Ba đều mua cá mồi hay xí quách ở hàng ăn gần nhà về làm cơm cho những con mèo không may mắn. Rồi chiều chiều, bà lại đội cái nón lá, cọc cạnh đạp xe ra thăm chúng. Bà chăm bẵm từng con, biết chúng trốn ở lùm bụi nào. Mà cũng chẳng cần tìm, nhác thấy dáng bà từ xa, chúng đã ào đến ủi vào chân. Thế là bà lại ngồi xuống vuốt ve, cười hiền “bà nội nè con, bà nội nè con”.
Có ông Hai bán tạp hóa ở đối diện lăng Ông Bà Chiểu, cũng thương mèo, thấy người ta bỏ đi ông không đặng. Nhưng mang về nhà không được, thế là ông đưa cho bà Ba hết. “Người ta không nuôi nữa rồi quăng chúng vô lăng hoài hà. May mà có bà Ba”, ông Hai nói.
Nhưng bà Ba cũng đâu có dư dả gì, ấy vậy mà ngày ngày còn lo cho cả đống miệng ăn. Có hôm kẹt quá, bà đi mượn tiền đầu này đầu kia, quyết không để cho mấy “đứa cháu” mình đói.
"Cũng có người nói tui "khùng", rảnh hơi, nhưng thôi kệ. Tui khùng mà mấy đứa nhỏ không chết bờ chết bụi là được. Với lại cứ ngày ngày hát hò, làm thơ, rồi lo cho tụi nhỏ, vậy là tự nhiên trẻ đẹp hoài", bà Ba lại cười.