Đời sống

Bạn muốn luyện trí nhớ tốt hơn? Hãy thử phương pháp này của người La Mã cổ đại

Trước thời đại của Google, chúng ta đã phải nhớ mọi thứ kiến thức mà chúng ta cần truy cập nhanh trong đầu mình. Hoặc là bạn phải có một cuốn sổ tay, một quyển nhật ký. Nhưng trước khi con người có giấy hoặc giấy đủ rẻ để phổ biến đối với mọi tầng lớp trong xã hội, ghi nhớ vẫn là cách duy nhất để tổ tiên chúng ta truyền lại kiến thức cho nhau.

Hoàng đế La Mã và sở thích mở kỹ viện trong cung điện rồi tự mình tiếp khách / Chuyện nhà vệ sinh công cộng dị hợm thời La Mã, nơi tất cả mọi người chùi chung bằng 1 cái que

Bởi vậy, hóa ra các kỹ thuật ghi nhớ tốt nhất và hiệu quả nhất đã được phát triển từ thời cổ đại. Chẳng hạn như ở Hy Lạp và La Mã, các nhà thông thái ngày xưa đã nghĩ ra một thủ thuật được gọi là "loci" hay cung điện ký ức.

Trong đó, họ tưởng tượng ra trong đầu mình một cung điện gồm nhiều phòng khác nhau. Với mỗi căn phòng, các học giả hoặc giáo sĩ sẽ đặt vào đó những dữ kiện mà họ muốn ghi nhớ, gắn những đồ vật mà họ không muốn quên lên tường, đặt chúng trên bàn, bậu cửa sổ hoặc dưới những tấm thảm tưởng tượng.

Ngày nay, phương pháp cung điện ký ức này vẫn được sử dụng bởi các sinh viên y khoa Phương Tây, những người phải nhồi vào bên trong đầu mình cả một cuốn bách khoa toàn thư về bệnh tật và các triệu chứng.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu phương pháp ghi nhớ Loci hay cung điện ký ức và thử thực hành nó.

Bạn muốn luyện trí nhớ tốt hơn? Hãy thử phương pháp này của người La Mã cổ đại - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Phương pháp cung điện ký ức

Như đã giới thiệu, phương pháp ghi nhớ cung điện ký ức tận dụng bản năng ghi nhớ không gian của não bộ chúng ta để tích hợp vào đó những đối tượng mà bạn muốn ghi nhớ.

Nhưng bạn không nhất thiết phải xây dựng một cung điện tưởng tượng trong đầu mình để trưng bày mọi ký ức của mình. Thay vào đó, hãy chọn một không gian mà bạn quen thuộc nhất: căn hộ mà chính bạn đang ở, con ngõ đi từ nhà ra phố, hay nhiều người chọn một căn nhà cũ của mình mà họ đã trải qua năm tháng tuổi thơ của mình ở đó.

Bước tiếp theo là hình dung lại không gian đó trong tưởng tượng, càng chi tiết càng tốt. Ví dụ, khi tôi đi từ nhà mình ra đầu ngõ, tôi thấy mình phải thò tay vào đóng then cổng. Tay tôi sẽ dính một chút sắt gỉ vì cổng nhà tôi lâu ngày không sơn. Và lỗ then cổng thì nhỏ đến nỗi lúc nào tôi cũng phải cẩn thận để không làm xước mặt đồng hồ.

Sau đó, tôi quay mặt ra ngõ và nhìn thấy một chiếc cột điện mà ngày nào tôi cũng nhìn thấy nó. Trên chiếc cột điện dán rất nhiều tờ rơi quảng cáo, phần lớn trong số đó đã nước mưa làm mục và chảy mực.

 

Tiếp tục, tôi đi ngang qua một mảnh đất trống, mà ở đó một nhà hàng xóm đang bỏ không để trồng rau và hoa thay vì xây nhà. Có một khóm hồng ở đó lúc nào cũng tỏa hương.

Kế đó là một xưởng mộc có tiếng máy cưa ồn ào và bụi bặm. Lần nào tôi đi qua đó cũng phải phủi bụi khỏi quần áo của mình. Khi ra đến đầu ngõ, tôi sẽ thấy một tiệm tạp hóa của tuổi thơ, nơi có một cô bán hàng từ khi tôi còn bé tẹo.

Bạn muốn luyện trí nhớ tốt hơn? Hãy thử phương pháp này của người La Mã cổ đại - Ảnh 2.

Có rất nhiều biến thể của phương pháp Loci hay cung điện ký ức: bạn có thể tưởng tượng tới ngôi nhà của mình, con đường đi ra ngõ hay một địa điểm mà bạn rất quen thuộc.

Một mẹo để làm phương pháp Loci này hiệu quả hơn là hãy cố gắng tận dụng tất cả các giác quan mà bạn có. Không chỉ là thị giác mà còn là thính giác, khứu giác và xúc giác.

Bây giờ, nếu để nhớ một dãy số ngẫu nhiên: 14, 15, 92, 65, 35, 89, 79, 32, 38, 46 tôi sẽ làm như thế này:

 

Tôi vẫn tưởng tượng cảnh mình đi từ nhà ra ngõ, nhưng sẽ kể lại một câu chuyện khác về nó: Khi tôi cài then cổng, tôi đột nhiên phát hiện một tờ lịch trên đó ghi ngày hôm nay là ngày 14. Sau khi rút tay ra khỏi lỗ khóa, tôi đếm được 15 hạt mạt sắt han gỉ trên tay mình (khá trùng hợp).

Nhưng chiếc đồng hồ của tôi hôm nay không may mắn, nó đã bị xước tới 9 phát và tôi phải thốt lên "haiz" (2).

Tôi ngoảnh mặt ra ngoài và thấy chiếc cột điện. Tôi nhìn lên đỉnh của nó, nó cao cỡ khoảng một tòa nhà 6, không chính xác hơn là 5 tầng. Trên chiếc cột hôm nay có khoảng 3-5 tờ rơi mới dán chưa chảy mực.

Tôi đi ngang qua mảnh đất trống, nó rộng 8x9 mét vuông. Khóm hoa hồng hôm nay trổ 79 bông trắng muốt và thơm nồng. Đi qua xưởng mộc bụi bặm, tôi phải nhắm mắt lại nhưng vẫn thấy lờ mờ có 3 cái máy cưa đang kêu ro ro nhưng chỉ có 2 người thợ đang làm việc.

Cuối cùng, ra đến tiệm tạp hóa tuổi thơ, tôi thấy cô bán hàng ngày nào mới 38 tuổi mà nay đã sang tuổi 46.

 

Đó là cách mà tôi đã dùng để nhớ 20 chữ số thập phân của số Pi từ nhiều năm trước: 3,14159265358979323846 (Và bây giờ tôi vẫn có thể gõ lại con số này một cách liên tục từ câu chuyện tưởng tượng của mình mà không cần phải chần chừ chút nào cả).

Bạn muốn luyện trí nhớ tốt hơn? Hãy thử phương pháp này của người La Mã cổ đại - Ảnh 3.

Một nghiên cứu mới trên tạp chí PLOS One cho thấy phương pháp cung điện ký ức có thể giúp mọi người tăng gấp đôi khả năng ghi nhớ chỉ trong vòng 30 phút tập luyện. 76 sinh viên y khoa đã có thể nhớ được tới 20 cái tên phức tạp của các loài bướm mà họ chưa từng gặp trước đây.

Điều thú vị là ngay cả khi 6 tuần đã trôi qua, phương pháp này vẫn có tác dụng và những sinh viên đã thực hành cung điện trí nhớ đã nhớ được nhiều tên các loài bướm hơn so với những sinh viên không được hướng dẫn để thực hành nó.

Càng rèn luyện cung điện trí nhớ của mình và nhớ lại nó nhiều lần, bạn sẽ càng làm cho nó trở nên sắc nét và sống động. Và phương pháp này có thể được áp dụng trong rất nhiều hoàn cảnh, chẳng hạn khi bạn cần nhớ nhanh một công thức trước giờ thi, lên một danh sách để đi siêu thị mà không có giấy bút…

Hay thậm chí nhớ số điện thoại của một cô gái mà bạn vừa xin được – chắc chắn đó sẽ là một cách ghi điểm không thể ấn tượng hơn. "Em không cần đọc lại đâu, để anh đọc lại cho em 098xxxxxxx. Hình như anh đã có số điện thoại của em từ một giấc mơ trước đây rồi thì phải".

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm