Đời sống

Bệnh tay chân miệng khó phát hiện, dễ bị nhầm với một số bệnh khác

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, do đó khi bệnh có biến chứng, khả năng dẫn đến tử vong là rất cao.

Nếu trong tháng 6, 7, 8/2019, mỗi tháng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa chỉ có khoảng 100 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng, trong tháng 9, con số này đã tăng lên gấp 4 lần. Đặc biệt, chỉ trong 11 ngày đầu của tháng 10, đã có đến hơn 200 bệnh nhân. Phần lớn trường hợp mắc bệnh khi đến viện đã ở độ 2A với biểu hiện sốt cao trên 39oC, nôn ói, nguy cơ cao chuyển sang các giai đoạn nặng hơn, buộc phải lưu viện để theo dõi và điều trị. Đáng lưu ý, có không ít phụ huynh vẫn khá thờ ơ với bệnh tay chân miệng và cũng không biết cách phòng tránh.

Ảnh minh họa

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền chủ yếu từ trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, hoặc cầm nắm đồ chơi bị dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh, lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh sẽ không nặng. Tuy nhiên, nếu chủ quan, bệnh sẽ trở nên nguy hiểm.

Ở nước ta, bệnh tay chân miệng có 2 mùa dịch. Đợt 1 vào tháng 4, 5, 6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12. Để phòng tránh bệnh hiệu quả, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày cả với cả người lớn và trẻ em; vệ sinh đồ chơi của trẻ hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Trâm Anh - Duy Hoàng/VTV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo