Vẩy nến là bệnh ngoài da lành tính, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, song gây ám ảnh, tự ti đến bệnh nhân bởi biểu hiện ngoài cơ thể gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Nhiều người còn lo sợ đây là căn bệnh lây nhiễm nên có thái độ dè dặt, xa lánh với người mắc.
Nhận diện bệnh vẩy nến
Vẩy nến là bệnh lý thường gặp ở cả nam và nữ, do rối loạn sản sinh chất sừng dưới da và hoạt động của hệ miễn dịch tế bào thông qua các biểu hiện ra bên ngoài da, móng, khớp thậm chí là toàn thân.
Hiện nay, dạng phổ biến của bệnh khởi phát chủ yếu trên da. Ban đầu xuất hiện các nốt đỏ li ti, sau đó lớn dần thành các mảng dày màu trắng, phân thành nhiều tầng dưới lớp da ửng hồng, giống như giọt nến trên bề mặt da khô nên được gọi là bệnh vảy nến. Kích thước các mảng trắng đạt vài cm hoặc có thể lớn hơn. Nếu không cẩn thận trong sinh hoạt, làm việc để lớp vẩy thường xuyên bị bong tróc ra sẽ gây nứt, chảy máu, mang lại cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Vẩy nến thường gây các tổn thương đối xứng trên bề mặt và có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của cơ thể, bao gồm vùng lưng, cánh tay, cùi chỏ, chân, bẹn, đầu, cổ… thậm chí lan đến bộ phận sinh dục hay toàn thân nếu người bệnh chậm trễ trong thời gian điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến là gì?
- Hiện tượng tự miễn của cơ thể. Khi có các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể (vi khuẩn, virus...), thay vì tấn công chúng, các tế bào thuộc hệ miễn dịch của cơ thể lại tác động lên lớp biểu bì da, làm các tế bào này nhanh chóng bị chết đi.
- Do di truyền. Một người có khả năng mắc vẩy nến đến 40% nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ đã mắc bệnh này.
- Các yếu tố khác. Tâm lý (stress), nhiễm khuẩn, tác dụng phụ của thuốc tây y, môi trường ô nhiễm, sử dụng nhiều rượu bia, vết thương hở, ánh nắng mặt trời… cũng gia tăng nguy cơ mắc và làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Bệnh vẩy nến có lây không?
Vẩy nến là bệnh ngoài da lành tính, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, song gây ám ảnh, tự ti đến bệnh nhân bởi biểu hiện ngoài cơ thể gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Nhiều người còn lo sợ đây là căn bệnh lây nhiễm nên có thái độ dè dặt, xa lánh với người mắc.
Tuy nhiên, từ những nguyên nhân kể trên, có thể thấy rằng vẩy nến không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây lan. Các chuyên gia gia liễu cũng khẳng định, bệnh vẩy nến không lan truyền từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc dù là trực tiếp hay gián tiếp. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng khi sinh hoạt, tiếp xúc chung với người mắc bệnh vẩy nến.
Người mắc bệnh vẩy nến cần làm gì?
Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra tác nhân chính xác gây bệnh là gì. Do đó điều trị bệnh vẩy nến đến nay chủ yếu vẫn giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế các yếu tố nguy cơ hoặc tăng nặng mà chưa có thuốc đặc trị. Bệnh lành tính song cũng dễ tái phát nếu không duy trì chế độ sinh hoạt, điều trị ổn định.
Khi mắc bệnh, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế tin cậy để được tư vấn và điều trị đúng, không nên làm theo các phương pháp trị bệnh chưa được thẩm định, không có cơ sở. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp nhập viện sau khi tự tìm thuốc điều trị, gây ra các biến chứng nặng nề đến sức khỏe như da đỏ rộp toàn thân, suy gan, suy thận...
Các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị người bệnh vẩy nến. Bệnh nhân luôn cần có sự cảm thông, động viên từ người thân, bạn bè xung quanh. Song quan trọng nhất vẫn là tâm lý người bệnh với trạng thái tích cực, kiên trì điều trị kết hợp với lối sống khoa học, lành mạnh, tránh ô nhiễm, stress làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị vốn được xác định là lâu dài, cần nhiều nỗ lực.
Làm sao để phòng ngừa bệnh vẩy nến?
Để phòng ngừa bệnh vẩy nến, bạn cần xây dựng và duy trì cuộc sống lành mạnh, khoa học, chế độ ăn uống cân đối, ưu tiên rau củ quả, ít chất béo, thức ăn khó tiêu... cung cấp đủ nước cho cơ thể. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, tình trạng căng thẳng, ô nhiễm... giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Theo khoahocphattrien.vn