Đời sống

Bí quyết giúp mẹ rèn con ngủ xuyên đêm, thành công chỉ sau 1 tuần

Trẻ em sớm ngủ xuyên đêm vừa có lợi cho sự phát triển của bé, mẹ lại có nhiều thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho các mẹ 1 vài bí quyết rèn con ngủ xuyên đêm.

Đêm nào ông bố cũng mặc áo vợ rồi đội tóc giả để ru con ngủ, biết lý do thì ai cũng bật khóc / Nhân lúc con ngủ say, người cha âm thầm làm 1 việc cảm động khiến ai cũng rơi nước mắt

Trẻ ngủ xuyên đêm: Bé khỏe, mẹ nhàn tênh

Việc trẻ ngủ xuyên đêm đem lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và em bé.

Đối với em bé

Một giấc ngủ đêm dài và sâu không chỉ giúp bé khỏe mạnh mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện cả về trí não và thể chất của trẻ.

Theo bác sĩ Trần Văn Bàn, Trưởng khoa Nhi BVĐK Hồng Ngọc, khi con ngủ đêm sớm và ngủ sâu, khoảng 10 giờ đêm là thời điểm cơ thể sản sinh nhiều hormone tăng trưởng, giúp con phát triển vượt trội về chiều cao và cân nặng. Ngoài ra, khi trẻ ngủ sâu, cơ thể sẽ sản xuất protein có tên cytokines, giúp cơ thể có thể chống lại những vật truyền nhiễm gây bệnh tật và căng thẳng.

Bên cạnh đó, ngủ xuyên đêm giúp con tỉnh táo và khỏe khoắn khi tỉnh dậy, giúp bé ăn hiệu quả hơn vào ban ngày vì ban đêm bé chỉ dành để ngủ. Ăn đủ vào ban ngày giúp bé phát triển tốt nhất về thể chất.

Bí quyết giúp mẹ rèn con ngủ xuyên đêm, thành công chỉ sau 1 tuần - Ảnh 1.

Giấc ngủ đêm dài và sâu giúp bé phát triển toàn diện.

Đối với mẹ

Khi bé ngủ sớm và ngủ xuyên đêm, mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Nhờ đó mẹ sẽ mau chóng phục hồi sức khỏe sau cuộc vượt cạn đầy gian nan và ảnh hưởng đến sức khỏe. Mẹ ngủ đủ giấc cũng tiết ra nhiều sữa cho con ti hơn và ngăn ngừa nguy cơ suy nhược, trầm cảm nếu bị mất ngủ.

Khi nào thì bé sẵn sàng ngủ xuyên đêm?

Ngủ xuyên đêm đem lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ cần bắt đầu luyện cho con ngủ xuyên đêm khi bé đã sẵn sàng. Đúng thời điểm vừa giúp tạo thói quen ngủ xuyên đêm dễ dàng, hiệu quả mà còn không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Nếu em bé của bạn có những dấu hiệu và đặc điểm dưới đây thì con đã sẵn sàng cho việc ngủ xuyên đêm rồi mẹ nhé.

Trẻ đạt đủ cân nặng

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi em bé được hơn 3 tháng tuổi và nặng hơn 6kg thì con có thể bắt đầu ngủ xuyên đêm mà không cần dậy uống sữa. Giấc ngủ đêm của trẻ có thể kéo dài 10 – 12 tiếng.

Mốc cân nặng và tháng tuổi là dấu hiệu cho thấy bé đã ăn đủ lượng chất cần thiết nên có thể dành nhiều thời gian cho giấc ngủ mà không cần thức dậy giữa đêm để nạp thêm năng lượng.

Trẻ giảm phản xạ giật mình

Trẻ sơ sinh thường rất dễ bị giật mình. Tình trạng này được gọi là phản xạ Moro, là phản ứng không tự chủ của bé với những tiếng động lớn hoặc sự chuyển động đột ngột. Những phản xạ này sẽ ít dần sau khi bé lớn dần.

 

Nếu con không còn thường xuyên bị giật mình nữa thì việc ngủ xuyên đêm với bé cũng dễ dàng hơn.

Bé ít bú đêm hơn

Thông thường những tháng đầu đời, trẻ sẽ dậy bú đêm 2-3 lần. Nếu khi trẻ được 3 tháng tuổi và cân nặng đủ 6kg kèm biểu hiện bé không cần thức dậy bú đêm nữa thì mẹ có thể bắt đầu tập cho con ngủ xuyên đêm.

Bí quyết giúp mẹ rèn con ngủ xuyên đêm, thành công chỉ sau 1 tuần - Ảnh 2.

Trẻ ít bú đêm là dấu hiệu cho việc bé sẵn sàng ngủ xuyên đêm.

Bé có thể tự ngủ

Nếu trẻ có khả năng tự ngủ, tự làm dịu mình thì em bé cũng sẽ dễ dàng ngủ xuyên đêm. Nếu tỉnh giấc giữa đêm, con sẽ tự biết cách đưa mình vào giấc ngủ tiếp mà không cần phải dậy bú mẹ hay quấy khóc.

Ba mẹ cũng có thể lưu ý về thời gian tập cho bé ngủ xuyên đêm đó là khi trẻ được 3-4 tháng tuổi. Đây được đánh giá là giai đoạn vàng để hướng dẫn con ngủ xuyên đêm giúp bé khỏe mạnh, mẹ nhàn tênh.

 

Hướng dẫn cách rèn trẻ ngủ xuyên đêm

Để bé có thể ngủ xuyên đêm, ba mẹ có thể áp dụng những mẹo dưới đây. Những mẹo này đã có rất nhiều mẹ áp dụng vào việc hướng dẫn con và đem lại hiệu quả thật sự.

Tạo thói quen đi ngủ thống nhất

Mẹ nên tạo thói quen đi vào giấc ngủ của trẻ giữa ngày và đêm khác nhau. Như thế để bé phân biệt được giữa giấc ngủ ngày chỉ cần ngủ ngắn và giấc ngủ đêm cần ngủ dài hơn.

Một số thói quen có thể giúp bé dễ ngủ, ngủ lâu và sâu hơn như: tắm cho bé, cho con bú no, thay tã mới, quần áo mới trước khi đi ngủ. Hoặc sau khi tắm và ăn xong, hãy nằm cạnh bé và đọc sách, đọc truyện cho con nghe… Những thói quen này cần lặp đi lặp lại, thống nhất trong tất cả các ngày để bé hiểu được rằng, chuẩn bị đến giờ ngủ đêm rồi.

Việc tắm mát, thay tã và quần áo mới giúp con cảm thấy dễ chịu hơn, dễ đi vào giấc ngủ, không bị tỉnh giấc giữa đêm vì tràn tã hay việc bú no trước khi đi ngủ giúp con không phải dậy giữa đêm để bú mẹ.

Bí quyết giúp mẹ rèn con ngủ xuyên đêm, thành công chỉ sau 1 tuần - Ảnh 3.

Môi trường ngủ mát mẻ giúp bé ngủ ngon hơn.

 

Tạo môi trường ngủ tốt

Môi trường ngủ tốt giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn. Đó là không gian tối, yên tĩnh và mát mẻ. Các tác nhân bên ngoài có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con thì mẹ cần loại bỏ.

Nhiệt độ phòng thích hợp cho bé ngủ là từ 24-26 độ C. Ngoài ra, không nên chèn gối hay để đồ chơi quanh chỗ ngủ của bé để tránh tình trạng bé bị chèn ép, dẫn đến khó thở hoặc bị tổn thương bởi đồ vật sắc nhọn.

Cho bé bú no trước khi ngủ đêm

Trẻ nhỏ thường đói nhanh hơn người lớn. Đói bụng khiến bé phải tỉnh dậy giữa đêm để ăn sữa và sẽ quấy khóc vào ban đêm. Vì thế, trước khi cho trẻ ngủ giấc đêm, hãy đảm bảo rằng bé đã được ăn no.

Điều chỉnh thời gian ngủ ngày hợp lý

Ban ngày ngủ quá nhiều nhất là một giấc dài trước khi ngủ đêm khiến bé khó ngủ và dễ thức giấc vào ban đêm. Vì thế, để trẻ có thể ngủ xuyên đêm, mẹ hãy rèn luyện thời gian ngủ ngày của bé một cách hợp lý chẳng hạn cắt giấc ngủ ngắn buổi chiều tối hoặc trước giờ ngủ giấc đêm, các giấc ngủ ban ngày không nên kéo dài quá 3 tiếng.

Dạy bé phân biệt ngày đêm

Trẻ sơ sinh chưa biết phân biệt ngày đêm nên thường xảy ra tình trạng ngủ ngày cày đêm. Để khắc phục tình trạng này, giúp bé có giấc ngủ đêm sâu và dài, mẹ hãy dạy bé cách phân biệt ngày và đêm.

 

Ban ngày, hãy cho con được sống trong môi trường đầy ánh sáng và âm thanh. Cho bé vui chơi với mọi người, cho bé được nghe tất cả những âm thanh của ban ngày như tiếng tivi, tiếng nói chuyện của mọi người, tiếng động vật, xe cộ… Và với giấc ngủ đêm, hãy cho con ngủ trong môi trường tối, yên tĩnh để giấc ngủ của con không bị ảnh hưởng.

Tạo thói quen ngủ sớm

Việc đi ngủ sớm tạo nhịp đồng hồ sinh học tốt và ổn định cho trẻ. Vì thế, hãy cho bé đi ngủ sớm, ngủ trước người lớn. Tốt nhất, hãy cho trẻ đi ngủ từ lúc 7 giờ tối và bé sẽ thức dậy vào 6 – 7 giờ sáng hôm sau để bắt đầu một ngày mới.

Không bế ru, rung lắc nhiều

Nếu thường xuyên ru bé ngủ bằng cách bế ru, rung lắc, ôm bé trong suốt thời gian ngủ thì sẽ tạo thói quen không tốt cho trẻ. Khi đó, nếu bạn đặt bé xuống giường hay cũi, trẻ không cảm nhận được sự đung đưa, rung lắc nữa, con sẽ dễ tỉnh dậy ngay lúc vừa được đặt xuống. Ngoài ra, việc rung lắc không hề tốt cho sức khỏe của trẻ.

Tốt nhất, hãy vỗ về bé trên tay, khi con bắt đầu lim dim ngủ thì đặt con xuống để con tự đưa mình vào giấc ngủ, không nên để bé ngủ hẳn mới đặt con xuống.

Giấc ngủ đêm dài và sâu rất tốt với sự phát triển của trẻ sơ sinh. Vì thế, hãy cố gắng tạo cho bé thói quen đi ngủ sớm và ngủ xuyên đêm khi con đã có đủ những điều kiện cần thiết về tháng tuổi, cân nặng.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm