Đời sống

Cảnh báo: Đừng vội cho thức ăn nóng vào tủ lạnh nếu chưa biết những điều này!

DNVN - Việc đặt thức ăn nóng trực tiếp vào tủ lạnh từ lâu đã gây ra nhiều tranh cãi. Một số người tin rằng thói quen này khiến tủ lạnh nhanh hỏng, đóng băng, hao điện... Nhưng liệu những lo ngại này có còn đúng trong thời đại công nghệ làm lạnh hiện đại?

Nếu phát hiện tủ lạnh bị đóng băng, hãy xử lý ngay kẻo tiền điện tăng cao / Bí quyết tiết kiệm điện cho tủ lạnh hiệu quả mà nhà nào cũng nên biết

Tủ lạnh hiện đại có “ngán” đồ nóng?

Trước đây, hiệu suất làm lạnh của tủ lạnh tương đối thấp. Việc cho thực phẩm còn nóng vào khiến nhiệt độ trong tủ tăng lên, ảnh hưởng đến hiệu quả bảo quản và gây áp lực cho thiết bị.

Tuy nhiên, các dòng tủ lạnh hiện đại ngày nay đã được cải tiến đáng kể. Hệ thống làm lạnh nhanh, kiểm soát nhiệt độ tốt giúp giảm thiểu rủi ro từ thực phẩm nóng, miễn là tủ không quá chật hoặc chứa quá nhiều món ăn cồng kềnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguy cơ lớn hơn: vi khuẩn sinh sôi ở nhiệt độ phòng

Nếu để thức ăn ở nhiệt độ phòng quá lâu, bạn đang tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Theo các nghiên cứu, những vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm như Salmonella, E. coli hay Clostridium botulinum có thể tăng gấp đôi chỉ sau mỗi 20 phút ở nhiệt độ phòng.

Chính vì vậy, nguyên tắc an toàn thực phẩm hiện đại khuyến nghị làm lạnh thực phẩm càng sớm càng tốt — lý tưởng là dưới 5°C — để ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn. Thức ăn để ngoài không khí quá 2 tiếng, hoặc quá 1 tiếng trong điều kiện nhiệt độ trên 32°C (điển hình mùa hè ở Việt Nam), đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Làm sao để cất đồ ăn nóng vào tủ lạnh đúng cách?

 

Dưới đây là một số cách giúp bạn bảo quản thức ăn nóng mà vẫn an toàn và không ảnh hưởng đến tủ lạnh:

Đậy kín trước khi cất: Dùng màng bọc thực phẩm hoặc hộp đựng có nắp đậy kín để tránh vi khuẩn từ không khí xâm nhập, đồng thời ngăn mùi lan trong tủ lạnh và tránh gây đóng băng ở đường ống ngưng tụ.

Chia nhỏ khẩu phần: Thức ăn chứa trong đĩa lớn sẽ nguội chậm. Nên chia ra nhiều hộp nhỏ để tăng tốc độ làm mát và hạn chế vi khuẩn sinh sôi.

Sử dụng hộp nông, phẳng: Diện tích bề mặt lớn giúp thức ăn nguội nhanh hơn và được làm lạnh đều hơn.

Không để quá tải tủ lạnh: Sắp xếp hợp lý để luồng khí lạnh có thể lưu thông, đảm bảo toàn bộ thực phẩm được bảo quản hiệu quả.

 

Một số lưu ý quan trọng khác

Đồ chay không nên bảo quản trong tủ lạnh quá 24 giờ vì rau củ chứa nhiều nitrat, dễ chuyển hóa thành chất gây hại.

Thức ăn mặn, món thịt có thể bảo quản từ 1–2 ngày nếu được bọc kín kỹ lưỡng.

Tủ lạnh cần được vệ sinh định kỳ để loại bỏ vi khuẩn tiềm ẩn và duy trì hiệu suất hoạt động.

Việc cho thức ăn nóng vào tủ lạnh không còn là “cấm kỵ” như trước, miễn là bạn thực hiện đúng cách. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh và làm lạnh nhanh để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, từ đó bảo vệ sức khỏe cả gia đình.

 

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm