Đời sống

Chàng trai người Dao cụt 2 tay, gặp vợ kém 11 tuổi nhờ mạng xã hội

Từng không dám mơ tới tình yêu và chuyện kết hôn, Lý Láo Lở thay đổi suy nghĩ khi quen cô gái H’Mông kém 11 tuổi qua mạng xã hội. Hai người sẽ về chung nhà vào tháng 8 tới.

Bóc vỏ tôm tưởng dễ nhưng không phải ai cũng biết bí quyết bóc trong nháy mắt, không hề tốn công này / Trồng cây này trong nhà có thể bạn sẽ thọ lâu trăm tuổi, không ốm đau bệnh tật và gia đình ngày càng giàu

7h sáng, Lý Láo Lở (tên thường gọi là Khang) đón khách tới thăm căn nhà thuê nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội với nụ cười hiền lành.

Không còn 2 bên tay từ khuỷu trở xuống, chàng trai sinh năm 1987 vẫn thoăn thoắt mở cửa, dắt xe máy ra ngoài, lấy ghế mời khách ngồi, bật quạt.

Khang là người dân tộc Dao ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Do tai nạn điện giật ở trường nội trú năm lớp 8, cơ thể anh không còn lành lặn. 20 năm qua, chàng trai đã quen với sự thiếu vắng của đôi tay và có thể tự làm mọi việc.

Vừa gọi với lên phòng ngủ ở tầng 2 để vợ xuống ăn sáng, Khang hào hứng khoe Zing loạt ảnh cưới mới chụp. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt, anh nói sẽ “đón nàng về dinh” trong tháng 8 tới.

chang trai cut 2 tay sap cuoi vo anh 1

Chàng trai người Dao cho biết tên Khang là do mẹ nuôi ở Hà Nội đặt cho vì tên thật khó gọi. Nhiều năm qua, anh đã quen với cái tên này.

Nhân duyên với cô gái H’Mông kém chục tuổi

Trong lần trò chuyện với Zing cách đây 4 năm, Khang thừa nhận tình yêu có lẽ là điều xa xỉ mà anh không dám nghĩ tới.

Mọi chuyện thay đổi kể từ khi anh gặp được Dương Thị Kia (sinh năm 1998) - cô gái dân tộc H’Mông ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang - qua mạng xã hội.

Do điều kiện gia đình, Kia chỉ học hết lớp 3, tiếng phổ thông còn hạn chế. Ở bản của cô, các bé gái thường 14-15 tuổi đã lấy chồng.

“Lúc mới trò chuyện qua tin nhắn, mình cảm nhận cô ấy là người ngoan hiền, sáng dạ dù hơi ít nói. Kia chưa có nghề nghiệp, chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp mẹ trồng keo nên không có cơ hội va chạm nhiều”, Khang nói.

 

Dù chênh nhau 11 tuổi, Khang nói giữa anh và vợ tìm thấy sự đồng điệu.

Dù chênh nhau 11 tuổi, Khang nói giữa anh và vợ tìm thấy sự đồng điệu.


Tình yêu của đôi trẻ tới rất nhanh và tự nhiên. Lần đầu tự chạy xe máy từ Hà Nội lên Tuyên Quang thăm nửa kia, Khang càng thương cô khi ở bản, bà con vẫn dùng điện nước, chưa có nước sạch, sóng điện thoại yếu.

Đều đặn hàng tháng, Khang lại vượt 202 km lên chơi với người yêu. Sau khoảng 5 tháng, anh ngỏ ý muốn cưới cô gái H’Mông làm vợ.

 

Tuy nhiên, chuyện kết hôn của họ vấp phải sự phản đối từ gia đình nhà gái.

“Mình xin phép mẹ Kia đến lần thứ 4 vẫn không nhận được đồng ý. Mẹ sợ rằng tay mình thế này không đủ sức khỏe để chăm sóc cho vợ. Sau đó, mình nhờ cô nói chuyện giúp thì bà mới xuôi dần. Đến giờ, chỉ duy nhất cậu vợ vẫn phản đối”, Khang giọng buồn nói.

Tháng trước, đám hỏi của hai người diễn ra đơn giản, chỉ có đôi gà làm sính lễ. Thông cảm với cảnh côi cút của Khang, nhà gái chỉ thách cưới 1 con lợn và chút tiền hồi môn.

Mấy ngày trước, Khang lên nhà xin phép dẫn Kia xuống Hà Nội để đi chụp ảnh cưới. Đây cũng là chuyến đi xa nhà nhất của cô gái H’Mông.

Ngày 8-9/8 tới, lễ cưới sẽ được tổ chức ở nhà gái. Sau đó, Khang sẽ xin dâu về Hà Nội, làm mâm cơm thân mật mời bạn bè.

 

“Theo phong tục dân tộc mình, đám cưới phải làm cỗ mời cả bản. Mình không còn bố mẹ, em trai thì nghèo khó nên tự mình trang trải. Giờ chưa đủ điều kiện nên tổ chức ở nhà gái trước”, Khang cho hay.

Trước mắt, chàng trai nhờ hàng xóm ở Bát Xát nuôi giúp 2 con lợn để chuẩn bị cho hôn lễ. Tháng tới, sau khi cưới xong, anh sẽ để vợ tập quen với môi trường thành phố, sau đó cho cô đi học nghề.

chang trai cut 2 tay sap cuoi vo anh 3

chang trai cut 2 tay sap cuoi vo anh 4

“Chỉ bằng cách đi học, có nghề nghiệp trong tay mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo”. Đó cũng là lý do Khang quyết tâm giúp vợ học nghề.

 



Giúp bà con tiêu thụ nông sản vùng cao

Sau khi tốt nghiệp loại khá chuyên ngành Khoa học Quản lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2016, Khang từng làm cho công ty thực phẩm, song song làm shipper.

Hơn 1 năm nay, do mệt mỏi, cộng thêm đã tích cóp được chút vốn liếng và kinh nghiệm, Khang bỏ việc, chuyển sang kinh doanh nông sản vùng cao.

Với mục đích hỗ trợ bà con vùng núi phía Bắc, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, Khang nhập nông sản từ trên đó về bán. Dù lãi lời không nhiều, có khi hòa vốn, anh vẫn vui vì phần nào giúp được đồng bào.

Ở tầng 1 căn nhà vỏn vẹn 10 m2, giá thuê 2,5 triệu/tháng, Khang bày một số đặc sản như gạo Séng cù Lào Cai, trâu gác bếp, thịt lợn sạch.

 

Anh tự mình lo tất cả công đoạn từ nhập hàng hóa, xếp hàng, cân đo, đóng gói đến quảng cáo trên mạng xã hội và đi ship. Vừa nói, chàng trai vừa tranh thủ chat với khách hàng để tư vấn, chốt đơn.

chang trai cut 2 tay sap cuoi vo anh 5

Khang nhập nông sản theo mùa về bán được hơn 1 năm nay và nhận được sự ủng hộ từ mọi người.

Ngày trước, việc kinh doanh của Khang cho thu nhập ổn định. Nhưng 3 tháng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng bán chậm, Khang không dám nhập hàng, thu nhập giảm đáng kể.

Trong vài tháng tới, nếu điều kiện kinh tế vẫn khó khăn, chàng trai người Dao tính trả nhà ở Hà Nội, đưa vợ về quê Bát Xát sinh sống.

“Ở trên đó mình có nhà, hiện cho thuê để người ta làm kho với giá 1 triệu/tháng. Về quê rồi mình vẫn có thể buôn bán qua mạng, ship đi khắp nơi mà lại giảm chi phí nhập hàng”, chàng trai nói.

 

Khang là vậy, dù lâm vào hoàn cảnh khó khăn, anh không vội chán nản mà luôn tìm cách giải quyết hợp lý nhất. Trong thời gian tới, cuộc sống của chàng trai sẽ có thêm người bầu bạn, sẻ chia buồn vui.

“Mình luôn tin rằng cuộc sống này luôn có sự bù đắp, không ai hoàn hảo, cũng không ai mất tất cả. Cứ sống là chính mình, sống có ích mỗi ngày, niềm hạnh phúc tự khắc sẽ tới”.

chang trai cut 2 tay sap cuoi vo anh 6

Khang có 2 xe máy, đều là đồ mua lại. Anh nhờ người chế tay cầm theo ý mình để có thể đi hàng chục, thậm chí cả trăm km chuyển hàng mỗi ngày.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm