Đời sống

Chỉ một câu Khổng Tử đã giúp học trò thoát chết, làm người nếu quá tranh hơn thiệt sẽ chuốc họa sát thân

Năm xưa Nhan Hồi vì giận Không Tử không liêm chính phân minh mà bỏ về quê. Khổng Tử chỉ dặn một câu đã cứu ông thoát chết. Làm người cũng vậy, nếu quá tranh hơn thiệt sẽ chuốc họa sát thân.

Chỉ một câu nói Khổng Tử đã khiến học trò thoát chết

Nhan Hồi là học trò được Khổng Tử kính trọng nhất. Một lần, Nhan Hồi vô tình thấy một cửa hàng vải có rất đông người vây quanh, hỏi ra mới biết người bán và người mua hàng đang cãi vã. Người mua hàng lớn tiếng nói: “Ba tám hai muơi ba, tại sao ông lại đòi tôi 24 đồng tiền?"

Nhan Hồi nghe vậy liền tiến lại, lịch sự nói: “Ba tám hai mươi tư, tại sao lại tính thành hai muoi ba? Ông tính sai rồi, đừng cãi nữa.” Người mua vải chỉ thẳng mặt Nhan Hồi trách ông không hiểu chuyện, đòi gặp Khổng Tử để phân xử.

Khổng Tử nghe rõ câu chuyện, nhìn học trò của mình cười nói: “Ba tám hai mươi ba! Nhan Hồi, con thua rồi.” Nhan Hồi nghe xong sai liền bỏ mũ ở trên đầu xuống và đưa cho người mua để chuộc lỗi. Nhưng trong lòng ông không phục, cho rằng Khổng Tử hồ đồ, nên không muốn theo học nữa.

Ảnh minh họa.

Hôm sau, Nhan Hồi lấy cớ nhà có việc nên cáo biệt. Khổng Tử nghe qua đã hiểu rõ sự tình. Ông không can ngăn mà gật đầu đồng ý, không quên dặn dò một câu: “Thiên niên cổ thụ mặc tồn thân, sát nhân bất minh vật động thủ”, tức không nên nương náu ở dưới gốc cây cổ thụ nghìn năm, giết người không hiểu sự tình đừng động thủ.

Trên đường về, trời bỗng nhiên nổi bão lớn, Nhan Hồi vội chạy vào một gốc cây lớn bên đường để trú, nhưng chợt nhớ lời thầy dặn, bèn rời khỏi gốc cây. Thật không ngờ vừa chạy mấy bước, liền nghe thấy tiếng sét chói tai, cổ thụ cháy đen thành tro bụi.

Về đến nhà, Nhan Hồi thấy ở đầu giường có một người nằm và phía cuối giường cũng lại có một người nằm. Ông nổi cơn thịnh nộ định cầm dao đâm giết, nhưng lại nhớ lời thầy bèn khựng lại. Khi cúi xuống nhìn kỹ, hóa ra là vợ và em gái mình.

Làm người đừng nên quá tranh hơn thiệt

Nhan Hồi sau đó tức tốc trở về tạ lỗi với Khổng Tử. Người dạy rằng, ta nói ba tám hai mươi ba là đúng, con thua, nhưng chỉ mất một cái mũ; nếu ta nói ba tám hai mươi tư, người ta thua, chẳng phải mất một mạng sao? Chuyện gì ở đời cũng vậy, nếu quá tranh đua hơn thiệt sẽ chuốc lấy họa sát thân.

Con người sống ở đời đừng nên quá chú trọng vào bản thân, phải biết nhìn ngắm xung quanh để phân định thời thế. Đôi khi ta đúng, họ sai, nhưng nếu nộ khí của họ quá lớn, quyền lực quá cao, lùi một bước đồng nghĩa đã bảo vệ được chính mình. Sống ở đời, bên cạnh cương, cần có nhu. Chúng ta không cần xu nịnh những kẻ quyền thế. Nhưng đừng để quyền thế tước đoạt đi sự nghiệp, thậm chí sinh mệnh của bản thân.

Con người nên nghĩ thoáng một chút, ngốc đi một phần sẽ thấy cuộc sống càng tự tại an nhiên biết bao nhiêu. Đôi khi, thông minh, rõ ràng không phải là tốt. Quá lanh lợi và tranh hơn thiệt sẽ tự khiến mình bị tổn thương, mất mát, mệt mỏi và khổ sở.

Theo Xuân Quỳnh/Khỏe & Đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo