Gần đây, giới truyền thông cho biết một cô gái 18 tuổi ở Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, đã chết một cách kỳ lạ sau khi uống hai loại thuốc cảm lạnh. Theo báo cáo, cô gái đã đồng thời uống 2 loại thuốc cảm cùng một lúc, đó là viên nang roxithromycin và methoxyphenamine. Dùng hai loại thuốc cảm lạnh này cùng nhau có thể gây ngộ độc theophylline, và cô gái mất đi mạng sống của mình vì điều này.
Một số người tiêu dùng tin rằng, uống nhiều thuốc hơn sau khi bị bệnh thì tác dụng càng nhanh, hoặc một số ngườikhi thấy bệnh có biến chuyển tốt thì giảm liều lượng hoặc ngừng uống thuốc. Trong thực tế, những việc làm này đều thuộc về phạm vi sai lầm khi sử dụng thuốc, rất dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Sử dụng thuốc an toàn cần chú ý đến những điểm sau:
1.Thuốc có chứa các thành phần tương tự nhau không thể uống nhiều lần.
Các nhà sản xuất thường dùng cùng một thành phần nguyên liệu đầu vào để sản xuất thuốc nhưng các sản phẩm thuốc lại có tên khác nhau. Điều này nếu bạn không biết sẽ nhầm tưởng rằng chúng là 2 loại thuốc khác biệt.Bản chất chúng có cùng chủng loại thì chỉ nên sử dụng một loại là đủ, nếu dùng quá liều lượng cùng một thành phần thuốc sẽ gây hại cho sức khỏe.
Ví dụ nhiều loại thuốc cảm lạnh có chứa thành phần acetaminophen, nếu dùng nhiều loại thuốc cảm lạnh cùng lúc, có thể dẫn đến sử dụng thành phần acetaminophen quá liều, có thể gây phản ứng bất lợi, thậm chí gây tổn thương gan, thậm chí là gây hôn mê.Khi mua thuốc, người tiêu dùng trước tiên phải xác định tên chung của thuốc và tìm hiểu xem thuốc có cùng thành phần hay không, để không mua nhầm thuốc hoặc lặp lại thuốc gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Không trộn thuốc uống cùng lúc
Mỗi loại thuốc đều có thành phần hóa học cụ thể. Khi trộn các thành phần hóa học khác nhau uống chung có thể gây ra các tác dụng phụ, tạo ra các chất mới có hại cho sức khỏe. Hoặc là chất mới đó có thể làm giảm sự hấp thụ thuốc, làm giảm hiệu quả của thuốc. Cũng có những loại thuốc gây ra các phản ứng nguy hiểm hơn như tim đập nhanh, tăng huyết áp, thậm chí sốc thuốc.
Nếu người bị nhiều bệnh, nhiều bác sĩ sẽ kê toa nhiều loại thuốc, trong trường hợp này, nên nhờ bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp nhất với bệnh, giảm thiểu số lượng thuốc, nếu thuốc không cần dùng lập tức dừng ngay.
3. Không tăng hoặc giảm liều lượng của thuốc theo ý muốn
Không ít người vẫn thường cho rằng, càng uống nhiều thuốc thì sẽ càng nhanh khỏi bệnh. Lại có nhiều người thường uống thuốc theo kiểu "bù trừ", ví dụ như hôm qua quên uống thuốc thì hôm nay uống hẳn 2 liều để… "bù" vào. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng tất cả những quan niệm và cách uống thuốc ấy đều là sai.
Bởi việc tùy tiện thay đổi liều dùng thuốc sẽ khiến bên trong cơ thể xảy ra nhiều biến động. Các loại biến động này bản thân bạn có thể không cảm nhận được nhưng thực chất lại âm thầm tổn thương nặng đến chức năng cũng như kết cấu của mạch máu và các cơ quan khác.
Những cách uống thuốc tùy tiện như vậy không những làm lỡ thời gian trị bệnh mà còn dẫn đến những hậu quả tai hại như làm bệnh biến chuyển nặng thêm, ngộ độc dược phẩm, tổn hại các cơ quan nội tạng,…
Ví dụ nếu tăng đột ngột hoặc thay đổi các thuốc hạ huyết áp khác, rất dễ dẫn đến huyết áp bị biến động, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi màu cơ tim, tổn thương thận. Hoặc các loại thuốc kháng khuẩn cũng không thể tự ý tăng liều lượng, tự bản thân của thuốc khi vào cơ thể sẽ thay đổi, không những không thể tiêu diệt được vi khuẩn mà còn gây ra tình trạng kháng thuốc.