Cúng Rằm tháng Chạp là một trong ba lễ cúng quan trọng trong tháng cuối cùng của năm mà bất cứ nhà nào cũng phải chuẩn bị thật chu đáo.
Trước khi đón năm mới, người Việt sẽ chuẩn bị 3 lễ cúng tiễn năm cũ, bao gồm cúng Rằm tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) và cúng tất niên. Trong đó, Rằm tháng Chạp là lễ sớm nhất, cũng là thời điểm đánh dấu sự tất bật cho một mùa Tết Nguyên đán đã chính thức bắt đầu.
Chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng Chạp
Cúng Rằm thường không quá cầu kỳ, giống các nghi thức khác lễ này cần chuẩn bị hai phương diện: đồ lễ và văn khấn. Đồ lễ là lễ vật dâng lên thần linh, gia tiên và văn khấn là bài khấn nguyện gửi gắm tâm tư nguyện vọng của con cháu tới các bậc anh linh. Đồ cúng Rằm tháng Chạp cũng tương tự như các ngày Rằm khác trong năm, nếu có thay đổi thì chỉ là một số chi tiết nhỏ không quá quan trọng.
Về đồ lễ, gia đình nào đơn giản chỉ cần cúng lễ chay gồm trầu cau, hoa quả, hoa tươi, hương đèn, nước sạch và nến. Hiện nay, quả Phật thủ rất được ưa chuộng, bày ban thờ tươi lâu và ý nghĩa lại tốt đẹp; ngoài ra, có thể sử dụng các loại quả thông thường như táo, cam, dưa hấu, chuối…. Các loại hoa thường dùng là hoa huệ và hoa cúc - hai loài hoa được coi là có ý nghĩa tâm linh đặc biệt.
Gia đình nào muốn tươm tất hơn thì bày biện lễ mặn gồm các món ăn truyền thống như xôi gấc tượng trưng cho may mắn, gà luộc đại diện cho sung túc, giò chả, nem rán, món xào, canh măng miến và đặc biệt, có thể thêm bánh chưng cho không khí ngày cận Tết càng thêm đầm ấm. Lễ vật chuẩn bị cho cúng Rằm không cầu kỳ sang trọng, chỉ cần thành tâm thành ý, thể hiện sự trân trọng của gia chủ là đủ.
Thời gian cúng Rằm tháng Chạp
Theo các chuyên gia phong thủy, tùy quan niệm của từng gia đình mà làm lễ cúng Rằm tháng Chạp vào ngày 14 hoặc 15 âm lịch hoặc có gia đình cúng cả 2 ngày trên.
Đồ lễ cúng Rằm tháng Chạp
Tùy theo cách thức tiến hành lễ cúng là lễ chay hay mặn mà có sự chuẩn bị khác nhau. Nhìn chung, đồ lễ cúng Rằm tháng Chạp thường có:
- Lễ cúng chay: Hương, hoa tươi, hoa quả, trầu cau, nước sạch, nến hoặc đèn dầu, tiền vàng…
- Lễ cúng mặn: Thịt gà luộc, xôi (hoặc bánh chưng), giò/chả, các món mặn khác và rượu. Hiện nay, nếu không cúng rằm tháng Chạp bánh chưng, người dân thường cúng bằng xôi gấc với quan niệm màu đỏ của xôi gấc mang lại may mắn cho các gia đình.
Nhìn chung, đồ lễ cúng rằm tháng Chạp không quá cầu kỳ hay coi trọng về số lễ vật cúng, miễn sao thể hiện thành tâm của gia chủ.
Cách chọn gà cúng ngon
- Cầm 2 con gà có cùng kích cỡ, thấy con gà nào cảm giác nặng hơn thì gà đó có thịt săn chắc hơn.
- Một con gà khỏe mạnh sẽ rất nhanh nhẹn, khó bắt, có đôi mắt sáng tinh nhanh, không lờ đờ, mào gà đỏ tươi, lông gà óng mượt, không bị xù lông.
- Mỏ gà sắc nhọn, màu sáng bóng, không có chảy nhớt ở mỏ.
- Chân gà thẳng, thon nhỏ, đều chân, không bị trầy xước, không bị sứt, gãy móng, không bị nổi các nốt đỏ hoặc nốt màu lạ ở chân.
- Vạch lớp lông gà lên thấy da gà mỏng, mềm, bóp nhẹ vào thân gà thấy săn chắc, không nhão, có một số vệt vàng lớn dưới ức, cánh. Dưới cánh gà, nách gà có thể thấy thịt, tia máu thì chứng tỏ gà săn chắc không có mỡ.
- Kiểm tra gà có bị tiêm nước để tăng trọng lượng hay không bằng cách lật cánh gà lên kiểm tra dưới nách, nếu nách có nhiều chấm đỏ nhỏ, xung quanh vết tiêm nước phồng lên có màu đen, sau một thời gian màu đen đó lan rộng ra xung quanh thì chứng tỏ gà đã bị tiêm thuốc, tiêm nước tăng trọng lượng, tuyệt đối không được mua loại gà này.
- Một con gà khỏe mạnh tiêu hóa tốt thì diều gà không bị căng cứng.
- Cần lưu ý tránh mua những con gà có biểu hiện như: mào tái, thâm tím, ủ rũ, mỏ chảy nhớt nước dãi, diều căng cứng, mắt lờ đờ, cánh xệ, dáng vẻ mệt mỏi, đầu lúc nào cũng chúi xuống dưới, lông xù hoặc xơ xác, da nhăn nheo, gầy gò, chân lạnh, khô, hậu môn trắng bệt hoặc đỏ, chảy nước hoặc hay có phân dính xung quanh. Vì đây là những dấu hiệu của gà bị bệnh, khi ăn không những không ngon mà còn rất nguy hiểm tới sức khỏe tính mạng người dùng.
Kinh nghiệm luộc gà cúng ngon, dáng đẹp, không bị nát
- Trước khi luộc gà các bạn nên dùng tăm để cố định đầu gà sau đó cho gà vào nồi và cho nước lạnh vào ngập hơn so với gà rồi bắt đầu luộc gà với lửa to hết cỡ.
- Đợi khi nước sôi, các bạn điều chỉnh lửa nhỏ lại rồi tiếp tục luộc trong khoảng 10 phút nữa. Sau khi sôi khoảng 10 phút, các bạn tắt bếp và đậy vung nồi gà luộc lại khoảng 20 phút nữa, gà sẽ chín đều.
- Để gà chín trong khoảng thời gian bao lâu thì không thể trả lời rõ ràng được, điều đó còn tùy thuộc vào độ to của con gà. Nhưng thông thường, đối với một con gà cỡ vừa, thời gian luộc từ 15 ¬ 20 phút sẽ chín.
- Nếu muốn luộc gà ngon hơn và dai hơn thì trong quá trình luộc các bạn có thể cho thêm vài lát gừng, hành và hạt nêm. Điều đó sẽ làm cho thịt gà thơm hơn và đậm đà hơn.
Theo vov.vn
Ảnh minh họa