Nhiều người ví Nha Trang như một cô gái đẹp. Bởi khó mà cưỡng lại được những hàng dừa đặc trưng xứ nhiệt đới xanh bên bờ biển trải dài cát mịn màng lao xao lời gió. Khó mà ngó lơ mặt biển xanh ngọc, lóng lánh trong ánh mặt trời rực rỡ. Khó mà thờ ơ với ẩm thực đặc trưng vùng biển hải sản, bún cá, bánh canh cá… nơi đây.
Bún chả cá, bánh canh Nha Trang
Tên địa danh gắn liền trong tên món ăn là sự bảo chứng tuyệt vời nhất mà các du khách dành tặng thành phố biển. Và nếu thích sợi bánh canh bột gạo hơn bún thì bánh canh chả cá cũng là một gợi ý quá hay. Cả hai về cơ bản giống nhau.
Bí quyết làm nên món bún chả cá thơm ngon của riêng thương hiệu Nha Trang một phần là nhờ nguồn nguyên liệu tươi ngon từ biển. Chính vì vậy, dù cho có cố gắng với cùng công thức thì ăn bún chả cá ở Nha Trang bao giờ cũng thấy khác biệt.
Cá tươi mới đánh bắt vừa được chế biến làm nước dùng, vừa được giã nhuyễn với hành lá cắt nhỏ, trộn với muối, tiêu, “biến hóa” thành thứ chả dai ngon, ngọt. Từng tô bún, bánh canh đơn sơ ngun ngút khói nhìn thanh giản đến không ngờ. Bún trắng tươi, nước dùng xâm xấp điểm chả hấp trắng khoe lấm tấm tiêu, chả chiên vàng và xíu hành lá xanh xanh hay miếng cà chua đỏ đỏ dọn ra chung với đĩa rau sống sẽ khiến bạn ngạc nhiên từ khi thử miếng đầu tiên.
Cái ngon của 2 món ăn nằm trong hương vị của nước dùng: ngọt tinh tế, chua nhẹ nhàng và thơm lừng cuốn hút người ăn. Tất nhiên chả cá ngon dai thành thương hiệu riêng là điểm nhất tuyệt vời cho đặc sản Khánh Hòa. Đó là chưa kể đến những sự kết hợp rất đa dạng và đem lại trải vị khác khi khách có thể yêu cầu thêm miếng cá thu đầy đặn, bao tử cá đặc biệt, giò heo béo ngậy…
Gọi tô bún hay bánh canh ra, không cần nhiều động tác, nhẹ nhàng nắn chanh, bỏ ớt, thêm tí mắm nhĩ cho vừa miệng là sẽ thật sự chìm đắm giữa không khí biển từ trong ra ngoài.
Các quán phục vụ hai món này có ở khắp nơi nhưng một số quán thường đông khách hơn như quán trên đường Yersin, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lý Thánh Tôn, Ngô Gia Tự…
Bún sứa
Nước dùng bún sứa không dùng thịt mà chỉ chế biến hoàn toàn từ hải sản tươi đem lại hương vị riêng. Thế nên, dù cho bún sứa phổ biến khắp các tỉnh ven biển phía Trung Nam nhưng bún sứa Nha Trang mới ghi dấu thương hiệu riêng không nơi nào đánh đổi được.
Nước của bún sứa Nha Trang chủ yếu được nấu bằng cá liệt, loại cá chỉ to hơn ba ngón tay, không xương và mang vị ngọt tự nhiên của biển. Trong tô bún sứa còn có chả cá làm từ các loại như cá thu, nhồng, đối… được lóc xương lấy thịt quết đến nhuyễn quánh, sau đó hấp chín hoặc chiên thơm.
Thành phần không thể thiếu cho món đặc sản Nha Trang giành tặng du khách là những con sứa tươi sống mình đầy nước. Đầu bếp nhanh tay cắt sứa thành từng miếng sao cho không quá nhỏ khiến sứa nát, mà cũng không được quá lớn gây khó khăn cho thực khách. Sứa làm sao phải vừa vặn để khách thấy tiện lợi mà vẫn đủ gây hiệu ứng đặc biệt: giòn mát lan tỏa trong miệng người ăn.
Tô bún sứa cũng bốc hơi nóng nhưng khi ăn thì lại thanh mát lắm. Sứa nguyên bản còn ngậm tinh túy biển xanh cứ sần sật mỗi lần nhai được làm đậm vị hơn nhờ chả cá, nước dùng và cân bằng với tổng thể món ăn qua vai trò phụ mà không thể thiếu của rau ghém tươi giòn.
Để thưởng thức bún sứa, cứ tranh thủ dạo qua đường Phan Bội Châu, Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên, ngã tư Yersin - Bà Triệu… Hoặc nếu là người ngẫu hứng, cứ ghé bất cứ quán nào treo biển giới thiệu món thanh đạm này khắp Nha Trang, bạn đều sẽ hài lòng.
Bún lá cá dầm
Người ta rất dễ gọi nhầm tên món ăn này thành ‘bún cá lá dầm’. Nhưng giả bạn đến Nha Trang và thử qua thì xin đảm bảo không bao giờ nhầm được nữa. Chỉ cần ghé qua quán bình dân bất kỳ, nhìn thấy thứ bún đặc biệt là du khách hiểu ngay xuất xứ của đặc sản nói trên.
Thay vì dùng bún thường, bún lá cá dầm chọn bún lá làm nguyên liệu chính. Thứ bún đặc biệt này không theo từng vắt mà được xoáy thành hình tròn mỏng, nhỏ bằng miệng chén, mỗi lát bún được đặt trên một miếng lá chuối cắt tròn để không dính vào nhau.
Nước dùng bún, lại một lần nữa chế biến từ đủ loại cá tươi vốn sẵn có của Nha Trang. Cá cờ, cá bè, cá bò, cá ngừ… vừa nhiều chất đạm vừa ngọt thịt kết hợp với cấp độ chua khác nhau từ cà chua và thơm tạo nên nước dùng hấp dẫn. Các loại rau sống: xà lách, giá, bắp chuối và rau thơm đều được xắt nhỏ.
Ngoài việc dọn riêng rau sống và bún, các nguyên liệu còn được trình bày khác đi cũng gây thích thú cho thực khách. Khi ăn, khách đảo bún lên sẽ reo lên khe khẽ vì phát hiện hóa ra rau sống được để dưới đáy tô, phủ trên là hai lát bún lá rồi đến nước dùng với các loại cá được lóc xương, xắt nhỏ. Để tô bún đậm hơn, người ăn có thể vắt chanh, thêm ít mắm ruốc và chút ớt. Bún lá cá dầm khá mộc mạc nhưng khó quên.
Trên rất nhiều con đường của Nha Trang, bún lá cá dầm giữ bản vị từ bao năm: Đường Yersin, Hàn Thuyên, Bạch Đằng…
Bánh xèo mực
Nếu thích bánh xèo và hải sản, bánh xèo mực sẽ không bao giờ khiến bạn thất vọng (nhưng phải là bánh xèo mực ở Nha Trang nhé). Bánh xèo mực có kích thước, quy trình làm không khác những loại bánh xèo bình thường. Điểm nâng tầm món ăn vẫn là do ưu điểm gần biển của xứ này, tôm, mực tươi có “thương hiệu” cho ra vị ngon bánh xèo mực độc nhất vô nhị.
Bên cạnh đó, người dân xứ biển chọn dùng những chú mực ống mình không quá to, chỉ cắt đôi, tôm thì để nguyên con nên khi ăn, khách cắn ngập chân răng vị giòn ngọt của hai loại hải sản vốn được người Việt ưa chuộng.
Đặc biệt, mực được để nguyên túi mật nên chỉ sau ít phút thưởng thức, mắm sẽ đổi màu đen, lạ lẫm và khác biệt. Không quan trọng lắm nhưng đây cũng là một nét thu hút của bánh xèo mực.
Ghé qua các quán dọc đường Tháp Bà, Phan Bội Châu, Hồng Bàng sẽ thấy bán xèo không thịt heo ngon đến thế nào.
Bánh căn
Bánh căn Nha Trang có nhiều loại nhân từ thịt bò, trứng, nấm, mực, tôm… Hương vị đều “mười phân vẹn mười”. Người bán hàng tay thoăn thoắt đổ bột, cho nhân, đậy vung khuôn rồi lại đổ bánh ra phục vụ khách quả là hình ảnh thú vị trong khi chờ món nóng hổi ra lò.
Nước chấm ngon có vai trò đặc biệt liên kết các thành phần đặc sản này lại với nhau. Nước chấm màu đỏ tươi của ớt, pha sánh, vị chua ngọt nhưng nếu thích, người ăn còn có thể chọn cho thêm miếng xíu mại đậm đà hay tóp mỡ vàng ruộm và thêm hành hoặc hẹ.
Bánh căn khá phổ biến ở Nha Trang, lướt qua Hoàng Văn Thụ, Yersin, Tô Hiến Thành, Tháp Bà… đều dễ tìm một quán hợp với mọi túi tiền.
Bánh ướt, bánh đập
Bánh ướt cũng là món ăn mà khách có thể chứng kiến quy trình làm trong khi chờ đợi, Từng muỗng bột gạo được đầu bếp cho vào nồi hấp thành miếng mỏng, dai và trong mềm. Một số nơi còn thêm chút trứng cho bánh có màu sắc và thêm hương vị. Sau đó, bánh được điểm mỡ hành, tôm khô.
Bánh ướt ăn kèm cùng với hành phi, giá trụng, tóp mỡ, chả lụa, nem chua và cả xoài xắt sợi. Bánh ướt chấm với mắm chua ngọt đủ ớt, tỏi, đường, bột ngọt hoặc mắm ruột làm bằng ruột cá bò, cá ồ hay cá ngừ, mắm nêm với thơm xắt nhỏ, pha đường, chanh, tỏi, ớt…
Và nếu hứng thú, bạn nên thử qua bánh đập, sự kết hợp giữa bánh ướt và bánh tráng nướng ăn kèm với các nguyên liệu như: thịt lợn luộc, lòng, thịt nướng.
Cứ một miếng bánh tráng, cho một miếng bánh ướt thêm mỡ hành, tôm cháy, thịt nướng … rồi gập đôi, chấm vào chén mắm nêm hoặc mắm pha sẽ đem lại khác biệt khó quên. Bánh tráng giòn thơm kết hợp với bánh tráng mềm dẻo lạ miệng vô cùng. Trong khi đó, mắm và các thành phần khác đem lại vị vừa bùi vừa thơm lại beo béo cho món ăn.
Ngoài các loại bún và bánh nói trên, đến Nha Trang nhất định phải thử nem chua, nem nướng Ninh Hòa, gỏi sứa, bánh xoài, cơm chiên muối ớt xanh.