Đời sống

Đón Tết vùng cao Sin Suối Hồ: Những cảm xúc chạm đến trái tim

DNVN - Sớm tinh mơ, từ thành phố Lai Châu chúng tôi lên xe bám theo cung đường hơn 30km quanh co với những dốc đá, men theo sườn núi để đến với bản người Mông Sin Suối Hồ.

Phụ nữ châu Á sợ Tết / Làm du lịch cộng đồng: Xu hướng “bỏ phố về quê” của giới trẻ

Miền đất níu chân người

Trong tiếng Mông cái tên Sin Suối Hồ có nghĩa là “Suối có vàng”, là một bản nhỏ xinh đẹp, bình yên nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, trong lành. Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến bản vùng cao này là bạt ngàn hoa khoe sắc: hàng nghìn gốc địa lan, đào rừng ẩn hiện trong bảng lảng mây trắng… Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, địa lan ở đây phát triển tươi tốt, thân cành xanh mướt, nụ hoa mập mạp khoe sắc vàng ánh nâu.

Những thiếu nữ Sin Suối Hồ.

Nếu các bản Mông khác lấy nương rẫy làm kế sinh nhai thì hơn 130 hộ dân sinh sống ở bản Sin Suối Hồ coi việc trồng phong lan, địa lan làm nguồn thu nhập chính. Nhà ít tầm 100 cây, nhà nhiều có khi lên đến 700-800 cây, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ vùng núi cao xa xôi, địa lan được đưa về Hà Nội và nhiều tỉnh miền xuôi khác, dần trở thành thương hiệu nổi tiếng. Những chậu hoa rực rỡ xếp kín trong sân nhà cũng tạo nên cảnh quan tươi đẹp hỗ trợ cho loại hình du lịch cộng đồng của bản.

Đến nơi đây, bạn sẽ được người dân đón tiếp nồng nhiệt và được mời uống nước thảo quả đựng trong ống tre đơn sơ. Nước thảo quả có tính mát, tốt cho cổ họng, dân bản lo rằng du khách từ dưới xuôi lên, khi thay đổi độ cao đột ngột dễ bị khản tiếng.

Dạo bước theo các con dốc quanh co rợp bóng cây xanh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những ngôi nhà trình tường tạo nên kiến trúc độc đáo và nguyên sơ. Nhà được làm hoàn toàn bằng đất để chống chọi lại khí hậu khắc nghiệt trên cao nguyên đá. Mái được lợp bằng cỏ tranh hay ngói giữ ấm vào mùa đông và tạo không gian thoáng mát khi hè về. Hàng rào dựng lên từ những viên đá được bà con lượm nhặt rồi mang về xếp chồng lên nhau. Chẳng cần chất kết dính hay gọt dũa, song vẫn tạo nên bức tường vững chãi tránh được thú dữ.

1

Nhiệt độ ban ngày tầm 14-15 độ C, hửng nắng nhẹ, gió lành lạnh thổi qua khiến những khóm hoa cải vàng rực khẽ đu đưa. Tôi quan sát dọc đường đi hiếm thấy cọng rác, túi nilon vương vãi. Bản Sin Suối Hồ sạch đẹp không khác gì những khu du lịch cao cấp. Nhà nào ở đây cũng làm chuồng nuôi gia cầm, gia súc. Vườn rau được ghi tên tỉ mỉ. Các giỏ đựng rác bằng mây tre đặt khắp nơi trong bản. Bà con trong bản vô cùng hiếu khách, luôn nở nụ cười tươi chào đón và nhiệt tình chỉ dẫn du khách. Khách tham quan mỏi chân có thể ngồi bệt nghỉ ngơi tại bất cứ đâu, hít căng lồng ngực không khí thanh khiết của vùng cao.

Tiếp thêm năng lượng cho du khách

Sáng mù sương hay khi hoàng hôn tắt nắng, nhiệt độ hạ xuống tầm 3-5 độ, gió hun hút thổi lùa qua khe cửa, mây bồng bềnh giăng mắc trên những thửa ruộng bậc thang, khe suối rì rào đêm ngày… Đứng giữa thung lũng Trái tim, ngắm nhìn không gian xung quanh mà như ngỡ lạc chốn bồng lai tiên cảnh.

Đến với Sin Suối Hồ, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội khám phá khu rừng nguyên sinh cách bản khoảng một giờ đi bộ. Nơi đây có thác nước chảy vòng cung giống hình trái tim, gọi là thác Tình yêu. Bạn sẽ được thả bước trên con đường đá cổ rêu phong, xuyên qua những cánh rừng hùng vĩ, vách đá cheo leo, bên dưới là bạt ngàn thảo quả đang vào vụ thu hoạch... Những chiếc cầu tre, ghế đá được bà con thiết kế cho du khách nghỉ chân “check-in” thật “chill”! Giữa non xanh thăm thẳm, thác Trái tim với dòng nước buông trôi trắng xóa như dải lụa mềm vắt vẻo hiện ra trước mắt đem lại những cảm xúc thú vị, đưa con người giao hòa với không gian khoáng đạt, thơ mộng.

1

Mê mẩn níu chân chúng tôi là sắc hoa đào nhuộm hồng đất trời. Cánh đào phai mong manh bừng nở ngay giữa tiết trời rét buốt đem lại cảm giác ấm áp, hân hoan. Hoa nở dày trên những thân cây khẳng khiu, phủ kín mái nhà rêu phong, hoa theo chân những em bé đang nô đùa đón gió Đông. Hoa đào Sin Suối Hồ đẹp dịu dàng, tinh tế như nụ cười trong trẻo của cô gái Mông dẫn lối mùa xuân vào bản.

Xuân về trên bản vùng cao, xuân rộn ràng trong lòng bao du khách, xuân tưới tắm tâm hồn ta…

Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, dựa lưng vào vách núi để đón ánh dương, những ngôi nhà “tổ chim" là điểm nhấn thu hút du khách muôn nơi. Nhà được dựng vững chắc, có hệ thống cửa sổ và cửa ra vào bảo đảm an toàn. Với diện tích khoảng 7-8 m2, ngôi nhà xinh xắn này có chỗ sinh hoạt cá nhân đầy đủ, tiện lợi, có bình nóng lạnh và hệ thống Wi-Fi riêng. Quờ tay ra cửa là bạn có thể thỏa thuê ngắm nhìn những chậu địa lan đẹp nhất do chính người dân trong bản lựa chọn. Khi mặt trời khuất sau dãy núi, cảnh nơi đây đẹp như tranh vẽ với những chiếc “tổ chim” lung linh ánh đèn, được đặt tên theo các loài chim với bậc cầu thang lên xuống độc đáo. Cuộc sống nơi đây mộc mạc, ấm cúng nhưng rất đỗi nên thơ, như tiếp thêm cho mỗi người nguồn năng lượng tươi mới.

Khám phá ẩm thực Sin Suối Hồ, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc hương vị truyền thống của đồng bào Tây Bắc như: lợn treo gác bếp xào cải mèo, gà leo dốc, măng xào lá chanh, nộm hoa chuối, nộm rau dớn, cá suối, canh bí nương, thịt lợn bản quay cuốn lá rau thơm tiêu rừng chấm chẳm chéo…Không chỉ thế, du khách còn được thưởng thức lá tiêu rừng chua chua, ngọt ngọt, tê tê vấn vương đầu lưỡi, làm nên hương vị có một không hai. Khách quý được mời uống rượu chứa trong những ống tre, chén là đốt tre nhỏ gần gũi với thiên nhiên.

Đêm giao lưu văn nghệ với dân bản giúp mỗi người cảm nhận rõ hơn văn hóa của đồng bào Mông. Huơ tay bên bếp lửa cháy rừng rực mà bồi hồi nghe tiếng sáo vi vút gọi bạn, xao xuyến khi tiếng khèn cất lên, rồi mải mê ngắm nhìn bước chân cô gái Mông dập dìu bên điệu vũ và vùi mình trong chiếc chăn ấm thổ cẩm khiến du khách không nguôi cảm xúc…

Cảm nhận văn hóa bản địa

Đến Sin Suối Hồ đúng dịp Tết Nguyên đán nên chúng tôi may mắn được tham dự ăn Tết cộng đồng cùng dân bản.

Sáng 29 Tết, hàng trăm người Mông trong trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu tập trung ở khu nhà rộng cheo leo sườn núi Sơn Bạc Mây cùng tham gia bữa ăn chung đầm ấm không hơi men, khói thuốc. Nhà nhà tay xách nách mang bánh dày, gà rang, thịt lợn luộc, cải mèo xào, bắp cải luộc, bàn ghế gấp… tới khu nhà nguyện của bản để ăn Tết cùng nhau.

Mâm cỗ Tết của người Mông thường có bánh dày, thịt trâu gác bếp, mèn mén (ngô xay nhỏ được đồ như đồ xôi)… Trong đó, món bánh dày không nhân dẻo quánh là thứ không thể thiếu, giống như bánh chưng của người Kinh. Một số gia đình vẫn làm bánh dày theo kiểu thủ công: “Cho bột nếp vào máng gỗ rồi hai người đàn ông dùng thanh gỗ hình chữ L giã liên tục. Khi nặn bánh, dùng lòng trắng trứng gà cho đỡ dính tay”. Bánh có lớp vỏ ngoài được nướng trên than hồng nên vừa giòn vừa thơm, ăn riêng hoặc chấm mật ong, sữa đặc đều ngon tuyệt.

Điều thú vị trong bữa ăn Tết cộng đồng là các hộ ngồi quây quần bên nhau nhưng thỉnh thoảng qua bàn các nhà khác để giao lưu, thưởng thức đồ ăn, thức uống của hàng xóm. Không khí vui vẻ, rộn rã tiếng cười nói, chúc tụng. Không chỉ ngày Tết, đồng bào Mông ở bản Sin Suối Hồ mới nói không với hơi men, khói thuốc mà cuộc sống của họ từ những năm 90 của thế kỷ trước đã ngầm cam kết như vậy.

Nếu có thời gian, bạn có thể ở lại khám phá săn mây trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử - đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam. Bạn cũng được ngắm toàn cảnh thung lũng hoa, các thửa ruộng bậc thang tràn ngập sắc vàng vào mùa lúa chín, lấp lánh như những chiếc gương khổng lồ khi đến mùa nước nổi. Hay, Bạn có thể đi chợ phiên Sin Suối Hồ họp vào sáng sớm thứ 7 hàng tuần để thưởng thức món thắng cố, tự mình xay ngô, dệt thổ cẩm… Thật vậy, Sin Suối Hồ ẩn chứa trong mình sức hút lạ kỳ bởi tình đất, tình người nơi đây. Đến phút chia xa, mà bạn chỉ mong ngóng ngày hội ngộ với những trải nghiệm mới lạ, bất ngờ.

Linh Đan
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm