Đời sống

Phụ nữ châu Á sợ Tết

Cận kề Tết Nguyên đán, nỗi bất an lại bắt đầu với nhiều phụ nữ tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan hoặc Singapore.

Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết / Tác dụng tuyệt vời của trà cây ngưu bàng

Cách đây ít năm, vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Lee (người Hàn Quốc) một tay lướt điện thoại, tay còn lại không ngừng xoa bóp chiếc lưng đau.

Người phụ nữ 47 tuổi cho biết đang tìm kiếm một bệnh viện chuyên điều trị xương khớp. Cô cho rằng quãng ngày dài tất bật nấu nướng, dọn dẹp cho dịp Tết chính là nguyên nhân khiến mình đổ bệnh.

“Những ngày Tết Nguyên đán, tôi chỉ ở nhà để chuẩn bị đồ ăn. Giờ đây, chỉ cần di chuyển một inch, lưng tôi lại đau thắt”, Lee thở dài, chia sẻ trên The Korea Bizwire.

Phụ nữ Hàn Quốc suy kiệt vì nghỉ Tết

Tại Hàn Quốc, có một tình trạng phổ biến mang tên “hội chứng kỳ nghỉ”, chỉ những người gặp vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần sau khi trải qua chuỗi ngày nghỉ lễ, Tết kéo dài.

Hội chứng này xuất hiện ở tất cả giới tính hay độ tuổi, nhưng những phụ nữ đã kết hôn lại là đối tượng gặp phải nhiều nhất.

Hàn Quốc là quốc gia đề cao thứ bậc trong xã hội, trong đó người phụ nữ thường phải chịu sự giám sát, áp đặt từ mẹ chồng hoặc chị dâu. Không có gì ngạc nhiên khi họ luôn nhìn ngày lễ, Tết với sự e ngại sâu sắc.

 Với nhiều phụ nữ Hàn Quốc, các dịp lễ, Tết là khoảng thời gian căng thẳng, áp lực khi luôn phải đứng bếp, làm việc nhà. Ảnh: Soul of Seoul.

Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 trên 562 phụ nữ đã kết hôn, các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungnam nhận thấy phụ nữ căng thẳng với ngày lễ, Tết còn nhiều hơn so với việc họ mang nợ đến 10.000 USD.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác cho thấy số lượng phụ nữ tại Hàn Quốc bị viêm bàng quang cũng tăng đáng kể trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính có thể do họ bị căng thẳng và hệ miễn dịch kém.

Cụ thể, vào năm 2018, Dịch vụ Đánh giá & Bảo hiểm y tế HIRA ước tính có khoảng 5.268 người được chẩn đoán mắc bệnh viêm bàng quang vào dịp Tết Nguyên đán, trong đó có 4.787 người là phụ nữ.

Nhiều người trong số họ là những bà nội trợ ở độ tuổi 30-40. Các nhà nghiên cứu tại HIRA tin rằng sự căng thẳng về tâm lý và thể chất trong kỳ nghỉ Tết đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ, bao gồm cả việc di chuyển một quãng đường dài ở cùng một vị trí để về thăm gia đình.

Phụ nữ Singapore sợ bị giục sinh đẻ

 

Trong khi đó, tại Singapore, Tết Nguyên đán đôi khi lại giống như một cuộc họp hội đồng công ty thường niên. Ở đó, từng người ngồi lại với nhau và buộc phải báo cáo hoạt động của mình trong một năm với những người họ hàng mà họ rất ít khi gặp mặt.

Đặc biệt, những người phụ nữ đã kết hôn luôn bị hỏi han về vấn đề tài chính, đời sống hôn nhân và kế hoạch sinh con của mình.

Theo Channel News Asia, nhiều người lớn tuổi ở Singapore quyết định rằng không ai có thể hạnh phúc nếu như trì hoãn việc sinh sản.

Rất nhiều phụ nữ châu Á mệt mỏi khi bị người khác hỏi sâu về chuyện cá nhân như tài chính, sinh sản. Ảnh: BBC.Rất nhiều phụ nữ châu Á mệt mỏi khi bị người khác hỏi sâu về chuyện cá nhân như tài chính, sinh sản. Ảnh: BBC.

Còn trên Today, một phụ nữ tên Patricia (35 tuổi) cho biết cô luôn phải “diễn kịch” trong mỗi dịp Tết hàng năm khi họ hàng tiến hành hàng loạt cuộc thẩm vấn vào đời tư của cô.

 

“Khi lấy chồng, bạn sẽ vẫn phải nghe những câu hỏi đào sâu vào cuộc sống cá nhân, nhưng người hỏi sẽ chuyển từ người thân bên gia đình bạn sang họ hàng của gia đình chồng”, cô nói.

Gái độc thân Trung Quốc muốn 'trốn Tết'

Còn tại Trung Quốc, Tết Nguyên đán không chỉ mang nỗi ám ảnh đến với những người phụ nữ đã lập gia đình, mà còn khiến rất nhiều cô gái độc thân ngán ngẩm, bất an.

Theo Washington Post, vào năm 2019, các bệnh viện tại quốc gia tỷ dân này báo cáo sự gia tăng đột biến số lượng người trẻ tìm cách điều trị chứng lo âu. Rất nhiều người trong số họ chỉ muốn “trốn Tết”.

Emily Liu (31 tuổi), làm việc tại một cơ quan nhà nước, cho biết: “Năm ngoái, tôi sợ Tết đến mức không dám về nhà. Năm nay, tôi cũng không muốn về nhưng không có cách nào để giải thích với cha mẹ.

 

Mỗi lần tôi về quê, cha mẹ luôn nói ‘Bạn cùng lớp có con cái hết rồi, con thậm chí còn không có bạn trai’. Họ còn huy động cả bà con họ hàng nói với tôi điều đó. Tôi chịu áp lực quá lớn”.

Nhiều cô gái muốn làm thêm vào ngày Tết để tránh sự phàn nàn từ gia đình. Ảnh: EPA.Nhiều cô gái muốn làm thêm vào ngày Tết để tránh sự phàn nàn từ gia đình. Ảnh: EPA.

Ở nhiều nước châu Á, những cô gái ở khoảng giữa và cuối độ tuổi 20 mà chưa lấy chồng được gọi với cái tên “người còn sót lại”, luôn bị gia đình thúc giục yêu đương, đám cưới. Điều này khiến không ít người sợ hãi việc trở về nhà trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và chịu đựng những nỗ lực mai mối không ngừng.

Theo số liệu vào năm 2019 được cung cấp bởi nền tảng hẹn hò Zhenai.com, tại Trung Quốc, khoảng 85% người độc thân từ 26 đến 30 tuổi cho biết bị cha mẹ thúc giục chuyện kết hôn.

Shen, một cô gái 25 tuổi đến từ tỉnh Ninh Ba, trước khi về quê ăn Tết đã dành một tháng để chỉnh sửa, cắt ghép 10 bức ảnh của mình với một nam diễn viên nổi tiếng tên Liu Haoran (Lưu Hạo Nhiên).

 

Cô gửi những bức ảnh cho cha mẹ, giới thiệu chàng trai là người yêu của mình. Điều này khiến phụ huynh vui mừng khôn xiết.

Ở một trường hợp khác, Dong (35 tuổi, có bằng tiến sĩ) cũng phải cố gắng trốn tránh sự cằn nhằn của cha mẹ. Cô xin quản lý cho mình được tăng ca và đi làm thêm vào dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, sếp, người trạc tuổi cha mẹ Dong, không đồng ý. Ông cũng cho rằng cô gái nên coi yêu đương, kết hôn là việc cần thiết phải làm.

“Bỏ trốn sẽ không giúp cô thay đổi thực tế. Kỳ nghỉ Tết là cơ hội tốt để giao lưu và cô nên cố gắng gặp gỡ nhiều người hơn, chủ động tiếp cận để tìm được người phù hợp với mình”, Dong thở dài, kể lại lời của vị quản lý nói với mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm