Đón xuân này, nhớ Tết xưa
Làm du lịch cộng đồng: Xu hướng “bỏ phố về quê” của giới trẻ / Cá kho làng Vũ Đại: Thương hiệu thấm đẫm hồn quê Việt
Đón xuân này…
Tết năm nay, với cuộc sống tất bật và vội vã, gia đình tôi cũng như các gia đình khác đã chọn các dịch vụ dọn dẹp nhà cửa thay vì tự tay chỉnh trang cho ngôi nhà của mình như ngày xưa. Với thời đại 4.0 như hiện nay, đi chợ Tết cũng khác rất nhiều, chỉ một vài click chuột là tôi đã có thể mua sắm bất cứ thứ gì để chuẩn bị cho ngày Tết từ thức ăn, bánh mứt, quần áo… mà không cần phải chen chúc tại siêu thị hay mất cả buổi sáng đi chợ.
Trước đây, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, với những người thân của tôi ở nước ngoài không có điều kiện về quê đón Tết, Tết đến là những ngày đầy lạnh lẽo, buồn tủi, nhớ nhung. Ngày nay, khoảng cách về không gian dường như được rút ngắn lại, ngày Tết những người xa xứ cũng có cảm giác như được quây quần bên những người thân yêu khi các ứng dụng trò chuyện trực tuyến, các mạng xã hội ra đời và ngày càng phát triển. Công nghệ đã mang những người trong gia đình đến gần nhau hơn trong thời khắc thiêng liêng.
Nếu như trước đây, tối 30 Tết mọi thành viên trong gia đình thường quây quần bên mâm cơm tất niên, kể về những câu chuyện của một năm đã qua và cùng nhau xem chương trình Tết trên tivi. Mấy Tết gần đây, một số gia đình lại chọn cho mình các hình thức khác như đi du lịch. Đây cũng là một cách đón Tết khá mới lạ và thú vị. Với giới trẻ, lại lựa chọn chuyến du xuân tới các vùng đất mới, để khám phá những văn hóa hay có những trải nghiệm mới vào dịp đầu năm.
Nhớ Tết xưa…
Đó là những năm tháng cách đây 30 năm, cái thời mà kinh tế còn nhiều khó khăn, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn. Và cứ khi những ngày cuối đông trời mưa rơi lất phất, nắng ấm dần lên là báo hiệu xuân đang về. Trước Tết một tháng, trong xóm ngoài làng, người người, nhà nhà đều lo chuẩn bị đón Tết bằng cách dọn dẹp lại nhà cửa, sân vườn gọn gàng, sạch sẽ. Nhà nào “có điều kiện” sẽ gọi người quét vôi trắng, vôi màu lại các bức tường trong, ngoài để ngôi nhà thêm sạch sẽ, sáng sủa chào đón năm mới. Cùng với đó là việc treo tranh Tết, câu đối đỏ cũng không thể nào thiếu trong những ngày Tết.
Từ ngày đưa Ông Táo về trời, tôi cùng gia đình tập trung để chăm sóc phần mộ của ông bà, người thân đã mất, dâng lễ mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đây là nét đẹp của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ về những người đã khuất. Ngoài ra, việc đầu tiên cần làm để chuẩn bị đón Tết là cả xóm đi gánh nước tại chiếc giếng cổ gần sân đình làng, đổ đầy các bể chứa bên góc nhà để dùng. Vì ngày Tết, người ta kiêng không đi lấy nước. Vậy là yên tâm có nước dùng mấy ngày Tết, lại hy vọng sang năm mới cả nhà sẽ được đầy đủ mọi bề như bể nước đầy.
Một việc khá quan trọng để đón Tết là việc mổ lợn. Trước đây, do còn thiếu thốn nên nhiều nhà trong xóm sẽ cùng “đụng” một con lợn. Thế là mới sáng tinh mơ, khắp thôn xóm đều rộn tiếng lợn kêu eng éc. Thế là khi thịt lợn được chia cho mỗi gia đình xong, mang về nhà sẽ được sơ chế, lọc riêng ra để làm các món đặc trưng của ngày tết như: giò lụa, giò mỡ, nem chạo, nấu xáo, cuốn nem, nướng, rán áp chảo,…
Tiếp đó đến là việc gói bánh chưng. Cả nhà chia nhau mỗi người mỗi việc. Các mẹ các chị thì lo rửa lá dong, vo và ngâm gạo, đậu xanh. Còn đàn ông, chẻ lạt, thái thịt làm nhân, gói bánh. Tôi vẫn còn nhớ, hồi đó tôi mới đi học lớp 2, lớp 3, khi cho bánh vào một thùng phi to thay nồi để luộc bánh chưng, tôi đã tranh ngồi trông bánh cả đêm. Đôi lúc lại mở nắp thùng ra xem nước có cạn bớt không, rồi cho thêm nước vào nồi để bánh khỏi cháy. Củi nồi bánh chưng cháy lâu tạo thành những tảng than lớn đỏ rực.
Bọn trẻ chúng tôi thường quây quần quanh bếp lửa để nướng sắn, nướng khoai. Khi khoai chín cả bọn lấy ra, vừa thổi phù phù vừa bóc vỏ nhai ngấu nghiến. Sáng ra buồn ngủ rũ cả người, nhưng tôi vẫn cố đợi khi bố mẹ vớt bánh, rồi dàn bánh trên một cái mẹt lớn, lấy mâm đè lên. Sau đó lấy thêm chiếc cối đá nặng đè lên trên mâm để lèn cho bánh thật khô rền. Đó quả thật là những giây phút hạnh phúc nhất trong quãng đời thơ bé mà tôi không bao giờ quên.
Chiều 30 Tết, cả nhà quây quần ăn bữa cỗ tất niên. Đó là bữa cỗ với đủ các món ngon, gồm: bánh chưng, giò lụa, cán rán, nem chạo, thịt gà, lòng lợn, miến, măng, dưa hành... bọn trẻ chúng tôi cảm thấy vô cùng ngon miệng vì trong năm rất ít khi được ăn thịt cá. Sau đó chúng tôi tỏa ra sân, cầm trên tay những chiếc pháo tép chờ đốt đúng giờ giao thừa.
Chờ mãi rồi giao thừa cũng tới, khắp trong xóm ngoài làng tiếng pháo nổ đì đùng. Chúng tôi cùng đốt những đoạn pháo tép, tiếng nổ lẹt đẹt hòa trong khói pháo. Bố và mẹ đã ngồi sẵn đợi chúng tôi trong nhà. Bố mẹ gọi từng đứa lại mừng tuổi và dặn dò ba ngày Tết phải ăn nói nhẹ nhàng, không được cãi nhau, thấy người lớn phải chào hỏi lễ phép,...
Ngày đoàn viên
Dù Tết xưa hay Tết nay, song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc Tết, mừng tuổi,... vẫn là nét đẹp trường tồn mãi mãi trong Tết cổ truyền của người Việt. Và nó là giá trị bất biến vĩnh hằng in đậm trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay mưu sinh trên khắp thế giới. Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt lại có dịp lưu truyền, chiêm nghiệm và phát triển để làm phong phú hơn nền văn hóa nước nhà.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, bể dâu biến đổi, những ngày tháng xưa cũ đã theo mây bay về cuối trời, cha mẹ tôi nay tuổi đã cao, anh em mỗi người một nơi. Nay Tết lại về, Tết bây giờ cũng đã khác xưa nhiều lắm. Mọi thứ đều có sẵn, nếu dư dả tiền nong, người ta chỉ cần một vài tiếng trong một ngày là đã sắm được một cái Tết đầy đủ, dư thừa. Nhưng dường như những bận bịu, lo toan thường nhật trong một cuộc sống hối hả đã không còn làm cho mọi người háo hức nhiều về Tết cổ truyền. Riêng tôi, mỗi độ Tết đến, xuân về, những ký ức lung linh của một thời về những cái Tết đầm ấm, đoàn viên trong thiếu thốn lại sống dậy, không thể nào quên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chăm sóc mẹ già suốt 10 năm nhưng không được chia mảnh đất nào, đến lúc đọc kỹ lại di chúc tôi mới òa khóc
Tử vi ngày 22/12/2024 của 12 con giáp: Tuổi Mão công việc thăng hoa, tuổi Tỵ cẩn thận sai lầm
Mẹo vệ sinh quạt điện trong 5 phút không cần tháo khung hay rửa nước sạch bong như mới
Con gái dắt 3 chú chó Ngao Tạng đi bộ mãi không về, bố đi tìm thấy cảnh tượng dở khóc dở cười
Loại rau dại từng cho lợn ăn giờ được săn lùng với giá 500 nghìn đồng/kg
Bố di chúc để lại nhà cùng 2,7 tỷ tiền tiết kiệm cho mẹ kế, chúng tôi kéo nhau gặp luật sư để rồi nhận cái kết sững người