Đời sống

Du lịch trang trại: Xu hướng mới cho phát triển bền vững

DNVN - Mô hình du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp đang dần trở thành xu hướng phát triển bền vững, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội, đồng thời gắn liền với trách nhiệm môi trường.

Chồng tuyên bố chỉ sống bên bồ mới hạnh phúc nhưng ly hôn xong đời tôi lên hương còn anh ngậm trái đắng / Mẹ chồng muốn tái hôn cả nhà đều ủng hộ nhưng vừa thấy chú rể, vợ chồng tôi tái mặt

Ngày 24/9, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp lý Minh Sơn đã tổ chức buổi tọa đàm về phát triển du lịch trang trại và những vấn đề pháp lý liên quan.

Tại sự kiện, các chuyên gia đã nhấn mạnh, trong những năm gần đây, nông nghiệp và du lịch đã phát triển song hành, trở thành hai ngành mũi nhọn theo định hướng phát triển của Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 08-NQ/TW.

Tọa đàm về phát triển du lịch trang trại.

Mô hình du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, hay còn gọi là du lịch nông nghiệp, đã nổi lên như một hình thức mới của phát triển du lịch bền vững. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa du lịch và hoạt động nông nghiệp, mang đến những lợi ích lâu dài cho cả xã hội và môi trường.

Các yếu tố để phát triển loại hình du lịch này được các chuyên gia chỉ ra bao gồm: không gian tổ chức, chủ thể cung ứng, các hoạt động du lịch, sự chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia, vai trò của các công ty lữ hành, và hoạt động xúc tiến quảng bá.

Không gian tổ chức của du lịch nông nghiệp thường là những địa điểm như trang trại, đồng ruộng, làng quê, làng nghề truyền thống hay miệt vườn. Đây là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, các sản phẩm ẩm thực địa phương, gắn liền với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng đặc trưng của từng vùng miền.

Người dân địa phương, những người trực tiếp tham gia vào sản xuất nông nghiệp, là chủ thể chính cung cấp dịch vụ du lịch. Họ không chỉ đóng vai trò gìn giữ mà còn truyền tải giá trị văn hóa nông nghiệp đến du khách thông qua các hoạt động canh tác, chăn nuôi, hoặc các phong tục tập quán. Bên cạnh đó, các hoạt động trải nghiệm như câu cá, săn bắt, tìm hiểu cuộc sống hoang dã, cấy lúa, hoặc tham quan xưởng sản xuất đều là những yếu tố thu hút du khách.

Một điểm quan trọng trong du lịch nông nghiệp là việc chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia. Người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp thông qua cung cấp các dịch vụ homestay, hướng dẫn du lịch, cung cấp hàng hóa và nông sản. Đây là yếu tố cốt lõi giúp du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại thu nhập mà còn duy trì sinh kế bền vững cho người dân.

Bên cạnh đó, các công ty lữ hành đóng vai trò như cầu nối giữa du khách và các điểm đến. Họ không chỉ đưa khách đến các trang trại mà còn giúp định hình, thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Sự thành công của loại hình này phụ thuộc rất lớn vào chiến lược marketing sản phẩm, từ việc khảo sát, xây dựng, quảng bá đến tổ chức thực hiện.

Hoạt động quảng bá và truyền thông về các điểm du lịch nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Việc xây dựng thương hiệu cho địa phương hay sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có thể góp phần lớn trong việc thu hút du khách và phát triển du lịch nông thôn.

Theo các chuyên gia, du lịch nông nghiệp tại Việt Nam đang dần trở thành xu hướng mới, bên cạnh những loại hình du lịch phổ biến khác như du lịch biển, du lịch thể thao, hay du lịch văn hóa. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có khung pháp lý rõ ràng để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp.

Duy Lộc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm