Du lịch

Kịch bản nào cho ngành Du lịch Việt Nam năm 2022?

Sự bùng phát COVID-19 trên diện rộng khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đóng băng, đặc biệt đối với ngành du lịch. Doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, phần lớn lao động trong ngành bị mất việc làm. Năm 2022, với những chính sách và định hướng mới, các chuyên gia vẫn đặt kỳ vọng vào sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp không khói này.

TP Hồ Chí Minh nỗ lực phục hồi du lịch an toàn / Ngày 20/11 Phú Quốc sẽ đón đoàn khách hộ chiếu vaccine đầu tiên đến Việt Nam

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Năm 2021 tiếp tục là một năm sóng gió với ngành du lịch do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến các chuỗi liên kết dịch vụ, du lịch bị gián đoạn, đứt gãy kéo dài. Doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, cạn kiệt về tài chính. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh. Cơ sở lưu trú trên cả nước chỉ đạt khoảng 5-10% công suất. Phần lớn lao động trong ngành bị mất việc làm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác, gần như 100% hướng dẫn viên không có việc...

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2021 (Ảnh: Tổng cục Thống kê)

Trước tình hình đó, ngành du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi du lịch trong tình hình mới.

Với du khách trong nước, ngành thực hiện chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Nhờ đó, hoạt động du lịch tại các địa phương đã bắt đầu khởi sắc, du lịch nội địa đang từng bước phục hồi: Hà Nội đón 4 triệu lượt khách; Đà Nẵng đón 1,1 triệu lượt; Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt; Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt; Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt; Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…

Tháng 11/2021, những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Quảng Nam, Phú Quốc và Khánh Hòa theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam sau thời gian dài “đóng băng”. Đây là kết quả nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong việc vượt khó, phục hồi sau đại dịch. Dự kiến đến hết tháng 12/2021, du lịch Việt Nam sẽ đón được 3.000-3.500 khách du lịch quốc tế. Sang tháng 1/2022, du lịch nước ta sẽ tiếp tục đón khách du lịch quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakstan, Thái Lan và Ấn Độ…

Trong năm 2021, du lịch Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Tiêu biểu là danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á”, “Điểm đến du thuyền tốt nhất châu Á”, “Vịnh Hạ Long - Điểm tham quan hàng đầu châu Á”, “Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” cùng nhiều giải thưởng cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không của Việt Nam.

Sẵn sàng để thoát ngủ đông

Tại diễn đàn kinh doanh 2021 tổ chức bởi Forbes Việt Nam về phục hồi của các doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch doanh nghiệp Vietravel cho biết: “Để sinh tồn trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ban lãnh đạo Vietravel đã buộc phải đưa doanh nghiệp vào trạng thái "ngủ đông tích cực". Ông Kỳ cho biết, trong khi tối thiểu hóa hoạt động để giảm thiểu chi phí, Vietravel vẫn chủ động có những hoạt động để sẵn sàng trở lại nhanh nhất khi thị trường phục hồi.

"Chúng tôi nhìn nhận để phục hồi cần qua 4 giai đoạn là 'rã đông, khởi động, tăng tốc và về đích'. Hiện Vietravel đang ở giai đoạn khởi động vì giãn cách xã hội cũng chỉ vừa kết thúc vào tháng 10. Du lịch chỉ có thể quay trở lại vào dịp Tết Nguyên đán 2022 và chỉ có thể khôi phục du lịch nội địa" - ông Kỳ nhận định.

Những kỳ vọng khả quan được đặt ra

Theo các chuyên gia, khả năng phục hồi của du lịch Việt Nam sau COVID-19 phụ thuộc rất lớn vào tiềm năng của ngành du lịch. Không thể phủ nhận, chúng ta sở hữu tiềm năng rất lớn từ vị trí địa lý, con người, cảnh quan, văn hóa và lịch sử, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Do đó, niềm tin vào sự trở lại của du lịch Việt Nam là rất lớn, vẫn có khả năng phát triển với tốc độ dẫn đầu khu vực và thế giới.

TS. Nuno F. Ribeiro - giảng viên cấp cao và Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT) chia sẻ: “Ngành du lịch nên chuẩn bị cho tương lai “bình thường mới”, nơi COVID-19 là một phần của thực tế và phải được xử lý và kiểm soát để đảm bảo rằng dịch bệnh không ảnh hưởng quá mức đến trải nghiệm của khách du lịch”.

“Với điều kiện là tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 được duy trì và các nỗ lực mở cửa trở lại hiện nay ở một số địa phương thành công, Việt Nam sẽ gửi thông điệp rõ ràng đến du khách quốc tế rằng đây là một điểm đến an toàn cho du lịch. Tôi kỳ vọng rằng từ khoảng giữa năm 2022, với việc tái thiết du lịch quốc tế và áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, chúng ta sẽ bắt đầu ghi nhận tăng trưởng” – TS. Nuno F. Ribeiro cho hay.

Ông Bruce Delteil - giám đốc hợp danh, đại diện McKinsey & Company Việt Nam - chia sẻ nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam sau dịch. (Ảnh: Forbes Việt Nam)

Ông Bruce Delteil - giám đốc hợp danh, đại diện McKinsey & Company Việt Nam - chia sẻ nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam sau dịch. (Ảnh: Forbes Việt Nam)

Ông Bruce Delteil - Giám đốc hợp danh công ty McKinsey & Company Việt Nam cũng đã chia sẻ về góc nhìn tương lai về nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch như sau: "Khi nhìn lại một năm trước và nhìn về năm 2022, McKinsey & Company Việt Nam nhìn thấy những kịch bản phục hồi khác nhau. Các kịch bản xây dựng dựa trên việc quốc gia kiểm soát COVID-19 như thế nào. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam giảm sút nhưng chúng tôi tin sau đó sẽ phục hồi mạnh mẽ. Điều đó có nghĩa dự báo GDP sẽ tăng trưởng dương vào năm tới".

Hà My (tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm