Du lịch

Thừa Thiên Huế: Kích cầu du lịch trong trạng thái bình thường mới

DNVN - Năm 2022, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phải quyết tâm, nỗ lực; có kế hoạch, giải pháp gắn với lộ trình, tầm nhìn cụ thể để từng bước phục hồi, kích cầu phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khảo sát các điểm du lịch sinh thái / Bỏ túi danh sách những điểm nên đến khi tham quan xứ Huế dịp 30/4-1/5

Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành du lịch Thừa Thiên Huế năm 2022 và khai trương “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 20/1.

Nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch bệnh COVID-19

Năm 2021 ngành du lịch Thừa Thiên Huế gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tổng lượt khách đến Huế trong năm 2021 ước đạt 691.571 lượt, giảm gần 60% so với năm 2020 (trong đó, khách quốc tế đạt 22,735 lượt, giảm gần 96% so với năm 2020). Doanh thu từ du lịch ước đạt 1.177 tỷ đồng, giảm hơn 69% so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nhất là mảng khách sạn, nhà hàng, lữ hành, phải tạm ngừng hoạt động.

Đối mặt với tình hình trên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành du lịch đã chủ động tham mưu các giải pháp, chính sách kịp thời cả trong quản lý và phát triển du lịch đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế ngành, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.

Các nhiệm vụ, hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, lưu trú, lữ hành cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương trong khu vực và quốc tế không ngừng được củng cố, phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu như: liên kết 4 địa phương, 1 điểm đến: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Bình; 07 địa phương: Hà Nội, thành phố HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; 05 địa phương: Quảng Bình-Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Hà Nội. Bên cạnh đó, công tác liên kết được mở rộng ra ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đã được đổi mới và tăng cường theo hướng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch giới thiệu hình ảnh điểm đến, ẩm thực, dịch vụ du lịch Huế trên các trang mạng xã hội facebook, tiktok, instagram, youtube, zalo... của Visit Hue và website tiếng Nhật, Tripadvisor, Angoda, Booking.com, Traveloka,....

Song song với việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, Sở đã Phối hợp với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế thực hiện các thủ tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho 87 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tính đến thời điểm 20/12/2021 đã chi hỗ trợ cho hơn 1.088 hướng dẫn viên với 4.036.480 triệu đồng,…

Triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Sở Du lịch sẽ quyết tâm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; trong đó, đặc biệt là Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tập trung xây dựng thương hiệu du lịch: "Huế - Thành phố của lễ hội", "Huế - Kinh đô ẩm thực" và "Huế - Kinh đô áo dài", tạo động lực nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trọng tâm năm 2022, triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành du lịch, nhất là thị trường khách du lịch và sản phẩm du lịch; xây dựng chiến lược dài hạn cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới, nhất là quảng bá trực tuyến trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

 

Phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong năm vừa qua. Đồng thời đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo ngành, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ… từ đó, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn để phấn đấu, nỗ lực thực hiện thành công các kế hoạch, chiến lược phát triển trong năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, dựa trên các nền tảng đã được các đơn vị chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian vừa qua như: tiêm vắc xin cho nguồn nhân lực; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin cho phát triển du lịch; kế hoạch phục hồi du lịch… Thì năm 2022, ngành du lịch tỉnh nhà phải quyết tâm, nỗ lực; có kế hoạch, giải pháp gắn với lộ trình, tầm nhìn cụ thể để từng bước phục hồi, kích cầu phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Du lịch phối hợp với các Sở, Ban, ngành địa phương để hoàn thiện các Đề án, Kế hoạch trọng tâm như Đề án “Định hướng phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”; Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”; Kế hoạch “Triển khai chiến dịch quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế trên kênh truyền hình CNN Quốc tế”. Đặc biệt tổ chức thực hiện các lễ hội du lịch nằm trong chuỗi sự kiện, Lễ hội Festival 4 mùa...

Khai trương “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế”

Khai trương “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế”

 

Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nghiên cứu xây dựng các tour, tuyến mới, sản phẩm mới để thu hút khách du lịch. Đồng thời đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số trong ngành du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch thông minh.

Nhân dịp này, Sở Du lịch cũng đã chính thức khai trương “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế”.

Theo đó, “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế” được tổ chức trên nền tảng triển lãm ảo (Virtual Exhibition) thông qua kết nối trực tuyến. Đây là hình thức tổ chức triển lãm trên không gian số trực tuyến, trong đó toàn bộ không gian triển lãm, gian hàng, sản phẩm dịch vụ, hoạt động tham quan… đều được diễn ra trên không gian số trực tuyến ảo 3D.

“Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế” được chia thành nhiều khu vực khác nhau như: Khu vực không gian sảnh chính; Khu vực không gian giới thiệu, tham quan thực tế ảo các điểm đến du lịch Huế; Khu vực không gian sảnh giới thiệu các gian hàng triển lãm; Khu vực phòng hội trường, chiếu phim... Tại đây, khách tham quan và doanh nghiệp có thể tham gia tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi thông qua kết nối internet trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính cá nhân.

Ngoài ra, khách tham quan còn có thể tìm hiểu thông tin, sản phẩm, dịch vụ du lịch trực quan sinh động qua hệ thống trình chiếu, tương tác 3D hoặc đeo kính thực tế ảo VR. Đặc biệt, sử dụng nền tảng kết nối được tích hợp, các doanh nghiệp, khách tham quan còn có thể tham gia phòng họp trực tuyến, kết hợp gọi video thời gian thực nhằm thúc đẩy quảng bá, giới thiệu và xúc tiến sản phẩm với một trải nghiệm hoàn toàn mới.

 


Hầu Tỷ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm