Trước khi nhà giàu Ấn Độ ồ ạt chạy đến trốn dịch, Dubai đã là nơi giới lắm tiền tìm đến, vung tiền mua nhà ở cao cấp để tiếp tục công việc kinh doanh lẫn các thú vui sang chảnh.
Sau gần 30 năm sống ở London (Anh), Christophe Reech (đến từ Pháp), chủ tịch của một tập đoàn sở hữu các công ty công nghệ tài chính và bất động sản, đã chán ngấy với những lần phong tỏa thành phố vì dịch.
Mùa xuân năm nay, Reech bán đi căn nhà ở trung tâm thủ đô, dọn đến Dubai (UAE) bắt đầu cuộc sống mới, theo Indian Express.
Quyết định này có phần mạo hiểm. Nhưng Reech cho hay những người bạn khác trong giới kinh doanh của mình cũng làm tương tự, dẫn đến nhu cầu và doanh số bất động sản cao cấp ở Dubai tăng vọt chưa từng có.
"Ở Dubai, chỉ có một chiến lược: Kinh doanh như bình thường. Đảm bảo mọi người đã được tiêm phòng và các hoạt động phát triển kinh tế không bị đóng băng. Đó là lý do chính khiến tôi dọn đến đây sống", người đàn ông cho hay.
Từ trước khi nhà giàu Ấn Độ ồ ạt kéo đến để trốn dịch, Dubai đã là nơi giới lắm tiền tìm đến, vung tiền mua nhà ở cao cấp ở đây làm nơi trú ngụ trong lúc thế giới điêu đứng vì đại dịch.
Vung tiền mua bất động sản cao cấp
Giữa lúc virus lan rộng, Dubai là số ít nơi tầng lớp siêu giàu vẫn duy trì kinh doanh trực tiếp, dùng bữa và mua sắm một cách thoải mái. Họ đang thu về số lượng kỷ lục về các biệt thự và căn hộ áp mái sang trọng, khiến giá cả tăng vọt và thị trường bùng nổ.
Doanh số bán bất động sản cao cấp của Dubai đã tăng 230% trong quý đầu tiên của năm 2021, so với cùng kỳ năm ngoái. Giá ở một số khu vực cao cấp đã tăng tới 40%, theo Property Finder, trang web bất động sản lớn nhất của đất nước.
Theo công ty tư vấn bất động sản Property Monitor, 90 bất động sản trị giá 2,7 triệu USD được bán ra vào tháng trước. Con số vào tháng 3 là 84. Để so sánh, chỉ có 54 giao dịch như vậy trong cả năm 2020.
“Rất nhiều người đang đến và mua bất động sản trị giá hàng triệu USD ngay tại chỗ mà không cần thời gian thẩm định", Matthew Cooke, người quản lý việc bán căn hộ áp mái trên quần đảo nhân tạo Palm Jumeirah ở Dubai, cho biết.
Mua nhà với giá hời và bán lại để kiếm lời. Các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ còn tiếp tục cho đến khi giá tăng quá cao và lợi nhuận giảm dần.
Quần đảo cây cọ (Palm Jumeirah) - nơi chứng kiến 43% tổng số giao dịch nhà đất vào tháng 4 - là nơi thu hút những người ngoại quốc lắm tiền nhiều của nhất.
Giới doanh nhân đến từ châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga ráo riết mua nhà ở khu vực này nhằm tìm kiếm cuộc sống chất lượng hơn trong lúc đại dịch làm xáo trộn mọi thứ ở quê nhà họ.
Tháng 3, Palm Jumeirah ghi nhận mức bán nhà ở cao thứ hai từ trước đến nay khi một gia đình Thụy Sĩ mua biệt thự bên bờ sông với giá 30,2 triệu USD. Tháng trước, một gia đình châu Âu giấu tên đã mua ngôi nhà đắt thứ ba ở thành phố với giá 28,6 triệu USD.
Cuộc sống thượng lưu sau đại dịch
Kể từ lần đầu tiên mở cửa trở lại với khách du lịch vào mùa hè năm ngoái, Dubai đã biến mình thành điểm nghỉ dưỡng thân thiện với các du khách trong lúc đại dịch vẫn hoành hành khắp thế giới.
Không có cách ly bắt buộc kéo dài nhiều ngày, du khách nước ngoài giờ đây tiệc tùng trong các quán bar nhộn nhịp và trên bãi biển, chụp ảnh check-in tại khu nghỉ dưỡng như thói quen du lịch trước đây.
Tuy nhiên, dòng khách du lịch đã gây ra sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm bệnh ở UAE vào tháng 1. Nhưng với dân số trẻ và tỷ lệ tử vong thấp, UAE hiện vẫn ở trạng thái tương đối tốt trong thời kỳ đại dịch.
Nhiều lựa chọn tiêm vaccine càng củng cố cho nhu cầu chuyển đến Dubai. Để được tiêm, những người nước ngoài cần có thị thực cư trú - thứ mà thành phố vốn cung cấp sẵn cho người mua và đầu tư bất động sản cao cấp.
Reech, người dự định mua đất ở Dubai để xây ngôi nhà trong mơ của mình, đã đặt lịch hẹn với Pfizer - một hãng cung cấp vaccine - ngay sau khi nhận được visa cư trú. Ở Anh, vị doanh nhân này sẽ phải đợi thêm bốn tháng nữa.
Chưa hết, Dubai còn đưa ra nhiều chính sách, sáng kiến để thu hút giới giàu có đến đây như thị thực làm việc từ xa, thị thực hưu trí, thị thực "vàng". Trong động thái chưa từng có, các nhà chức trách thậm chí còn cấp quốc tịch cho một nhóm người nước ngoài được chọn.
Để nâng cao hình ảnh thành phố quốc tế của Dubai, UAE cũng đã thay đổi quy định Hồi giáo nghiêm ngặt của mình, cho phép các cặp vợ chồng chưa kết hôn được sống cùng nhau và những người không phải công dân nước này được tuân theo luật pháp nước ngoài về ly hôn và thừa kế.
Robert Mogielnicki, một học giả tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington (Mỹ), cho biết tầm nhìn của Dubai về cuộc sống thượng lưu sau đại dịch đã đạt được sức hút khi các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách “đóng vai trò đáng kể trong sự phục hồi kinh tế của Dubai nói riêng và UAE nói chung”.
Theo Hiền Thy/Zing