Đời sống

Giới siêu giàu đỏ mắt tìm người giúp việc

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giới thượng lưu phải chi trả số tiền gấp 2-3 lần so với thông thường để tìm kiếm người dọn dẹp, đầu bếp, quản gia.

'Khám phá' những siêu du thuyền chỉ dành cho giới siêu giàu / Những chuyến bay dành cho giới siêu giàu có gì đặc biệt?

Đội ngũ giúp việc cho giới siêu giàu đang đòi hỏi mức lương cao hơn bao giờ hết, theo New York Post. Năm 2018, mức lương của quản gia, hầu gái, đầu bếp là 65.000-100.000 USD.
Tuy nhiên, hiện tại, con số này đã tăng gấp 2-3 lần. Ở New York, một bảo mẫu có thể yêu cầu mức lương 150.000 USD/năm, chưa kể các khoản tiền thưởng. Trong khi đó, Hoàng gia Qatar được cho phải chi hơn 200.000 USD để giữ chân đầu bếp gia đình.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ giúp việc từ quản gia cho đến đầu bếp trở nên thiếu hụt do biên giới đóng cửa, hạn chế đi lại và lệnh cách ly nghiêm ngặt. Điều này dẫn đến việc những người còn có thể bám trụ với nghề có cơ hội yêu cầu mức lương cao hơn.
Thế nhưng, số tiền nhận được càng lớn thì đòi hỏi càng nhiều. Những người giúp việc cho giới siêu giàu đang có mức thu nhập nhân đôi song cũng phải gánh chịu áp lực công việc gấp 2-3 lần so với trước đây.
Người giúp việc cho giới siêu giàu đang được trả lương gấp 2-3 lần. Ảnh: Getty.

Người giúp việc cho giới siêu giàu đang được trả lương gấp 2-3 lần. Ảnh: Getty.

Lao động "kén" gia chủ
David Crimmins - người sáng lập Crimmins Civil Staffing, nơi từng đào tạo người giúp việc cho Hoàng gia Anh - cho biết nếu trước đây sự lựa chọn chủ yếu thuộc về tầng lớp thượng lưu, thì giờ đây câu chuyện đã hoàn toàn khác.
"Người lao động biết rằng thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Họ có nhiều cơ hội và trở nên kén chọn hơn".
Crimmins nói thêm người giúp việc có chuyên môn, được đào tạo bài bản thường xem xét kỹ lưỡng nhà tuyển dụng tiềm năng và sẵn sàng từ chối những lời đề nghị phách lối, không phù hợp. "Họ biết mình có thể nhận được những hợp đồng tốt hơn".
Trong nhiều trường hợp, các nhà tuyển dụng đã chấp nhận trả thêm tiền hoặc đồng ý nhượng bộ.
Quá trình tuyển dụng đội ngũ giúp việc cho giới thượng lưu có nhiều thay đổi kể từ khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Getty.

Quá trình tuyển dụng đội ngũ giúp việc cho giới thượng lưu có nhiều thay đổi kể từ khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Getty.

Gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lao động, giới thượng lưu ở nhiều quốc gia chấp nhận ký hợp đồng dài hạn với các công ty chuyên đào tạo, quản lý đội ngũ giúp việc.
Đa số người giàu đều tìm kiếm người làm việc lâu dài, ưu tiên có kinh nghiệm làm việc tại các gia đình quen biết trước đó.
"Giúp việc cho người giàu hoàn toàn không phải là công việc đơn giản. Nhà giàu có thể trả hàng nghìn USD mỗi năm để tìm người được đào tạo bài bản, chuyên sâu", Mohamed Elzomor, nhà đồng sáng lập của công ty quản lý giúp việc Nines, nói.
"Họ soi mói từng chi tiết nhỏ nhất"
Người giúp việc cho giới siêu giàu được săn đón hơn đồng thời cũng đối mặt với nhiều áp lực hơn trong đại dịch.
David Crimmins, ông chủ của tổ chức đào tạo đội ngũ giúp việc Crimmins Civil Staffing, nói rằng trước đây, ngay cả những người kén chọn nhất cũng không chú ý nhiều đến những chi tiết nhỏ như tấm trải giường đã thẳng chưa hay thịt xông khói đủ giòn không.
"Còn giờ đây, họ ở nhà nhiều hơn nên soi mói và dễ bị kích động bởi những chi tiết nhỏ nhặt nhất".
Gia chủ cũng soi xét nhân viên của mình hơn bao giờ hết. Công ty Nines phải hứa hẹn với khách hàng rằng nhân viên của họ đã trải qua một quá trình kiểm tra tính cách, lý lịch nghiêm ngặt cũng như được đào tạo để thích nghi mọi hoàn cảnh.
Người giúp việc nhận lương cao hơn song cũng đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn từ gia chủ. Ảnh: FT.

Người giúp việc nhận lương cao hơn song cũng đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn từ gia chủ. Ảnh: FT.

Trong mùa dịch, một yêu cầu mới nảy sinh là người lao động phải được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, hầu hết công ty đều nói rằng họ không thể ép buộc người lao động tiêm phòng trong trường hợp không tự nguyện.
Seth Norman Greenberg, giám đốc tiếp thị của công ty đào tạo nhân sự Pavilion, cảnh báo việc gia chủ ở nhà nhiều hơn cũng khiến mối quan hệ của họ với người giúp việc trở nên xấu đi.
"Tôi đã thấy nhiều nhân viên bị kiệt sức khi phải làm việc liên tục từ tiệc sinh nhật, ngày nghỉ, ngày lễ...", Greenberg nói.
Trong khi đó, để tránh cảm giác mệt mỏi khi phải sống 24/7 với người giúp việc, một số khách hàng của công ty Crimmins cố gắng tránh nói chuyện hay chạm mặt với họ.
"Người giàu sống trong những ngôi nhà khổng lồ nên thường chọn ở một khu vực khác khi người giúp việc dọn dẹp. Tất cả thông tin liên lạc được sắp xếp thông qua một quản gia. Người giúp việc gần như trở nên vô hình trong mắt họ", Crimmins nói.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm