Đời sống

Gừng – vị thuốc quý

Gừng không chỉ là một trong những gia vị quen thuộc trong chế biến món ăn mà còn có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Xin giới thiệu một số bài thuốc và món ăn chữa bệnh từ củ gừng.

Dùng gừng theo đúng cách này cân nặng giảm không kiểm soát / Đúng khung giờ này uống nước trà gừng tốt như nhân sâm ngàn năm,giúp giảm cân sống thọ

1. Đặc tính của gừng

Gừng còn gọi là khương, sinh khương, can khương. Tên khoa học Zingiber offcinale Rosc. Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.

Khương (Rhizoma Zingiberis) là thân rễ của cây gừng tươi hoặc khô. Tùy theo tươi hay khô, vị thuốc mang tên khác nhau:

- Sinh khương là củ (thân rễ) tươi.

- Can khương là thân rễ phơi khô.

Gừng – vị thuốc quý cho ngày đông lạnh giá - Ảnh 1.

Gừng là một vị thuốc quý trong đông y.

Gừng là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao 0,60 đến 1m. Thân rễ mẫm lên thành củ, lâu dần thành xơ. Lá mọc so le, không cuống, có bẹ, hình mác dài 15-20cm, rộng chừng 2cm, mặt bóng nhẵn, gân giữa hơi trắng nhạt, vò có mùi thơm.

Gừng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy củ ăn và làm thuốc.

Muốn có gừng tươi (sinh khương) thường đào củ vào mùa hạ và thu. Cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch là được. Muốn giữ gừng tươi lâu phải đặt vào chậu phủ kín đất lên. Khi dùng đào lên rửa sạch. Mùa đông, đào lấy những thân rễ già, cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch, phơi khô sẽ được can khương.

Ngoài hai loại gừng trên dùng trong đông y, trên thị trường quốc tế, người ta còn tiêu thụ 2 loại gừng gọi là gừng xám và gừng trắng.

- Gừng xám là loại củ còn để nguyên vỏ hay cạo vỏ ở những chỗ phẳng, rồi phơi khô.
- Gừng trắng là loại gừng đã được cạo lớp vỏ ngoài có chứa nhiều nhựa dầu (oléorésine), rồi mới phơi khô.

Thường người ta còn ngâm gừng già vào trong nước một ngày, rồi mới lấy ra cạo vỏ. Có khi người ta còn làm trắng bằng canxi hypoclorit, hay ngâm nước vôi hoặc xông hơi diêm sinh.

 

Trong gừng có từ 2-3% tinh dầu. Ngoài ra, còn có chất nhựa dầu (5%), chất béo (3,7%), tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola và shogaola.

Gừng – vị thuốc quý cho ngày đông lạnh giá - Ảnh 2.

Bột gừng được sử dụng rộng rãi.

2. Công dụng và liều dùng

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi:

- Sinh khương vị cay, tính hơi ôn, vào ba kinh phế, tỳ và vị; có tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, hành thủy giải độc; dùng chữa ngoại cảm, biểu chứng, bụng đầy trướng, nôn mửa, giải độc bán hạ, nam tinh, cua cá, đờm ẩm sinh ho.

 

- Can khương vị cay, tính ôn, bào khương (can khương bào chế rồi) vị cay đắng tính đại nhiệt; vào 6 kinh tâm, phế, tỳ, vị, thận và đại tràng; có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương, thông mạch, dùng chữa thổ tả, bụng đau, chân tay lạnh, mạch nhỏ, hàn ẩm suyễn ho, phong hàn thấp tỳ.

Trong nhân dân, gừng là một vị thuốc giúp tiêu hóa, dùng trong những trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn, đi ngoài, cảm mạo, phong hàn làm thuốc ra mồ hôi, chữa ho mất tiếng.

Gừng tươi (sinh khương) dùng với liều 3-6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha hoặc rượu gừng tươi (mỗi ngày 2-5ml). Gừng khô (can khương) dùng khi bị lạnh mà đau bụng, đi ngoài, mệt lả, nôn mửa. Liều dùng cũng như gừng tươi.

Gừng – vị thuốc quý cho ngày đông lạnh giá - Ảnh 3.

Trà gừng làm ấm cơ thể, chữa lạnh bụng, đầy bụng rất hiệu quả.

 

Một số bài thuốc có gừng:

- Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn ọe, có đờm: Can khương 10g, trích cam thảo 4g, nước 300ml, sắc còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Thấy đỡ thì uống bớt đi.

- Đi tả ra nước: Can khương sấy khô tán nhỏ, dùng nước cơm chiên thuốc. Mỗi lần uống 2-4g.

- Đi lỵ ra máu: Can khương thiêu tồn tính. Ngày uống nhiều lần, mỗi lần 2-4g, chiêu bằng nước cơm hay nước cháo.

- Cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi: Gừng sống giã nhỏ, bọc vào mớ tóc rối, tẩm rượu xào nóng đánh khắp người và xát vào chỗ đau mỏi.

 

- Chữa nôn mửa: Gừng sống nhấm từng ít một cho đến khi hết nôn.

- Hỗ trợ điều trị gout: Gừng có tác dụng chống lại bệnh gout vì chứa hai chất chống viêm, gingerols và shogaols, có tác dụng ức chế các tinh thể acid uric trong máu, giúp người bệnh gout giảm bớt cơn bùng phát.

- Chống say tàu xe: Khi bị say tàu xe có thể ngậm kẹo gừng hoặc ngậm 1 lát gừng tươi trong miệng sẽ có hiệu quả giảm say tàu, xe…

3. Lưu ý khi dùng gừng

Trong đông y, người ta cho rằng những người trong ngoài đều nhiệt, vì nhiệt mà đau bụng, vì nhiệt mà thổ huyết thì không được dùng được gừng.

Những trường hợp tăng huyết áp có chân lạnh, dương khí kém thì có thể dùng gừng để trị bệnh.

 

Những trường hợp tăng huyết áp chân không lạnh, tiêu hóa bình thường thì không nên dùng gừng.

Gừng tương kỵ với các thuốc chống đông máu, thuốc chẹn kênh canxi điều trị tăng huyết áp… vì vậy nếu bạn đang dùng các loại thuốc này thì nên tránh dùng gừng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm