Đời sống

Hải Dương: Cựu chiến binh kiếm tiền tỷ mỗi năm từ nuôi cá từ cá đặc sản

Dù đã có khoảng thời gian rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng với bản lĩnh của một người quân nhân, cựu chiến binh Nguyễn Trung Tựu ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương vẫn biết cách vượt qua để gặt hái thành công từ nuôi cá đặc sản.

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2010, ông Tựu đã cùng một số hộ gia đình trong xã bắt đầu tìm hiểu quy mô nuôi cá lồng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cựu chiến binh này cũng tham khảo thêm các kiến thức nuôi cá, điều kiện sông nước địa phương có trên mạng internet, sách báo.

Để rồi sau đó, ông Tựu quyết định mạnh tay đầu tư vào việc nuôi cá lồng. Theo thông tin đăng tải trên Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thời gian ban đầu, cựu chiến binh này đã làm khung lồng nuôi bằng ống tuýp sắt mạ kẽm chống rỉ và liên kết với những thùng phuy lớn chịu được lực nén, đẩy, ép với chi phí 25 triệu đồng/lồng. Cộng thêm chi phí cải tạo cầu, nhà bè cùng đường đi, mỗi lồng nuôi cá “ngốn” của ông khoảng 40 triệu đồng.

Ảnh minh họa. Báo Hải Dương.

Tuy nhiên, mỗi lồng nuôi có thể đạt từ 5-7 tấn cá đối với các loại cá khác nhau. Tới năm 2014, ông nuôi 35 lồng cá lăng và điêu hồng với mật độ thả 2.500 con/lồng. Do ở thời điểm đó, nước sông Kinh Thầy rất sạch giúp cá ít bị bệnh, tỷ lệ chết khoảng 10% nên cuối năm đó ông thu được 190 - 200 tấn cá.

Với giá bán dao động từ 70.000–120.000 đồng/kg đối với từng loại cá, ông Tựu đã thu về 1,2-1,4 tỷ đồng sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, lương công nhân, lãi ngân hàng và khấu hao tài sản cố định.

Thế nhưng, không phải chặng đường nào cũng trải hoa hồng khi đến tháng 8 năm 2015, mưa lũ và nạn hút cát lòng sông khiến 2/3 lồng cá của các hộ gia đình nuôi trên sông Kinh Thầy bị mất trắng. Trong đó, ông Tựu là một trong những người bị thiệt hại nặng nề nhất.

Tuy vậy, cũng từ “tai nạn” đó mà ông Tựu rút ra được bài học cho việc nuôi và chăm sóc cá lồng trước khi bắt tay làm lại từ đầu. Sau đó, ông chẳng những sửa sang lại lồng bè, cách cố định lồng nhằm tránh thiên tai, mà còn tìm hiểu cũng như đầu tư nuôi cá trắm, chép giòn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tới năm 2018, ông Tựu có hơn 100 lồng cá với sản lượng 45% cá thịt, 55% cá đặc sản. Với giá bán cá đặc sản khoảng 120.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu lãi hàng chục tỷ đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Sau khi đã thành công với mô hình nuôi cá trắm và chép giòn, ông Tựu cũng không quên giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ nông dân trong cả nước. Đồng thời, cũng tạo việc làm và thu nhập cho 6 người lao động tại địa phương.

Quốc Bảo (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo