Đời sống

Hiểu cảm xúc của con để ra các quyết định hợp lý nhất

Theo các chuyên gia giáo dục, tôn trọng là việc cha mẹ cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của trẻ.

Bạo hành vợ, cứ xin lỗi là xong? / 2 sai lầm cần tránh để không bị dìm dáng khi mặc áo trench coat hay blazer

Từ đó, có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất.

Phụ huynh cần hiểu, không phải cứ trừng phạt thì con mới nghe lời. Ngược lại, cha mẹ có thể khiến con vâng lời bằng cách lắng nghe và tôn trọng trẻ.

Tức giận là khi con gặp khó khăn

Song song với việc phát triển về thể chất, trẻ sẽ dần có những thay đổi về mặt tâm lý. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, trẻ cũng cần được cha mẹ tôn trọng. Song, không ít gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng. Từ đó, dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của cha mẹ và con.

Tôn trọng không phải là bất chấp đồng ý những yêu cầu dù rất phi lý từ con, nhưng cũng không phải để con “tự lực cánh sinh” trong những quyết định quan trọng về sở thích hay cách sống…

Không ít ông bố bà mẹ “đau đầu” trước câu hỏi, thế nào là tôn trọng đúng cách? Theo các chuyên gia giáo dục, tôn trọng là việc cha mẹ cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của trẻ. Từ đó, có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất.

Khi trẻ nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ, con sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống. Nhờ đó, hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.

Theo chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh, trong những khoảnh khắc và tình huống khó khăn, cha mẹ hãy cố gắng hiểu rằng: “Hành vi của trẻ là để truyền đạt thông điệp, con đang xây dựng và phát triển các kỹ năng, không phải để khiêu khích hay cố tình khiến cha mẹ tức giận”.

Chuyên gia này nhận định, nếu trẻ tỏ ra cứng đầu, thiếu tôn trọng hoặc trút giận vào phụ huynh, có thể con đang muốn gửi đi thông điệp: “Con chưa có kỹ năng nhất quán để thể hiện cảm giác của mình theo một cách tôn trọng và phù hợp, nhưng con cảm thấy đủ an toàn bên cha mẹ để bộc lộ nó ra”.

Hoặc, có thể con đang gặp khó khăn và choáng ngợp với cảm xúc. Khi đó, phụ huynh cần học cách kiên nhẫn để chờ đợi sự phát triển của con đi tới hoàn thiện. Đồng thời, giúp con xây dựng các kỹ năng để đối phó với các cảm xúc đó. Đặc biệt, trẻ học tốt nhất khi ở trong trạng thái tiếp thu và bình tĩnh.

“Khi con hành động theo cách không bình thường và thể hiện những cảm xúc lớn, chúng ta cần nhớ một điều: Đó không phải là thời điểm dễ tiếp thu nhất với con và sẽ rất khó để chúng ta sử dụng lời nói để dạy. Một trong những cách nhanh nhất để đưa trẻ vào trạng thái dễ tiếp thu và sẵn sàng học hỏi, là thông qua sự kết nối cảm xúc và đồng cảm”, nữ chuyên gia gợi ý.

Bằng phương pháp đó, cha mẹ sẽ giúp điều chỉnh sự hoạt động của hệ thống thần kinh. Nhờ vậy, cha mẹ sẽ trở thành người an toàn với con trong thời điểm đó. Thông thường, trẻ em không thể học khi buồn, thất vọng hay tức giận. Do đó, cha mẹ cần xoa dịu và giúp con bình tĩnh. Sau đó, con sẽ sẵn sàng lắng nghe.

Theo chuyên gia Phan Linh, yếu tố quan trọng là phụ huynh cần chấp nhận con dù trẻ có bất kỳ cảm giác và cường độ cảm xúc nào. Đồng thời, không nên sợ hay quá lo lắng về các hành động bạo lực của con. Bởi, khi lớn hơn, con sẽ phát triển và thay đổi.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể giúp con đối phó với cảm xúc bằng cách chỉ ra các ví dụ cụ thể và làm gương. Hãy nói với con rằng, cha mẹ hiểu và gọi tên cảm xúc của trẻ.

“Không cấm con cảm nhận bất kỳ cảm xúc nào. Nếu cần cấm điều gì đó (ví dụ la hét ở nơi công cộng), cha mẹ có thể nói sau khi đã chấp nhận cảm xúc: “Mẹ hiểu rồi, con không vui và con muốn hét. Ở trong này mình không được hét, mình có thể ra đường để hét”, nữ chuyên gia gợi ý.


Phụ huynh có thể học cách kiểm soát cảm xúc nhờ “5 dây chun”. Ảnh minh họa.

Mối quan hệ dần xa cách

Chắc hẳn, trước những hành vi cáu gắt này của trẻ, cha mẹ khó có thể giữ bình tĩnh và thường cảm thấy căng thẳng. Thậm chí, nhiều phụ huynh thể hiện sự tức giận, hoặc bất lực trước những cảm xúc đó của con.

Lý giải về cảm giác này ở cha mẹ, bà Phan Linh cho biết: “Chúng ta không có khả năng phản hồi, ngay cả khi chúng ta muốn. Bởi, nhiều người trong số chúng ta được dạy để cư xử đúng mực theo các tiêu chuẩn xã hội. Nếu đó là một hành vi không được khuyến khích và khi còn nhỏ chúng ta đã từng bị cấm đoán, không được cho phép, chúng ta rất khó (thậm chí là không thể) chịu đựng được khi phải chứng kiến nó”.

Bà Phan Linh nhấn mạnh, thực tế, những hình phạt mang tính tiêu cực như đánh hoặc cấm đoán con có thể không mang đến tác hại ngay lập tức. Tuy nhiên, về lâu dài, hành động này tạo ra nguy cơ, khiến mối quan hệ của cha mẹ và con xấu đi. Thậm chí, trẻ sẽ thấy rằng, cách cha mẹ hành xử là thiếu logic và có phần tàn nhẫn.

Trong trường hợp bị trừng phạt quá nhiều, tần suất trẻ nói dối có thể sẽ tăng. Lý do là bởi, trẻ muốn giấu lỗi sai để không bị trừng phạt. Bên cạnh đó, biện pháp trừng phạt cũng sẽ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con trở nên xa cách.

 

“Đây cũng là lý do vì sao ngày nay giới trẻ thường ít tâm sự và chia sẻ với bố mẹ hơn xưa. Tuy việc sống độc lập từ sớm có thể đã trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, nhất là các nước phương Tây, nhưng điều này không có nghĩa là bố mẹ với con không có mối liên hệ, gắn kết nào. Nguyên nhân của việc này chính bởi sự trừng phạt khắc nghiệt và vô lý của bố mẹ từ khi con còn nhỏ”, chuyên gia chia sẻ.


Cha mẹ có thể dùng kết quả logic để khuyên con. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cũng phải học

Không chỉ trẻ cần quản lý cảm xúc, thực tế, việc cha mẹ có thể kiềm chế bản thân cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Song, đây cũng thường là phần khó nhất với nhiều cha mẹ. Theo chuyên gia Phan Linh, mấu chốt là phụ huynh cần hiểu, không phải cứ trừng phạt thì con mới có thể nghe lời. Ngược lại, cha mẹ có thể khiến con vâng lời bằng cách lắng nghe và tôn trọng trẻ.

“Chúng ta sẽ đối phó với các tình huống dễ dàng hơn nếu được chuẩn bị. Nếu cảm thấy mình đang lạm dụng hình phạt với trẻ quá nhiều, hãy tự cho bản thân 1 tuần suy nghĩ lại xem điều gì khiến bạn dễ nổi nóng nhất. Thức ăn? Đồ chơi? Hay lịch sinh hoạt của con? Có sự chuẩn bị trước, cha mẹ sẽ dễ giữ bình tĩnh để đối phó với các tình huống có thể xảy ra”, chuyên gia cho biết.

Đôi khi, cha mẹ cũng có thể dùng đến kết quả logic để lý giải cho việc làm của mình. Ví dụ, trẻ không chịu đánh răng, con sẽ bị sâu răng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất các phụ huynh cần nhớ là không nổi giận.

 

“Mọi thứ sẽ thuận lợi hơn nếu áp dụng các hệ quả logic khi thấy bản thân sắp nổi cáu. Mấu chốt khiến ta nổi giận là bởi ta không thể làm rõ và giải quyết vấn đề. Vì vậy, ta cảm thấy bực tức và khó chịu. Điều này chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn”, bà Phan Linh nhấn mạnh.

Nếu suy nghĩ một cách logic, cha mẹ có thể giải thích mọi thứ theo hướng đồng cảm hơn với nỗi buồn của con. Ví dụ, con có thể rất buồn hoặc giận vì không được ăn kẹo. Song, sẽ không sao nếu điều đó khiến mối quan hệ của cha mẹ và con thêm khăng khít, khi phụ huynh ở cạnh và an ủi trẻ. Đồng thời, phụ huynh được khuyến cáo sẵn sàng nói lời xin lỗi, nếu nhận ra mình đang áp dụng những cách trừng phạt tiêu cực với con.

Thực tế, việc xin lỗi con không cho thấy cha mẹ đang bị mất kiểm soát. Ngược lại, hành động đó giúp phụ huynh có thể kiểm soát và khiến con nghe lời hơn. Bởi, sự kiểm soát không được thể hiện khi cha mẹ phô trương uy quyền với trẻ mà là khi phụ huynh cho con thấy mình đang có trách nhiệm.

Trong khi đó, bà Phan Hồ Điệp – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã gợi ý “bí quyết” giúp cha mẹ làm chủ cảm xúc tốt hơn. Nữ giảng viên này chia sẻ, khi con thức dậy vào buổi sáng, cha mẹ hãy lấy 5 dây chun để đeo quanh cổ tay mình. Lưu ý, cần đợi đến khi con thức dậy và chỉ đeo khi có con ở cạnh. Sau đó, phụ huynh hãy tự quy ước: Nếu quát mắng, mất bình tĩnh với con, hãy chuyển một dây sang tay bên kia.

Bà Phan Hồ Điệp nhận định, khi có hình ảnh trực quan là dây chun, cha mẹ sẽ dễ dàng tiết chế hơn.

 

“Bạn cũng có thể “mua lại” dây chun bằng tỉ lệ 5:1, nghĩa là làm 5 hành động tích cực để bù đắp lại 1 điều tiêu cực đã làm với con. Theo nghiên cứu, tỷ lệ này giúp các mối quan hệ trở nên lành mạnh, cân bằng”, bà Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Một số hành động tích cực cha mẹ có thể làm bao gồm: Trao cho trẻ một cái ôm, chơi rượt đuổi, ngồi xuống và trò chuyện, nói “có” cho đề nghị tiếp theo của con, đọc sách, ra ngoài nhặt lá…

“Sau khi làm đủ 5 điều, hãy mỉm cười và trả dây chun về tay đeo lúc đầu. Đến cuối ngày, khi con đi ngủ, thử xem số dây trên tay để biết bạn có phải đã cố gắng để “hoà bình” với con không. Hoặc có điều gì ở con vẫn khiến bạn băn khoăn và cần thay đổi chiến thuật tiếp cận”, nữ giảng viên chia sẻ.

“Không bao giờ được đánh trẻ khi con bộc lộ cảm xúc của mình, dù đó có là cảm xúc gì đi chăng nữa. Một đứa trẻ 2 - 3 tuổi gào thét điên cuồng khi không làm được gì đó không có nghĩa là lớn lên trẻ cũng phản ứng như vậy, nếu được cha mẹ hỗ trợ”, chuyên gia Phan Linh khuyến cáo.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm