Hơi thở hôi trong khi cố giảm cân
Đây là dấu hiệu cho thấy rất có thể bạn đang lạm dụng chế độ ăn kiêng. “Nếu bạn không ăn đủ chất và đủ bữa thì miệng sẽ không được thấm đủ nước bọt. Nước bọt lại có khả năng làm trung hòa vi khuẩn. Tình trạng này sẽ gây hôi miệng”, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ Ada Cooper, người phát ngôn của Hiệp hội Nha khoa Mỹ.
Nếu gặp trường hợp này, cách tốt để kiểm soát hôi miệng là hạn chế bớt chế độ ăn kiêng và uống nhiều nước, các chuyên gia cho biết.
Bệnh thận
Thận có chức năng loại bỏ độc tố ra khỏi máu và bài tiết qua nước tiểu. Khi thận gặp vấn đề và không hoạt động tốt, chất thải trong máu do đó cũng không được đào thải hết ra khỏi máu. Khi suy thận ảnh hưởng đến hệ hô hấp thì hơi thở sẽ bắt đầu có mùi, theo Reader’s Digest.
Tuy nhiên, không thể cứ thấy hơi thở hôi là nghi ngờ mình bị thận. Vì thông thường, chúng ta không thể chẩn đoàn bệnh thận bằng cách dựa vào hơi thở, bác sĩ Cooper lưu ý.
Đốm trắng trên lưỡi
Hơi thở có mùi cộng với các đốm trắng bất thường xuất hiện trên lưỡi thì rất có thể là đã bị nhiễm nấm men ở miệng. Những người có nguy cơ nhiễm nấm men miệng cao là người thường xuyên mang răng giả khi ngủ, đang hóa trị, có tình trạng miễn dịch kém, sử dụng các loại thuốc hít trị hen suyễn hoặc các loại thuốc thuộc nhóm steroid, theo Reader’s Digest.
Các triệu chứng khác của nhiễm nấm men ở miệng là đau nhức vùng miệng, khó nuốt và xuất hiện vết nứt ở khóe miệng, các chuyên gia lưu ý.
Hơi thở có mùi trái cây
Đây rất có thể là triệu chứng của tiểu đường. Mùi trái cây hoặc acetone, mùi giống như sơn móng tay, có thể xuất hiện nếu người bị tiểu đường không dùng thuốc hay không có bất kỳ biện pháp nào để kiểm soát bệnh.
Nguyên nhân là khi bị tiểu đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin nên buộc phải chuyển hóa các loại axit béo để cung cấp năng lượng. Hệ quả của hiện tượng này là hơi thở hôi, bác sĩ Cooper cho biết.