Đời sống

Khai quật khảo cổ ngôi điện đặt ngai vàng 13 đời vua Nguyễn

Ngày 1/6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết khu vực điện Thái Hòa - nơi đặt ngai vàng 13 đời vua Nguyễn tại Kinh thành Huế sẽ được khảo cổ học trước khi trùng tu.

Ai quản lý tiền trong hoàng cung triều Nguyễn? / Công chúa triều Nguyễn lấy chồng như thế nào?

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành khảo cổ khu vực điện Thái Hòa.

Việc khảo cổ tại điện Thái Hòa nhằm củng cố hồ sơ khoa học cho phương án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa trong thời gian đến. Thời gian khai quật dự kiến diễn ra từ ngày 5/6 - 20/6 sắp đến trên diện tích khoảng 66 m2 ở khu vực hai bên chái điện Thái Hòa.

Chủ trì khai quật là bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Khai quật khảo cổ ngôi điện đặt ngai vàng 13 đời vua Nguyễn - 1

Khu vực hai bên chái điện Thái Hòa sẽ được khai quật khảo cổ học nhằm củng cố hồ sơ khoa học cho phương án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa.

Trong thời gian khai quật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc.

Trên cơ sở những hiện vật thu giữ được, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế với kiểu thức "trùng thiềm điệp ốc" (mái chồng nhà nối - PV), là biểu trưng quyền lực của triều Nguyễn. Điện là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng như lễ đăng quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều.

Đặc biệt, đây là nơi đặt ngai vàng 13 đời vua Nguyễn, là nơi diễn ra thường xuyên các cuộc họp của vua với triều thần hàng tuần, hàng tháng.

 

Khai quật khảo cổ ngôi điện đặt ngai vàng 13 đời vua Nguyễn - 2
Khung cảnh triều thần quỳ lạy vua trong lễ Đại triều năm 1926 (Ảnh: tư liệu, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp).

Hơn 200 năm qua với 22 lần trùng tu, di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Một số cấu kiện gỗ đã mục ruỗng, không đảm bảo an toàn. Gần đây, cơn bão Noul (bão số 5) trong năm 2020 đã làm hư hại một phần mái ngói bên phải ngôi điện.

Khai quật khảo cổ ngôi điện đặt ngai vàng 13 đời vua Nguyễn - 3

Giữa ngôi điện là ngai vàng của 13 vị vua triều Nguyễn kéo dài từ 1802 - 1945.

Ngôi điện cổ kính nhất, được xem là đẹp nhất vì sự hoành tráng này là công trình nằm trong Kinh thành Huế. Được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, điện Thái Hòa sẽ được tu bổ nguyên trạng.

Ngôi điện sẽ được hạ giải toàn bộ mái lợp, phục hồi mái hạ, mái thượng lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly. Bên cạnh đó, sẽ hạ giải toàn phần hệ khung và các kết cấu gỗ để đánh giá chất lượng từng cấu kiện và đề xuất phương án tu bổ phục hồi chi tiết; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ các cấu kiện gỗ.

Hệ thống sân đường, lan can sẽ được tháo dỡ gia cường các đoạn tường xô nghiêng, gia cường kết cấu móng bằng bê tông cốt thép; tháo dỡ những đoạn lan can hư hỏng, xây phục hồi bằng gạch vồ; tháo dỡ toàn bộ sân đường lát gạch Bát Tràng, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng và bó vỉa bằng gạch vồ theo nguyên trạng ban đầu…

 

Khai quật khảo cổ ngôi điện đặt ngai vàng 13 đời vua Nguyễn - 4
Tổng thể điện Thái Hòa nhìn từ ngoài vào theo hướng nam.

Đại Dương

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm