Bé gái 6 tuổi ở Phú Thọ vừa phải nhập viện trong tình trạng bị tắc ruột. Mẹ bệnh nhi cho biết trước đó, cháu bé đã ăn nhiều măng xào (loại măng nứa luộc được ngâm nước), hồng ngâm và sung.
BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa, cho biết bé gái V.N.T.N., 6 tuổi, trú tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ, đến viện khám trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng căng, nôn nhiều dịch xanh vàng, đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện.
Mẹ bệnh nhi cho biết trước đó, cháu bé đã ăn nhiều măng xào (loại măng nứa luộc được ngâm nước), hồng ngâm và sung. 3 ngày trước khi vào viện, trẻ bắt đầu đau bụng, nôn nhiều, bụng chướng, nghĩ bệnh tiêu hoá thông thường nên gia đình cho trẻ uống thuốc tiêu hoá nhưng không đỡ.
Tại bệnh viện, kết quả thăm khám, chụp chiếu cho thấy bệnh nhi bị tắc ruột non, quai ruột nổi rõ nghi do bã thức ăn. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ. Khi phẫu thuật, bác sĩ thấy trong ổ bụng bệnh nhi có nhiều dịch, quai ruột non giãn to, có khối bã thức ăn kích thước 2x3 cm cứng chắc làm bít tắc hoàn toàn lòng ruột, phía trên chỗ bít tắc có nhiều bã thức ăn kích thước nhỏ hơn. Ngoài ra, dạ dày có 2 khối bã thức ăn kích thước lớn, 3x3 cm.
Để xử trí, bác sĩ bóp nhỏ bã thức ăn, tuồn dịch để bã xuống đại tràng. Riêng 2 khối bã lớn ở dạ dày, bác sĩ buộc phải rạch để lấy ra, sau đó rửa ổ bụng.
Sau phẫu thuật, hiện sức khoẻ bệnh nhi đã ổn định, có thể uống sữa và ăn cháo, sau một tuần sẽ được xuất viện.
Theo BS Lân, tình trạng tắc ruột nếu không được phát hiện và phẫu thuật sớm dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng, thậm chí gây tử vong.
Măng tươi là một món ăn rất ngon, giàu chất dinh dưỡng có lợi nhưng có một số người tuyệt đối không được ăn măng tươi để bảo vệ sức khỏe.
Trong măng có độc tố cyanide. Độc tố này khi đi vào cơ thể dưới tác động của các enzyme của đường tiêu hóa sẽ biến thành axit cyanhydric (HCN), gây hại cho cơ thể. Chính vì thế, trước khi nấu măng phải được luộc thật kỹ và rửa đi rửa lại rất nhiều lần.
Một số người sau đây tuyệt đối không nên ăn nhiều món măng tươi:
Phụ nữ đang mang thai
Trên thực tế, đã có không ít mẹ bầu bị ngộ độc măng ở nhiều mức độ khác nhau. Các dạng ngộ độc măng gần giống với ngộ độc sắn như: nôn, đau bụng, đau đầu…
Mặc dù, chưa có công trình nghiên cứu nào kết luận mẹ bầu ăn măng sẽ khiến thai nhi nhiễm độc. Nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo, mẹ bầu không nên ăn măng, đặc biệt là măng tươi.
Trẻ em
Axit oxalic trong măng tươi ảnh hưởng đến việc hấp thu và tận dụng canxi, kẽm của cơ thể. Do đó, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển không nên ăn loại thực phẩm này để tránh bị thiếu canxi, kẽm dẫn đến chậm phát triển.
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng
Măng tươi rất giàu chất xơ. Theo Đông y, loại thực phẩm này có tính hàn, khó tiêu hóa nên những người mắc bệnh loét dạ dày và tráng tràng, viêm dạ dày, xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, không nên ăn nhiều để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Người bị bệnh thận
Bệnh thận đôi khi là do vi khuẩn streptocoques gây nên. Nhưng thông thường là do những bệnh khác ảnh hưởng đến thành mạch máu làm tổn hại đến thận, như bệnh cao huyết áp và bệnh đái tháo đường.
Khi bị bệnh thận, chế độ ăn uống cần được chú ý đặc biệt. Măng tây, măng tre là thực phẩm giàu canxi không có lợi cho bệnh thận mãn tính và suy thận.
Người bị bệnh gút
Khi bị bệnh gút, bạn cần phải cẩn trọng với chế độ ăn vì có thể làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh gout trở nên trầm trọng hơn. Các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như: măng tre, măng trúc, măng tây sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, vì thế bệnh nhân gút cần tránh.
Người mới ốm dậy
Người mới ốm dậy, sức đề kháng yếu không nên ăn măng do măng chứa một lượng glucoxit nhất định. Bình thường glucoxit không mấy gây hại cho cơ thể nhưng khi cơ thể ốm yếu, glucoxit phân hủy với men tiêu hóa và chất chua trong dạ dày dễ dẫn đến tình trạng nôn mửa.
Người dùng aspirin thường xuyên
Người dùng thuốc aspirin nếu ăn măng sẽ bị kích ứng đường tiêu hóa, tổn thương niêm mạc dạ dày.
Lưu ý, măng chứa độc tố cyanide nên không tốt cho sức khỏe nếu không được chế biến đúng cách. Để loại bỏ chất độc, trước khi nấu, bạn nên luộc, ngâm chua hoặc phơi khô măng. Tuyệt đối không ăn măng sống.
Theo Thảo Nguyên/Kiến thức
Bác sĩ phải mở dạ dày để lấy khối bã thức ăn rắn chắc kích thước lớn cho bệnh nhi. Ảnh: Vietnamnet.