Làm giàu ở nông thôn: Cho cá ăn... bánh mì, thu nửa tỷ đồng/năm
Khám phá 6 biện pháp hữu hiệu giúp bạn đốt cháy calo mà không cần tập thể dục / Chế độ ăn kiêng này sẽ giúp bạn giảm cân, thải độc, ngăn ngừa mất cân bằng oxy hóa
Hôm chúng tôi ghé nhà thăm, chị Vũ Thị Hậu đang tất bật chuyển một lượng lớn bánh mì, bánh bông lan... vừa hết hạn sử dụng vài ngày được thu gom từ hệ thống các siêu thị lớn tại TP.HCM để mang ra cho cá ăn. Bóc một gói bánh bông lan vẫn còn thơm mùi kem sữa, chị Hậu cười phân trần: “Dù hết hạn sử dụng nhưng tôi vẫn chọn loại bánh còn thơm, màu sắc tốt chứ không chọn loại đã mốc meo vì nếu cho ăn loại bánh như thế, cá sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao, cái được chẳng bù cái mất...”.
Nông dân Vũ Thị Hậu đang cho cá tra ăn... bánh mì. Ảnh: Quốc Hải
Vốn liếng chỉ có... 1 con lợn
“Rời quê hương Quan họ (Bắc Ninh) đã gần 20 năm, đôi khi nhớ lại chỉ thấy trào nước mắt. Nhưng, cuộc sống mà...”, vừa nhẹ nhàng ném miếng bánh mì cho đàn cá như tàu há mồm quẫy đạp dưới nước, chị Hậu hát một khúc dân ca khe khẽ, rồi bảo với chúng tôi: “Có ai nỡ rời xa quê hương đâu, nhưng hồi đó khó khăn lắm nên phải gom góp hết vốn liếng, bán nhà vào Nam lập nghiệp. Mới đó vậy mà cách nay đã 20 năm rồi”- chị Hậu nhớ lại.
Điểm dừng chân lập nghiệp đầu tiên của một gia đình 4 thành viên gồm vợ chồng và 2 đứa trẻ (10 tuổi và 13 tuổi) là ở Đồng Nai. Bao nhiêu vốn liếng gom góp được từ quê nhà chỉ giúp gia đình chị Hậu mua được miếng đất trú chân nhỏ, vợ chồng vừa đi làm thuê, vừa cố gắng dạy dỗ 2 đứa trẻ chỉ bằng một câu nói nằm lòng: “Chỉ có con đường học hành mới giúp các con thoát nghèo”.
Sau vài năm gắng gượng ở mảnh đất Đồng Nai, vợ chồng chị quyết định tiếp tục... “tiến về Sài Gòn” chỉ với một mục tiêu: “Ở Sài Gòn để con có điều kiện học tập, còn làm thuê thì ở đâu chẳng vậy”. Quyết định xong mục tiêu này, mảnh đất Đồng Nai được vợ chồng chị sang tay với giá 80 triệu đồng và chuyển về quận 9 (TP.HCM) thuê nhà, thuê đất để làm nông nghiệp.
“Hồi đó sau khi trừ tất cả chi phí thuê nhà, thuê đất ra,... tất cả vốn liếng chỉ còn đủ tiền mua... một con lợn. Tuy thấy được khó khăn trước mắt nhưng vợ chồng tôi vẫn vui vẻ vì tin chắc rằng chỉ cần siêng năng thì của cải sẽ tự tìm đến”- chị Hậu, nhớ lại.
Và không phụ sự siêng năng của hai vợ chồng chị Vũ Thị Hậu, chỉ từ một con lợn nái giống, đàn lợn nhà chị đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở lên hàng chục con. Đến năm 2010, chị Hậu tăng quy mô nuôi lên tới hơn trăm con. Vốn liếng từ các đợt bán lợn giúp gia đình chị mở rộng diện tích đất của mình lên tới gần 1,2ha. “Năm 2011, theo đợt hỗ trợ lãi suất của UBND TP.HCM, tôi bàn với chồng vay vốn thêm để mở rộng chuồng và tăng số lượng đàn. Sau khi được giải ngân 600 triệu với lãi suất chỉ 0,6%/năm, tôi dồn tất cả vào phát triển đàn lợn nên có thời điểm tổng đàn lợn lên tới 600-700 con”- chị Hậu chia sẻ.
Tuy nhiên, vài năm sau đó, khi UBND TP.HCM có chủ trương đưa các trại chăn nuôi ra khỏi địa bàn dân cư, ra vùng ven thì gia đình chị Hậu cũng quyết định cắt giảm đàn lợn, chuyển sang đào ao nuôi cá. Hiện tại, số đầu lợn trong chuồng nhà chị chỉ còn khoảng 300 con (trong đó có 40 lợn nái), diện tích đất còn lại được chị Hậu đào ao nuôi cá tra thương phẩm với năng suất bình quân hàng năm vào khoảng 40 tấn.
“Dĩ nhiên nuôi lợn nhàn nhã hơn nhưng theo đà phát triển của thành phố thì mình không thể cứ tăng quy mô đàn lên được, phải tìm ngã rẽ khác ổn định hơn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Hơn nữa, mục tiêu ban đầu của vợ chồng tôi là cho con cái được học hành đầy đủ nhất và mục tiêu này đã đạt được rồi nên giờ gánh nặng kinh tế của chúng tôi cũng giảm đi nhiều”- chị Hậu cười tủm tỉm. Hóa ra, hai đứa con chị ngày nào giờ đều đã tốt nghiệp Đại học và có việc làm ổn định, thậm chí cậu con trai út còn mở được công ty riêng về lĩnh vực môi giới bất động sản.
Cho cá ăn bánh mì, nhàn tênh
Sau khi quyết định thu hẹp quy mô đàn lợn, chị Hậu cùng chồng bàn tính sẽ làm gì trên diện tích đất nông nghiệp còn lại. Sau nhiều lần đắn đo cân nhắc, chị và chồng quyết định đào ao nuôi cá tra thương phẩm.
“Cá tra là loại cá dễ bị bệnh nên trước khi nuôi, tôi quyết định làm lại hệ thống xử lý nước thải từ chuồng lợn để đảm bảo nước thải này không chảy ra ao cá, vừa gây mất vệ sinh mà còn có thể làm cá nhiễm bệnh và chết. Nhờ đó, các đợt nuôi cá của gia đình đều thành công với sản lượng bình quân khoảng 40 tấn cá/năm. Với giá bán từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm ao cá đem về cho tôi khoảng hơn 500 triệu đồng”- chị Hậu chia sẻ.
Cũng theo chị Hậu, khác với việc nhiều người nuôi cá tra thường cho cá ăn cám công nghiệp hoặc phế phẩm thủy sản khác, nhiều năm nay chị Hậu chỉ cho cá tra ăn các loại bánh mì, bánh sandwiches, bánh bông lan... vừa hết hạn sử dụng từ các hệ thống siêu thị, tạp hóa tại quận 9 và các quận huyện khác.
“Tuy tôi cho cá ăn các loại bánh này nhưng bánh phải còn thơm, không ngả màu, không mốc meo... nhờ thế mà cá không nhiễm bệnh, hệ thống ao nuôi không ô nhiễm, nên tôi có thể nuôi gối đầu nhiều vụ liên tục trong năm”- chị Hậu chia sẻ.
Ngoài ra, 2 năm nay gia đình chị Hậu cũng xuất bán được rất nhiều lợn giống và lợn thịt, cho thu nhập khoảng gần 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, kinh tế của gia đình chị không ngừng nâng lên. lại tạo việc làm cho 2 lao động cùng địa phương chăm sóc đàn lợn, ao cá với mức lương 6 triệu đồng/người.
“Cái mà vợ chồng chúng tôi, những người con xa quê hương làm được và tự hào nhất không phải là cơ ngơi tiền tỷ như hiện nay mà con cái chúng tôi đều được đi học tử tế, có việc làm ổn định và rất hiếu kính với cha mẹ”- chị Hậu tự hào nói.
Chị Vũ Thị Hậu là khách hàng thân thiết của Agribank gần chục năm nay và cũng là một điển hình về việc sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất hiệu quả từ Chương trình Hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị của UBND TP.HCM. Từ gương của chị Hậu, có thể thấy nếu người nông dân cần cù, chịu khó và biết tính toán thì đồng vốn vay hỗ trợ lãi suất của thành phố sẽ phát triển đúng mục đích, giúp nông dân làm giàu bền vững”. Ông Vũ Thanh Tuấn - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh 9 (quận 9, TP.HCM)
End of content
Không có tin nào tiếp theo