Lên Tây Nguyên thưởng thức ẩm thực núi rừng
Những đặc sản nức tiếng ở Hưng Yên / Đặc sản lẩu mắm U Minh - món ăn hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Cà Mau
Từ đặc sản ở rẫy
Tây Nguyên đang vào độ nắng nóng, khoảng thời gian này, nhộng sâu muồng - loại đặc sản được ví như “tôm rừng” Tây Nguyên đã bắt đầu xuất hiện trên những tán cây muồng (một loại cây chắn gió cho cây cà phê) giữa đại ngàn. Mỗi năm xuất hiện một lần từ khoảng cuối tháng 3 đến khoảng tháng 4, tháng 5, nhộng sâu muồng đã trở nên quen thuộc với người dân Tây Nguyên. Chị H’Nép Mlô (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) chia sẻ, đối với người Êđê, nhộng sâu muồng là một món ăn ngon và bổ dưỡng. Lúc mới ăn, nhiều người không quen và thấy sợ, nhưng càng ăn lại càng thấy ngon, ăn một lần sẽ khó lòng mà quên được.
Quả thật, những con nhộng muồng xanh non béo núc sau khi bắt về và sơ chế có thể làm nên nhiều món ăn hấp dẫn như: nhộng rang ớt, nhộng xào, nhộng luộc, nhộng giã muối ớt... Món ăn sau khi chế biến có màu ngả vàng, thơm lừng, béo ngậy có thể ăn kèm cơm trắng, bánh tráng hay dùng làm một món nhậu khoái khẩu.
Món Liap của người Vân Kiều ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc). |
Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) cho hay, vì trót mê mẩn vị bùi béo của món nhộng sâu muồng mà hằng năm, cứ vào khoảng cuối tháng 3, tháng 4 là anh lại cùng bạn bè lên rẫy, vạch lá muồng, cà phê tìm bắt cho kỳ được nhộng sâu muồng về để chế biến. Theo anh, món ăn này tuy ngon nhưng cũng khiến nhiều người nhìn thấy lần đầu sợ hãi, không phải ai cũng dám thử.
Đến hương vị của rừng
Là địa phương có 49 dân tộc anh em sinh sống, đến Đắk Lắk, đặc biệt vào mùa lễ hội, người dân không chỉ được thưởng thức các món đặc sản truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ như: cơm lam, rượu cần, gà nướng, cà đắng... mà còn có cơ hội khám phá ẩm thực của các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn. Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc vừa được diễn ra vào giữa tháng 3 vừa qua, ẩm thực độc đáo từ các dân tộc đã mang đến một bức tranh ẩm thực phong phú, nhiều món ăn tuy đơn giản nhưng có hương vị khá đặc biệt, hấp dẫn.
Những món ăn truyền thống của người Xơ Đăng ở xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc). |
Người Vân Kiều (dân tộc Bru - Vân Kiều) ở xã Ea Hiu mang đến ngày hội món lõi cây chuối rừng trộn thịt bằm mà họ hay gọi là món Liap. Chị Mó Bích (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) cho biết, món ăn này thường được người Vân Kiều nơi đây dùng trong các lễ hội, đặc biệt không thể thiếu trong lễ cưới. Người ta dùng lõi cây chuối rừng bằm nhỏ rồi mang khử nhựa, tiếp đó lấy thịt heo ba chỉ luộc chín và bằm nhỏ. Sau cùng trộn lõi chuối, thịt heo cùng các loại gia vị như: muối, bột ngọt, đậu phộng rang, ngò gai, rau thơm, gừng, ớt giã... Khi ăn, sự thanh mát của lõi chuối hòa quyện cùng vị ngọt, đậm đà của thịt heo và các gia vị, cộng với mùi thơm từ các loại rau thơm, vị bùi của lạc, vị cay của ớt tạo nên một món ăn ngọt mát, không bị ngấy.
Trong khi đó, người Xơ Đăng ở xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) với món rau dớn rừng, thịt bò nướng ống tre được thực khách đánh giá cao. Với cách chế biến không quá cầu kì, chỉ cần sơ chế rau dớn, thái thịt bò thành từng miếng vừa ăn đem trộn cùng gia vị như: muối, bột ngọt, ớt rồi cho vào ống tre, nướng trong vòng khoảng 10 phút là đã có thể thưởng thức. Thịt bò được bỏ trong ống tre vì vậy giữ được độ ngọt, cùng với vị ngọt mát, bùi bùi của rau dớn rừng tạo cảm giác lạ miệng, lôi cuốn khi thưởng thức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chăm sóc mẹ già suốt 10 năm nhưng không được chia mảnh đất nào, đến lúc đọc kỹ lại di chúc tôi mới òa khóc
Tử vi ngày 22/12/2024 của 12 con giáp: Tuổi Mão công việc thăng hoa, tuổi Tỵ cẩn thận sai lầm
Mẹo vệ sinh quạt điện trong 5 phút không cần tháo khung hay rửa nước sạch bong như mới
Loại rau dại từng cho lợn ăn giờ được săn lùng với giá 500 nghìn đồng/kg
Con gái dắt 3 chú chó Ngao Tạng đi bộ mãi không về, bố đi tìm thấy cảnh tượng dở khóc dở cười
Bố di chúc để lại nhà cùng 2,7 tỷ tiền tiết kiệm cho mẹ kế, chúng tôi kéo nhau gặp luật sư để rồi nhận cái kết sững người