Luộc gà xong làm thêm bước này, đảm bảo da giòn sần sật, vàng ươm
Luộc gà làm thêm bước này: Thịt thơm ngon, da vàng ruộm giòn sần sật / Đừng chỉ luộc gà bằng nước lã: Lấy 1 nắm muối làm theo cách này gà chín vàng, ngọt thịt gấp đôi
Cách chọn gà luộc ngon
Tùy vào sở thích, bạn có thể chọn gà mái hoặc gà trống để luộc. Thông thường, gà trống sẽ có thịt chắc, dai hơn. Thịt gà mái sẽ mềm, béo hơn vì nhiều mỡ.
Ngoài ra, vào các dịp lễ Tết, khi cần làm lễ cúng, người ta cũng thường chọn gà trống.
Đối với gà trống, khi mua, bạn nên quan sát phần mào. Mào gà càng đỏ càng ngon. Nhấc con gà lên thấy nặng tay, chắc chắn là được. Lông gà có độ bóng mượt, áp sát vào thân. Chân gà nhỏ, da ở chân đều màu, cựa ngắn. Đừng chọn gà cựa dài vì đó là gà già. Gà trống ngon sẽ có vệt vàng dưới ức cùng cánh. Phần diều của gà mềm, không căng cứng.
Đối với gà mái cũng tương tự, gà phải chắc tay, lông mượt. Bạn nên chọn những con gà mái có chân nhỏ, mỏ dài. Với loại "gà chạy bộ", nở sẽ bị cùn đi do quá trình đào bới, tìm thức ăn. Gà mái đã đẻ thì phao câu sẽ to. Ngược lại, gà chưa đẻ trứng bao giờ thì phao câu bé hơn.
Trường hợp mua gà thịt sẵn thì phải kiểm tra độ đàn hồi của thịt gà. Không nên mua những con gà có mùi lạ, da xuất hiện vết đen hoặc tụ máu. Phần da cổ gà sáng, không bị tụ bầm là gà khỏe mạnh.
Cách luộc gàda giòn, vòng óng
Sơ chế gà
Thịt gà cần được làm sạch lông. Việc nhổ hết cả lông tơ sẽ giúp miếng thịt gà trông sạch sẽ hơn đồng thời giảm được mùi hôi từ tuyến nhờn tiết ra.
Để khử mùi hôi, bạn lấy giấm hoặc chanh chà xát lên bề mặt thịt gà rồi rửa lại bằng nước sạch.
Rửa gà bằng muối hạt cũng giúp làm sạch và khử mùi hôi hiệu quả.
Ngoài ra, thoa gừng lên gà rồi ướp 30 phút cũng giúp khử mùi hôi tanh của gà. Sau đó, bạn chỉ cần đem gà rửa lại với nước là được.
Cách luộc gà
Ngoài thịt gà đã được làm sạch, bạn cần chuẩn bị thêm một số nguyên liệu như gừng, muối, nghệ.
Để gà luộc không bị tụt da, bạn nên chặt rời chân gà, phần bên dưới khuỷu chân để khi luộc, da gà co lại sẽ không bị rách.
Cho gà vào nồi, đặt úp mặt bụng xuống dưới đáy. Đổ nước lạnh ngập hết phần thịt gà. Dùng nước lạnh sẽ giúp gà chín từ từ, không bị đỏ xương.
Thả gừng đập dập vào nồi luộc gà để khử mùi hôi, giúp thịt gà thơm ngon hơn.
Luộc gà với lửa to đến khi sôi thì vận lửa nhỏ liu riu. Khi nước sôi dùng thìa hớt bọt ra để nước gà trong, gà không bị thâm. Đun khoảng 10 phút thì tắt bếp. Không vớt gà ra ngay mà đậy vung ngâm tiếp 10-15 phút cho gà chín đều.
Để kiểm tra thịt gà chín chưa, bạn có thể dùng đũa chọc vào gà. Nếu đũa đâm xuyên qua dễ dàng và nước ứa ra không có màu đỏ nghĩa là gà đã chín.
Khi gà đã chín, bạn hãy vớt gà ra cho vào một bát nước đá lớn. Ngâm cho gà nguội hẳn thì vớt ra. Nước đã giúp da gà săn chắc lại, tạo độ giòn. Đây cũng là bí quyết giúp gà không bị nát, da không bị tách rời khi chặt.
Lấy một ít nước nghệ (nghệ giã nhỏ, vắt lấy nước cốt) trộn với nước luộc gà và phết đều lên da gà để gà có màu đẹp.
Có một cách khác để da gà có màu vàng đẹp mắt đó chính là sử dụng mỡ gà.
Khi sơ chế gà, bạn hãy gỡ phần mỡ lấy từ bụng gà đi áp chảo cho ra nước mỡ. Đun lửa nhỏ để mỡ không bị cháy.
Nếu dùng nghệ tươi thì sau khi vớt tóp mỡ ra ngoài, bạn hãy cho nghệ đập dập vào chảo mỡ và đảo đều khoảng 30 giây. Tắt bếp và chắt lấy phần mỡ gà.
Nếu dùng bột nghệ thì cho bột vào bát nhỏ, đổ nước mỡnóng vào bát và đảo đều. Để bột nghệ lắng xuống và dùng phần mỡ trong ở trên.
Phết phần mỡ gà này lên toàn bộ con gà để da gà có màu vàng đẹp mắt. Sau đó có thể chặt gà như bình thường.
Để thịt gà chắc, dễ chặt, bạn có thể bỏ cả con gà vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút rồi mới đem ra chặt miếng.
Phần mỡ gà còn dư có thể chắt ra cất vào lọ để xào rau hoặc nấu xôi gà.
End of content
Không có tin nào tiếp theo