Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng minh được mối liên hệ giữa những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết và sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Những em bé nếu sinh ra có cân nặng và kích thước nhỏ hơn những đứa trẻ thông thường thì chúng sẽ có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe trong cuộc sống sau này, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, béo phì, các bệnh tim mạch và huyết áp cao.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu đáng tin cậy của Ngân hàng Thế giới kết hợp cùng với Viện Nghiên cứu Lao động ở Đức, lấy từ thông tin của hơn 1,5 triệu ca sinh nở ở Columbia giữa năm 1999 và 2008.
Nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào dân cư sống ở vùng nông thôn. Bởi vì điều kiện sống thiếu thốn sẽ khiến cho những phụ nữ mang thai ở nơi nàykhó được chăm sóc và bảo vệ tốt như những phụ nữ thành thị.
Các nhà khoa học đã nhận thấy rằng việc phụ nữ đang mang thai tiếp xúc với nhiệt độ quá cao do môi trường hoặc thời tiết sẽ làm trẻ sơ sinh bị giảm trung bình 3g cân nặng và tăng nguy cơ chết non. Bên cạnh đó, môi trường quá lạnh cũng khiến trẻ sơ sinh giảm chiều cao trung bình khoảng 0.0018cm.
Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến cho chỉ số Agpar rơi xuống khá thấp. Chỉ số Agpar thường được các nhà khoa học sử dụng như một thông số tổng hợp để xem xét tình trạng sức khỏe chung của trẻ sau khi sinh 5 phút, bao gồm màu da, nhịp tim, phản xạ, cơ bắp và hơi thở.
Nhóm nghiên cứu đã kết hợp sử dụng dữ liệu khí hậu của Đại học East Anglia để có những đánh giá chính xác về nhiệt độ môi trường. Khí hậu được xem là quá nóng hoặc quá lạnh khi nó tăng hoặc giảm 5 độ C so với nhiệt độ trung bình của 5 ngày liên tiếp.
Các nhà nghiên cứu còn tin rằng thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến cho phụ nữ đang mang thai phải chịu căng thẳng thần kinh (stress) lớn hơn so với những phụ nữ bình thường. Bên cạnh đó, nhiệt độ cơ thể quá cao cũng sẽ khiến cho chính cơ thể của bà mẹ đang mang thai chịu rất nhiều nguy hiểm.
Nắng nóng cũng có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh do côn trùng truyền nhiễm. Trong khi đó, thời tiết quá lạnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh có liên quan đến virus, ví dụ như cảm cúm. Những cú sốc về thời tiết sẽ ảnh hưởng đến chuỗi thực phẩm sẵn có làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị mắc chứng suy dinh dưỡng.
Thời tiết và thời gian trong năm là một nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Indiana đã cảnh báo rằng phụ nữ nên tránh mang thai vào tháng Sáu vì nhiệt độ quá cao. Trong khi đó, việc mang thai vào tháng 12 lại trở nên lý tưởng hơn khi tỷ lệ trẻ sơ sinh khỏe mạnh tăng lên 1,5% so với việc mang thai trong các tháng mùa hè.
Các nhà khoa học tin rằng lượng thuốc trừ sâu khác nhau giữa các mùa cũng như mức độ ánh sáng và vitamin D có thể là nguyên nhân của hiện tượng này.
Nghiên cứu trên đã gây chú ý lớn trong lĩnh vực y tế vì hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Thời tiết đã trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Và chúng ta cần phải có những hành động phản ứng kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai trước những ảnh hưởng của môi trường.