Đời sống

Muồng trâu: Dược liệu trị táo bón, hắc lào

Muồng trâu được xem là dược liệu “thần kì” trong điều trị chứng bệnh táo bón và nhiều loại bệnh khác như hắc lào, ghẻ lở….

Muồng trâu (Hình minh họa: researchgate.net)

Muồng trâu (Hình minh họa: researchgate.net)

Theo Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, muồng trâu còn có tên muồng lác, thuộc họ đậu. Đây là cây nhỡ cao từ 1 đến 2m, ít phân cành. Lá lớn có cuống dài từ 30 đến 40cm, hơi có rìa, mang từ 8 đến 12 đôi lá chét. Cụm hoa bông ở nách lá, gồm nhiều hoa màu vàng. Quả dẹt có cánh ở hai bên rìa, chứa tới 60 hạt, hình quả trám. Cây ra hoa kết quả vào mùa đông.

Bộ phận dùng làm thuốc của cây muồng trâu bao gồm lá, thân cành và rễ cây. Trong đó, lá và thân cành thu hái vào mùa hạ, trước khi cây ra hoa, dùng tươi hay phơi khô còn rễ thu hái vào mùa thu, sau đó phơi khô.

Muồng trâu có vị hơi đắng, mùi hắc, tính mát, có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu. Muồng trâu được dùng làm thuốc chữa táo bón (lá, cành, rễ sắc uống), phù thũng, đau gan, vàng da (lá, cành, rễ sắc uống thường xuyên như chè). Liều dùng của muồng trâu tùy theo từng mục đích chữa bệnh, từ 4 đến 12g để nhuận tràng, từ 20 đến 40g để tẩy.

Khi dùng ngoài, muồng trâu có thể chữa hắc lào, bệnh tokelo, herpes loang vòng. Lá muồng trâu giã nát lấy nước cốt, bôi ngày 2 lần sau khi đã rửa sạch, cạo cho tróc vảy hắc lào. Hoặc cũng có thể lấy lá tươi vò nát rồi xát vào phần bị bệnh. Lá muồng trâu còn dùng chữa bệnh ghẻ của người và động vật với phương thức dùng lá nấu nước tắm và xát vào chỗ ghẻ lở.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đối với phụ nữ có thai, muồng trâu dùng trong phải hết sức thận trọng.

Một số bài thuốc có muồng trâu trong y học dân gian:

 

- Chữa táo bón: Muồng trâu 20g, chút chít 20g, đại hoàng từ 4 đến 6g. Tất cả sắc uống trong ngày.

- Chữa hắc lào (2 bài thuốc):

+ Lá muồng trâu tươi giã nát, lấy nước bôi. Thêm ít muối hoặc dịch quả chanh, tác dụng càng mạnh hơn.

+ Lá muồng trâu đem nghiền nát, đổ vào đó nước đun sôi có pha natri fluorid, để yên trong 24h rồi lọc qua vải. Thêm vào bã ít cồn 90o, ngâm 24h rồi ép lấy cồn. Hợp cả cồn và nước lại, có tới độ cao mềm. Cao này có thể bảo quản không bị mốc do có natri fluorid. Có thể chế thuốc mỡ 1/5 từ cao.

- Chữa thấp khớp: Muồng trâu 40g,vòi voi30 g, tang ký sinh,quế chi,dứa dại, rễcỏ xước, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày 1 thang trong từ 7 đến 10 ngày.

 

- Chữa viêm thần kinh tọa: Muồng trâu 24g;cây lức20g; thần thông,rễ nhàu,kiến cò mỗi vị 12g,đỗ trọng8g. Sắc uống, ngày 1 thang.

- Chữa ban trái (ban chẩn): Muồng trâu 8g; hương bài10g;đọt tre non, ké đầu ngựa,mùi tàu, cây lức mỗi vị 8g,mức hoa trắng6g, vỏ quýt 4g,đăng tâm2g. Tất cả sắc uống, ngày 1 thang.

Theo vtv.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo