Đời sống

Nâng cao kỹ năng cho thanh niên Việt Nam trước 'cú sốc kép'

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch COVID-19 được xem là "cú sốc kép" làm đứt gẫy thị trường lao động, việc làm của thanh niên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách về vấn đề nâng cao kỹ năng, trình độ lao động của thanh niên Việt Nam, nhằm đáp ứng với tình hình mới.

4 bài học từ người phụ nữ giàu nhất lịch sử phố Wall: Tiết kiệm mới giàu / 70% phụ nữ dễ stress khi phải tiết kiệm, chuyên gia đưa ngay 3 lời khuyên quan trọng

"Một công việc để đời đã là dĩ vãng với nhiều nghề, nhiều ngành và nhiều người. Mọi người sẽ phải chuyển đổi công việc do tính chất thay đổi của thị trường lao động, công nghệ đột phá và các động lực khác. Do đó, cần tăng cường đầu tư phát triển kỹ năng, để mọi người có thể học tập suốt đời, phát triển kỹ năng là nguyên tắc tổ chức của giáo dục chứ không phải là phương pháp giáo dục ban đầu và một lần", đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chia sẻ điều này tại Diễn đàn quốc tế tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển những kỹ năng thiết yếu cho thanh niên" do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao và các tổ chức quốc tế tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7.

74% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo

Theo ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và xã hội về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động dần được cải thiện. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm hoặc tự tạo việc làm đạt bình quân khoảng 80%, có nhiều ngành, nghề đạt 100%; qua các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN, châu Á và thế giới dành cho các bạn trẻ dưới 25 tuổi, thành tích của học sinh, sinh viên Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt, đã giành nhiều huy chương và chứng chỉ xuất sắc.

nang-cao-ky-nang-cho-lao-dong-1686-3939-

Lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi, đứt gẫy thị trường lao động rất lớn. Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá, 2 tác động này tạo ra "cú sốc kép" với thị trường lao động toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Một mặt, cú sốc làm gãy đứt thị trường lao động, việc làm của thanh niên giảm rõ rệt, nhưng một mặt cũng tạo ra việc làm mới. Do vậy, việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên Việt Nam là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới.

"Với khả năng thích ứng, thanh niên Việt Nam sẽ tiên phong nâng cao kỹ năng việc làm trong môi trường số để hoàn thiện và phát triển chính mình", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Phân tích tác động của đại dịch COVID-19 tới thị trường lao động Việt Nam, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, trong quý II/2021, lực lượng lao động Việt Nam đạt trên 51 triệu người, trong đó người lao động được đào tạo, có chứng chỉ chỉ chiếm trên 26,1%; số lượng lao động chưa có chứng chỉ, kỹ năng đào tạo là gần 74%. Điều đó dẫn tới, đại dịch COVID-19 đã khiến gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng, trong đó lao động ở khu vực nông thôn bị ảnh hưởng nhiều hơn ở thành phố.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước (nhưng giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020).

Nâng cao kỹ năng là hành trình liên tục

 

Đại diện Vụ Kỹ năng nghề nghiệp cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, trong bối cảnh mới hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển được kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam. Theo đó, cần có giải pháp nâng tầm kỹ năng của lao động Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, CMCN 4.0.

Đó là xây dựng hệ thống chính sách, hành lang pháp lý để tăng cường kỹ năng nền tảng cho người lao động trẻ, định vị mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở kỹ năng, năng lực học nghề của người học; xây dựng mô hình kết nối giữa cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN để đảm bảo đáp ứng cung - cầu lao động, giảm thiểu thiếu hụt kỹ năng.

Trong đó, cần thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển kỹ năng và năng lực cho người lao động, ở cấp độ ngành cần hình thành hội đồng kỹ năng nghề với sự tham gia của các bộ, ngành, cộng đồng DN, cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Ở cấp cơ sở, hình thành hội đồng tư vấn đào tạo kỹ năng.

"Mục tiêu là xây dựng lộ trình phát triển và học tập suốt đời cũng như thăng tiến cho người lao động", ông Trường nói.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, để duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhưng muốn đổi mới, sáng tạo thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.

 

dao-tao-nghe-jpeg-1626308545-6658-162630

Các đại biểu dự Diễn đàn quốc tế về "Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển những kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam".

Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay là 51 triệu người, chiếm 55,4% dân số; trong đó lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn coi trọng và khẳng định thanh niên là lực lượng lao động tiên phong và là chủ nhân tương lai của đất nước. "Việt Nam mong muốn được hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế về đa phương và song phương để phát triển kỹ năng nghề và tạo việc làm cho thanh niên Việt Nam", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Đại diện ILO nhìn nhận, tại Việt Nam, thanh niên từ 15-24 tuổi là thế hệ có trình độ học vấn cao, nhiều người trẻ tuổi lớn lên với internet và máy tính, am hiểu công nghệ. Do vậy, thanh niên dễ thích nghi nhất với sự thay đổi của thế giới để đáp ứng nhu cầu của công việc.

Đại diện ILO cho rằng, xây dựng chính sách, chương trình việc làm rất quan trọng. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực mới, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, ông rất ấn tượng trước bài phát biểu của vị đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới là chúng ta sẽ mất đi rất nhiều USD nếu không tập trung đào tạo vào nhân lực, trong đó có nhân lực kỹ năng. Ngược lại, chúng ta có thể tạo ra tới 6.500 tỷ USD đến năm 2030 nếu tập trung vào phát triển kỹ năng của con người. Tuy nhiên, thực tế, 50% DN, người lao động thấy rằng phải thay đổi kỹ năng, song chỉ 21% DN có nguồn lực để sẵn sàng làm điều này. Các Chính phủ, quốc gia cần quan tâm ưu tiên nguồn lực cho phát triển nhân lực có kỹ năng trong kế hoạch khôi phục sau dịch COVID-19.

 

Với Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, chính sách cho người học, người dạy, cơ sở đào tạo gắn kết với DN. Theo đó, có 3 yếu tố rất quan trọng là dự báo được nhu cầu kỹ năng, nhu cầu đào tạo và kết nối cung cầu; Làm thế nào để thu hút, giữ chân được nhiều học viên; Thiết kế hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở linh hoạt, liên thông, với trọng tâm là hiện đại hoá, thay đổi phương thức đào tạo phù hợp.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm