Chồng Thu từ trên gác thấy to tiếng nên chạy xuống. Thế cũng tốt, cô nhịn mãi rồi, lần này phải vùng lên thôi, trong chuyện này chồng cô lại càng quá đáng hơn.
Chả mấy chốc mà sắp hết 1 năm, Thu ngó qua ngó lại vẫn thấy cuộc sống vất vả quá, làm bao nhiêu cũng chỉ đủ ăn, chả tích góp được là bao. Vợ chồng Thu cưới nhau cũng đã ngót 7 năm, ở chung với mẹ chồng trong căn nhà chật chội nên cô đang phấn đấu ra ở riêng. Nhưng khổ nỗi, nói ra cũng chẳng ai tin, cô không phải thuê nhà, đi làm về lại có mẹ chồng lo cơm nước, vậy mà mỗi tháng còn tiêu tốn hơn cả những gia đình phải ở trọ.
Mẹ chồng Thu không quá cay nghiệt hay độc ác như mấy bà mẹ chồng trên phim ảnh. Nhưng phải tội tính bủn xỉn, đến ăn uống hàng ngày còn tiết kiệm từng tí chứ đừng nói mua bán sắm sửa.
Dạo này ở xưởng nhiều việc nên Thu xin tăng ca để kiếm thêm cái Tết tươm tất cho con. Nó cũng đồng nghĩa với việc cô không đảm nhận được bữa cơm chiều. Vậy là Thu đóng góp thêm cho mẹ chồng chút tiền để bà chợ búa, cơm nước cả ngày.
Hôm nay đã là ngày thứ 8 Thu tăng ca liên tục. Người ta làm về khuya rét mướt thì tạt vào hàng quán ăn bát phở cho đỡ mệt nhưng riêng Thu có làm đến 11 giờ đêm cô vẫn phải cố về nhà ăn cơm cho khỏi tốn kém. Mà cơm mẹ chồng Thu nấu nào có dễ ăn, thịt thà, cá mú toàn ham mua đồ rẻ. Đã thế ăn xong còn phần Thu nham nhở, thịt thì lõng bóng nước, có miếng còn cắn dở. Hôm nào ngon ngon được bát canh cá nấu dưa thì toàn nấu cá mè ranh, đã tanh lại còn xoáy be bét, lúc nào cũng để cho Thu khúc đuôi loáng thoáng chút thịt cá. Thôi thì Thu cũng ăn đại cho đỡ đói rồi đi ngủ, nhưng cái tình trạng này có góp ý mẹ chồng cô vẫn không thay đổi.
Đến ngày thứ 10 được mẹ chồng phần cơm, Thu quyết định đưa bà thêm tiền và nói rõ cô đi làm vất vả, bà nấu nướng đừng tiết kiệm quá. Kể ra, Thu có thể ra ngoài ăn, không cần đóng góp nhiều lại mang tiếng mẹ chồng phục vụ, nhưng bà luôn dặn con dâu ăn cơm nhà cho "đảm bảo", nên cô đành nghe theo cho nhà cửa êm ấm.
Hôm nay mẹ chồng Thu báo sẽ cúng ông Công ông Táo sớm, cô xin nghỉ buổi sáng để đi chợ làm cơm. Lần này, đích thân Thu vào bếp chắc chắn sẽ được ăn ngon. Thu tất bật cả buổi sáng, nhìn thành quả mâm cơm cúng các món thơm phức, ngon mắt mà cô cũng thấy ấm lòng.
Nhưng số Thu đúng là số vất vả. Vừa bê mâm cơm lên cúng thì ở xưởng có sự cố gọi Thu đến giải quyết. Cô đành ăn tạm nắm xôi rồi vội vàng dắt xe đi. Thu làm một mạch đến lúc về cũng đã 9 giờ tối. Cứ nghĩ chỗ đồ ăn lúc trưa chắc sẽ thừa nhiều nên Thu về nhà ăn cơm.
Vừa tắm rửa xong xuống bếp, Thu mở lồng bàn định bụng hâm nóng thức ăn, nhưng... lại một mâm thức ăn thừa dành cho cô con dâu chăm chỉ. Bát canh bí nấu cổ cánh gà còn khoảng 5 miếng bí, 1 miếng cổ còn lại toàn là da thừa chắc ai đó không ăn nên vứt vào. Bên cạnh bát canh là cả cái đĩa to tướng nhưng được vài miếng su hào xào bị xới tung mỗi góc một miếng. Cuối cùng là 2 miếng thịt gà rang đã không còn dấu hiệu của thịt. Chưa kể, cái mâm toàn vết đồ ăn rớt ra không thể "tiêu hóa" nổi.
Quá đáng thật sự! Thu nhìn mẹ chồng đang hồn nhiên cười nói, bình luận phim ngoài phòng khách, cô bê thẳng mâm bát ra sân sau. Thấy tiếng loảng xoảng mẹ chồng quay sang hỏi con dâu: "Không ăn cơm à? Mẹ cho chó ăn rồi mà".
Thu ức đến tận cổ trước sự vô tư quá giới hạn của mẹ chồng. Cô nghiêm nghị trả lời: "Cơm này không phải cơm cho người mẹ ạ. Con cho chó ăn hết rồi". Tròn mắt với phản ứng của con dâu, bà nhảy bổ ra khỏi cái ghế tru tréo: "Mày nói thế là có ý gì? Ôi giời ơi thằng Sơn xuống đây mà xem vợ mày này, cơm bưng nước rót cho nó nó còn láo hỗn với mẹ chồng".
Chồng Thu từ trên gác thấy to tiếng nên chạy xuống. Thế cũng tốt, cô nhịn mãi rồi, lần này phải vùng lên thôi, trong chuyện này chồng cô lại càng quá đáng hơn.
"Con hỏi mẹ và anh, nếu là hai người, phải đi làm từ sáng đến tối mịt, không dám ăn cái gì bên ngoài dù chỉ là cái bánh bao. Con không cần cái gì quá cao sang. 1 bát cơm nóng, ít rau luộc với tí cá vụn kho hay quả trứng tráng cũng được. Nhưng cơm mọi người phần con đây, có giống cho người ăn không ạ? Miếng ăn không quan trọng bằng tình cảm và sự tôn trọng của người thân dành cho nhau. Từ mai mẹ không cần phần cơm con nữa, con sẽ ăn ngoài", Thu vẫn giữ sự lễ phép tối thiểu và nói hết những suy nghĩ trong lòng mình.
Thu quay đi không cần biết mẹ chồng đang càu nhàu điều gì nhưng nếu không sống cho mình, nghĩ đến bản thân nhiều hơn thì sao cô có sức để làm việc nuôi con. Nếu người ta đã không coi mình ra gì thì cũng chẳng có lý do gì để phải cam chịu mãi mãi.
Theo Helino