Đời sống

Những câu chuyện cười ra nước mắt của các ông bố trẻ

Lần đầu làm bố, làm mẹ nhiều cặp vợ chồng trẻ đã trải qua những tình huống dở khóc, dở cười và chỉ có người trong cuộc mới thấu hết được.

Nữ sinh Nam Định xinh hút hồn với nụ cười răng khểnh đáng yêu / Dự đoán ngày mới (3/12) cho 12 con giáp: Tuổi Tuất tài lộc sa sút, tuổi Tý được cát tinh soi chiếu

“Em ơi chỉ anh cách bế con với”

Chưa một lần bế em bé, nên khi có con, việc tưởng đơn giản nhất là bế con nhưng lại câu chuyện vô cùng gian nan của các ông bố trẻ.

Trần Thị Quỳnh Giang (29 tuổi) sinh em bé được gần 5 tháng, hiện ở nhà mẹ tại hẻm 96 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM. Nhà Giang sát cạnh nhà tôi đang ở, nên cứ y như rằng mỗi lần anh chồng đi làm về và qua thăm con là sẽ có những câu chuyện cười đau cả ruột.

Lúc đầu Nguyễn Văn Thương (chồng Giang) chưa biết cách làm thế nào bế con nên cứ đưa lên tay một lúc lại thả xuống giường, cứ làm đi làm lại như thế không biết bao nhiêu lần, mặc dù đã được mẹ và vợ chỉ cách. Thương rất thích bế con nhưng lại sợ bế không cẩn thận nên bế lên được tí lại đặt xuống. Mà mỗi lần như thế nhìn Thương rất căng thẳng, Thương nói: “Ôi sợ lắm, sợ mình lỡ tay thì xong”.

Lần đầu làm bố dù nhiều bỡ ngỡ nhưng các ông bố trẻ luôn cố gắng để chăm con thật tốt HOA NỮ

Lần đầu làm bố dù nhiều bỡ ngỡ nhưng các ông bố trẻ luôn cố gắng để chăm con thật tốt HOA NỮ

Nhưng giờ, khi con cứng tháng hơn và Thương đã bế quen, thì lại đến câu chuyện chăm con. Cả ngày đi làm về mệt nên giỡn với con được tẹo là Thương lăn đùng ra ngủ. Giang kể: “có hôm nói ảnh lấy sữa cho con bú, khi quay trở lại thì thấy để con ngậm bình sữa còn ảnh thì ngủ khò lúc nào không hay biết. Có lần, hai cha con đang ngủ trưa, con nằm bên tỉnh giấc rồi quấy khóc. Con nằm bên phải mà ảnh tưởng con nằm bên tay trái, thế là quay sang ôm cái gối ôm rồi dỗ như đúng rồi. Cả nhà cười đau cả ruột với ảnh...”.

Chị Giang cho biết bản thân cũng lần đầu làm mẹ nhưng vì lo sợ nhiều cho con nên từ lúc có thai đến khi sinh ra đều tham khảo rất nhiều sách, rồi tham gia các lớp học làm mẹ để chuẩn bị tốt những kỹ năng. “Nếu mình cái gì cũng bỡ ngỡ thì chỉ khổ cho con mình thôi. Nên cái gì mình cũng học, cũng đọc. Chỉ có ông chồng mình là không, suốt ngày lo làm nên đâu còn thời gian. Vả lại mấy ổng cũng nghĩ làm bố chắc cũng đơn giản nên đâu có học như tụi mình. Nên động đến cái gì mấy ổng cũng bỡ ngỡ”, Giang chia sẻ.

Còn Đặng Thị Tuyết Nhung (ở chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) thì kể: “Mình về quê sinh con được 3 ngày thì ảnh mới về được, do bận công việc. Đến khi ảnh về thấy con, cứ đi lần quần, đưa tay ra nhiều lần mà không dám bế con. Rồi cuối cùng bảo mình 'em ơi chỉ anh cách bế con với'. Mình mới sinh dậy, vết mỗ còn đau mà không nhịn nỗi cười. Chỉ ảnh một hồi thì ảnh bế được nhưng với tư thế rất gồng người, bế được một lát là toàn thân ảnh mồ hôi dầm dề. Cả phòng lúc đó ai cũng ôm bụng cười. Nhưng bế được con, ảnh hạnh phúc vô cùng, cảm giác của mình lúc đó cũng không tả được”.

Nhung cho biết do lần đầu làm bố, làm mẹ nên kỹ năng và kiến thức chưa có nhiều. “Lúc mình mới mang thai, không biết chồng mình nghe ai nói ở đâu là leo cầu thang sẽ rất tốt cho thai nhi, phải leo cầu thang ít nhất ngày 5 lần, nên mình cũng leo thật mà lúc đó mình ở tầng 5, leo được 2 ngày thì đi khám, bác sĩ la cho một trận vì cái tội leo cầu thang quá nhiều dẫn đến động thai bóc tách 10%. Lần đó là sợ luôn, và cũng không dám nghe ai chỉ bảo gì hết, cái gì cũng đến và hỏi bác sĩ. Lần đầu làm bố, làm mẹ khổ thế đó”, Nhung chia sẻ.

Không có một bài hát nào để ru con

 

Theo Nhung, có nhiều tình huống trong những ngày đầu chập chững làm bố, làm mẹ thật khó quên. Nhung kể thêm: “Con mình ngày nhỏ rất khó ngủ, mỗi lần đến giờ đi ngủ là khóc thật to. Hai vợ chồng mình bị stress luôn. Đêm nào cũng phải hát ru hai tiếng con mới chịu ngủ, mẹ thì hát còn bố ngồi bên cạnh làm đủ trò. Nhiều lúc thấy con không chịu ngủ, chồng mình lên mạng học cách ru con, sau đó ảnh lấy một cái khăn rồi quẹt qua quẹt lại trên mặt cho con ngủ giống như trên mạng chỉ. Nhưng tác dụng thì ngược lại, không những con không ngủ mà còn cười toe toét”.

Còn Phạm Thị Hoài Thương (trọ tại 206 đường Lê Thúc Hoạch, Q.Tân Phú, TP.HCM) kể: “Anh chồng mình không có một bài hát ru nào cả, con khóc thì chỉ biết ầu ơ, ầu ơ. Hết ầu rồi ơ mà hết ơ thì lại ầu, có hai chữ lặp đi lặp lại mãi. Nhưng con còn nhỏ nên có hiểu gì đâu, chỉ cần bế lên và hát là nó ngủ. May mà con mình cũng không khó trong chuyện ru ngủ”.

Cũng không có bài hát nào ru con như chồng của Thương, nhưng Trịnh Tuấn Anh (trọ tại 359 Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp, TP.HCM) thì mỗi lần muốn ru con ngủ lại mở nhạc ru trên mạng cho con nghe. “Mình làm gì biết bài hát ru nào, vợ mình thì có biết vài bài, do vợ mình khi mang bầu là đã tập tành các bài hát ru rồi. Còn mình thì chịu, nên muốn con ngủ, đơn giản nhất là mở nhạc ru trên mạng”.

Không chỉ có chuyện bế và ru con ngủ, Hoài Thương kể thêm rất nhiều câu chuyện mà chỉ có những người làm bố, làm mẹ mới hiểu được: “Thời thanh niên ba nó quần áo thơm tho, sạch sẽ từng li. Đến khi có con, có những hôm hai vợ chồng đang ăn cơm, con nó ị và trét ra khắp chiếu, thối thôi rồi nhưng vẫn phải người vịn con người lấy nước ấm rửa. Sau đó lại ăn cơm như chưa hề có chuyện gì xảy ra”.

“Rồi lúc sinh nhật chồng, con bị sốt, cái bánh sinh nhật mua về chỉ để đó chứ chẳng có thời gian và tâm trí động vào. Có lúc chồng đang bế con thì con thèm bú mà mẹ bận, rứa là con bu vú ba chụt chụt. Con chụt được mấy cái là không ngậm được núm vú nên toàn phì nước miếng ra thôi. Cả hai vợ chồng ôm bụng cười”, Thương kể tiếp.

 

Những tình huống dở khóc, dở cười là không thiếu. Nhưng đa phần những ông bố trẻ đều rất cố gắng để có thể phụ vợ lo chu toàn cho con. Thương chia sẻ: “Anh chồng mình mới đầu khá lúng túng trong việc chăm con, nhưng anh ấy chịu khó tiếp thu, để ý. Như cho con ăn, lần thứ nhất làm lúng túng, lần hai tiến bộ lên tí, lần ba chuyên nghiệp hơn mẹ... vì bố trẻ nên bố thông minh và có các chăm con theo kiểu riêng".

Theo thanhnien.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm