Đời sống

Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác

Nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình thì cảm giác đau khổ cũng tiêu tan. Thì ra, đó chính là con đường giải thoát con người khỏi tất cả muộn phiền, bế tắc và tuyệt vọng: Biết đặt mình phía sau người khác.

Nhờ chồng trông con hộ, khi quay lại vợ hoảng hốt với hình ảnh trước mắt / Nếu yêu bạn nhiều, đàn ông không bao giờ có những thói xấu này

18 tuổi, bố mẹ gả tôi đi lấy chồng. Kiệu hoa đi đến gần bờ sông, tôi hét to lên đòi ra, rồi chạy ào xuống bờ sông, khóc nức nở: “Không, con không muốn lấy chồng đâu, con muốn làm… Tiến sỹ cơ…!”

Đó là một giấc mơ thú vị ngày thơ bé của tôi. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ tôi đã có mong muốn trở thành nữ Tiến sỹ trẻ nhất Việt Nam, trở thành niềm tự hào của ông bà, bố mẹ…

Nhà tôi chỉ có hai chị em gái, hồi nhỏ tôi rất khó chịu mỗi khi bố mẹ tôi bị người ngoài đả kích vì điều đó. Có người trêu chọc chúng tôi là “hai con vịt giời”, sau này lớn sẽ “vỗ cánh bay đi” để mặc cha mẹ không có người nhờ cậy. Có người thì còn “chấm điểm” cho mẹ tôi dựa trên việc không sinh được con trai. Khi nghe được những lời này, tôi rất ghét họ. Chúng tôi đâu có chọn được giới tính của mình phải không?

Tôi nhất quyết nói bố mẹ không cần sinh em thứ ba nữa, và gồng mình lên để chứng tỏ mình giỏi giang không thua kém con trai.

Ảnh minh họa.

Thế rồi, nỗ lực hết sức để trở thành người đứng đầu của tôi cũng như ý. Tôi đỗ Thủ khoa chuyên Văn trường PTTH chuyên Lam Sơn Thanh Hoá, nhận bằng khen Thủ khoa tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương Hà Nội do Thành Đoàn trao tặng năm 2011 (năm đó có một số sinh viên cùng đạt danh hiệu này), và giành học bổng du học ở Paris School of Economics – trường Kinh tế số 1 nước Pháp (theo RePEc ranking). Những khi đạt được thành tích như vậy, tôi cảm thấy vui vẻ, thoả mãn vì đã khẳng định được bản thân mình.

Tuy nhiên, trong cuộc đời những sự tình không như ý thường xảy đến nhiều hơn. Nhiều lần tôi không đạt thứ hạng mong muốn, hơn kém nhau một chút điểm không là gì cả, nhưng vì mang nặng tâm lý hơn thua nên tôi cảm thấy thất vọng và chán nản. Một lần, thầy giáo đánh giá thấp về tôi trước lớp, tôi đạp xe về nhà như người mất hồn, tới mức đánh rơi cả xe đạp trước sân. Cứ chạy theo thành công, thành tích để chứng tỏ bản thân mình như vậy, tôi dần trở thành một người thích tranh đấu, kiêu ngạo và ích kỷ tự lúc nào không biết.

Tâm tôi thiếu vắng cảm giác thanh thản, bình yên. Tự sâu thẳm trong tim, tôi vẫn luôn tìm kiếm một con đường mang lại cho tôi hạnh phúc thực sự, thứ hạnh phúc tự tại an nhiên không phụ thuộc vào những được – mất, thăng trầm của cuộc đời.

Chuyến đi thay đổi cuộc đời

 

11 rưỡi đêm, một đêm tháng 8 năm 2011. Chiếc máy bay Việt Nam Airlines như con chim sắt khổng lồ lao vào màn đêm hun hút. Những dải đèn sáng trên mặt đất bé dần, xa dần… Đó là một bước ngoặt trọng đại đối với cả gia đình tôi: Tôi chia tay Việt Nam, bắt đầu hành trình du học tại Cộng hoà Pháp. Khi ấy tôi không ngờ rằng, chuyến đi này đã mang lại cho tôi một món quà vô giá.

Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác - Ảnh 2

Cố gắng không ngừng nghỉ, cuối cùng tôi cũng cầm trên tay tấm bằng Thạc sỹ. May mắn hơn, tôi nhận được học bổng Tiến sỹ của Bộ Ngoại giao Pháp do Đại sứ quán Pháp cấp. Tôi tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Kinh tế phát triển, với mong muốn tìm lời giải cho những đau khổ của con người như nghèo đói, bệnh tật, bất bình đẳng giới, v.v…

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi cảm nhận sâu sắc rằng thế giới này còn nhiều lắm những bất hạnh. Hình ảnh em bé Somali gầy trơ xương, hay gia đình Ấn Độ chui rúc trong khu ổ chuột, hay người di cư cầm tấm biển cầu xin cứu giúp ở ga tàu điện ngầm nước Pháp… ám ảnh mãi trong tôi. Không chỉ những người nghèo khổ ốm đau hay bị phân biệt đối xử mới cảm thấy đau khổ, ngay cả những người giàu có ở giai tầng xã hội cao cũng phải đau đầu với những vấn đề của chính họ. Tôi mong muốn giúp nhiều người bớt khổ, nhưng bản thân tôi lại chưa biết cách tìm hạnh phúc cho chính mình.

Càng thành công, tôi lại càng khó thừa nhận thất bại và chịu hạ mình. Trong gia đình, tôi muốn làm “ông mặt trời” áp chế người khác, khi xảy ra xung đột thì luôn tự cảm thấy mình bị thiệt thòi, không bao giờ chịu xin lỗi trước. Có việc chỉ bằng con kiến, nhưng với cái Tôi ích kỷ, tôi đã phóng to nó lên thành con voi, để rồi suy diễn, tự dày vò chính mình. Tôi tự hỏi:Mình phấn đấu nỗ lực nhiều như vậy, vì sao vẫn không được thảnh thơi hạnh phúc?

 

Tôi vẫn thích lui tới chốn chùa chiền, thiền viện để tìm kiếm bình yên. Ngày nay nhiều người bái Phật để “xin”; tôi cũng từng cầu xin được khỏe mạnh, thành danh và hạnh phúc trong mỗi lần thắp hương. Bỗng một ngày, tôi thấy cứ cầu xin như vậy thật mệt mỏi và trống rỗng. Tiền tài danh vọng không thể khoả lấp những trống vắng trong tâm hồn.

Lần đó, trước hình Quán Thế Âm Bồ Tát, tôi chắp tay cầu xin một điều:“Xin ban cho con lòng từ bi vô bờ bến để có thể yêu thương hết thảy chúng sinh!”.

Cứ thế, những nỗi phiền muộn trong tâm tôi tan biến, lòng tôi nhẹ tênh!

Trong quan hệ gia đình, tôi dần có thể coi nhẹ lợi ích của bản thân, nghĩ cho người xung quanh nhiều hơn trước. Trước đây, nếu bị người khác làm tổn thương thì có thể cả mấy ngày hôm sau tôi “ngậm hột thị”, không nói năng lời nào, trừng phạt tinh thần người kia. Nhưng giờ thì tôi có thể không để bụng trong những mâu thuẫn, sau đó tĩnh tâm suy nghĩ tìm ra thiếu sót của mình và thật lòng xin lỗi. Càng dịu dàng, tôi càng thấy nội tâm mình mạnh mẽ. Một bậc tiền bối nói với tôi rằng: “Bác nhìn con rất Thiện, từ bi”.

Trong nghiên cứu và công tác, tôi nỗ lực làm thật tốt với nguyện vọng đem lại điều có ích cho mọi người, cho xã hội, chứ không đặt nặng vấn đề danh hiệu thứ bậc như ngày trước. Khi lòng tôi thanh thản nhẹ nhàng, những điều tốt đẹp cũng tự nhiên tìm đến. Tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và được đề cử Luận án xuất sắc chỉ 3 ngày trước khi sinh bé trai đầu lòng. Sau đó, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE-G) tin tưởng giao cho tôi quản lý một dự án quan trọng.

 

Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác - Ảnh 3

‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’

Đỉnh cao của tự do là sự thấu hiểu, không phải thấu hiểu người khác, nhưng là thấu hiểu bản thân. Nhưng để hiểu được bản thân mình, ngoài việc tự nhìn vào bên trong, bạn nhất định còn phải đặt con mắt mình vào con mắt của người khác để nhìn lại mình. Nhìn bản thân từ những hệ quy chiếu khác nhau, bạn sẽ nhận ra mình là ai, trong con mắt phụ huynh, bạn là người thế nào, trong con mắt bạn bè, trong con mắt đồng nghiệp, trong con mắt của người bạn yêu… bạn là người như thế nào?

Vậy nên, việc đặt mình vào vị trí người khác là việc rất quan trọng, nó không chỉ giúp làm mềm các mối quan hệ thông qua việc thấu hiểu lẫn nhau, mà hơn hết, nó còn giúp bạn nhận ra và thấu hiểu chính bản thân mình.

Ngắn gọn thôi, hãy ghi nhớ câu này trước mọi phán xét, mọi hành động, mọi việc làm:‘Nỗ lực hết sức không phải để đứng đầu, mà để biết đặt mình sau người khác’

 

* Thông tin chỉ mang tính chất chiêm nghiệm, tham khảo!

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm