Nơi heo hút bỗng có nhiều 'đại gia' nhờ loài sâm quý
Làm giàu khác người: Tóc dài Bến Tre bỏ phố về quê với...gáo dừa / Trồng đan sâm quý bán củ đỏ làm thuốc, 1 sào thu 50 triệu đồng
Vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, là một những huyện miền núi có tỷ lệ nghèo cao so với cả nước. Thế nhưng, từ khi sâm Ngọc Linh được chính quyền địa phương tổ chức hàng loạt phiên chợ thu hút khách trong và ngoài nước biết đến loài sâm quý này thì đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số Xê Đăng, Ca Dong nơi đây dần được nâng cao.
Đất rừng Trường Sơn và khí hậu dưới chân núi Ngọc Linh đã ban tặng cho họ loài sâm quý và giờ đây họ đã biết cách bảo tồn và phát triển để làm giàu; chọn cách bảo vệ rừng như một người con hiếu thảo để báo ơn...
Đổi thay dưới chân núi sâm
Một ngày tháng 10-2018, chúng tôi tìm về vùng đất Trà Linh, huyện vùng cao Nam Trà My - một miền đất xa xôi, hẻo lánh nằm cách trung tâm hành chính tỉnh Quảng Nam hơn 100 cây số. Khác với những lần lên Trà Linh ngày trước, giờ đây những con đường trên đất rừng Nam Trà My, nối từ trung tâm huyện về các xã và từ trung tâm các xã đi đến các thôn, nóc đang được mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa.
Ông Trần Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh tâm sự, từ khi cây sâm Ngọc Linh được biết đến nhiều, giá sâm Ngọc Linh được đẩy lên cao, đời sống bà con nhân dân nơi đây dần thay đổi. Nhất là đối với những hộ có diện tích trồng sâm lớn ở các thôn, nóc trên địa bàn xã.
Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Nam Trà My, với hơn 80% hộ nghèo thì nay giảm còn 52,77% (343 hộ, 1.415 nhân khẩu). Và, phấn đấu giảm còn 277 hộ vào năm 2018, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Người dân nơi đây bắt đầu xây cho mình những căn nhà kiên cố. Cơ sở vật chất trong nhà như tivi, tủ lạnh, xe máy cũng được người dân đầu tư. Cuộc sống người dân nơi đây dần trở nên khấm khá hơn.
“Bây giờ sâm Ngọc Linh đã là sản phẩm quốc gia, với giá trị cao; người dân trồng sâm, bán sâm có tiền, kinh tế phát triển. Người dân nơi đây cũng mang về cho mình cuộc sống khấm khá hơn. Từ đó họ dần thay đổi nhận thức, thoát khỏi cái nghèo đeo bám, phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái được học hành. Nhiều nhà đã sắm những vật dụng mà trước đây chưa từng nghĩ tới. Vì vậy, ngay cả khi đường vận chuyển vật liệu khó khăn, giá thành đội lên gấp 3-4 lần, người dân không còn lo lắng nữa. Họ chỉ cần gia đình có chỗ ở khang trang, no đủ, ấm áp và an toàn”, ông Thương nói.
Anh Hồ Văn Viêm cũng là một trong những “đại gia” đổi đời từ sâm quý Ngọc Linh. Tuy đi sau, đến muộn hơn với những “đại gia” sâm khác nhưng anh Viêm cũng đã xây dựng cho mình một căn nhà kiên cố... Dẫn chúng tôi dạo quanh căn nhà còn mới toanh, anh Viêm cho biết, ngôi nhà của anh xây với tổng cộng hơn 300 bao xi măng.
Mỗi bao theo giá thị trường chưa đến 80 nghìn đồng nhưng khi lên đến nơi thì đội giá thành 500 nghìn đồng. Chỉ tính riêng tiền xi măng đã ngốn hơn 150 triệu đồng. Chưa kể còn tiền cát sỏi, vật liệu xây dựng, tổng cộng có giá lên đến hơn 1 tỷ đồng.
“Dù biết giá thành nguyên vật liệu ở đây rất cao vì đường vận chuyển xa xôi nhưng hiện tại mình đủ sức để lo, có sâm bán là có tiền mà. Miễn sao cho gia đình mình có căn nhà vững chắc che nắng che mưa là được rồi”, anh Viêm tâm sự.
Chừng 10 năm trở về trước, khi cây sâm Ngọc Linh còn ít người biết đến, củ sâm, lá sâm, hạt sâm Ngọc Linh đều là một thứ rất bình thường, người dân chỉ để dùng ăn, ngâm rượu uống; hoặc đem đến quầy tạp hóa bán với giá rẻ bèo. Vậy mà từ khi đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) được Chính phủ thông qua, cây sâm núi Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia, giá lá, củ, hạt sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My tăng chóng mặt.
Từ một nắm lá không biết làm gì, hiện nay mỗi kg bán được hơn 7 triệu đồng loại tươi, còn lá khô đến 30 triệu đồng/kg. Củ sâm Ngọc Linh thì tăng cao ngất ngưởng với giá từ 70-130 triệu/kg tùy loại. Hạt sâm hơn 70 triệu đồng 1 lon sữa bò.
Nhận thấy sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, có điều kiện giúp thoát nghèo vươn lên làm giàu, nhiều hộ dân ở huyện Nam Trà My đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm, tạo nên nhiều vườn sâm nằm sâu dưới tán rừng già ở độ cao 1.200 - 2.500m. Có không ít hộ dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú, với tổng giá trị từ vườn sâm lên đến hàng tỷ đồng, như Hồ Văn Du, Hồ Văn Lượng...
Người tiêu dùng khắp nơi cũng đổ về chân núi Ngọc Linh săn lùng sâm quý. Nắm bắt tâm lý người mua, đưa sản phẩm sâm thật đến với người tiêu dùng, giúp bà con phát triển kinh tế bền vững, chính quyền huyện Nam Trà My đã xây dựng phiên chợ sâm diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng, thu về hàng tỷ đồng mỗi phiên...
Giúp nhau làm giàu từ cây sâm quý
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, qua các phiên chợ, cây sâm Ngọc Linh đã được quảng bá rộng rãi trên phạm vi cả nước và nước ngoài. Giá trị của sản phẩm sâm nhờ thế cũng được nâng lên rất nhiều. Bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương cũng dần hình thành khái niệm mua và bán, biết kinh doanh, giao dịch, từ đó đem về được một giá trị đúng với giá trị của cây sâm mà không bị thương lái ép giá, giúp cho kinh tế dần đi lên.
Tại phiên chợ sâm mới nhất, chỉ trong 3 ngày đã thu hút hơn 15.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Trong đó, mặt hàng sâm củ Ngọc Linh được 52kg, thu về gần 4 tỷ đồng. Trước đó, 11 phiên chợ sâm khác cũng thu về giá trị tương đương.
Chúng tôi gặp ông Hồ Văn Bằng, xã Trà Linh, ở phiên chợ sâm hằng tháng với một quầy sâm do nhóm hộ của ông trồng. Ông Bằng cho biết, trước khi có phiên chợ sâm, người dân Trà Linh chỉ buôn bán nhỏ lẻ cho các thương lái nên không biết giá cả thế nào cho hợp lý, chỉ thuận mua vừa bán. Từ khi phiên chợ sâm Ngọc Linh được mở hằng tháng, ông đã biết bán sao cho giá cả hợp lý với giá chung của thị trường, từ đó đem về cho ông những khoản tiền khá, giúp ông cùng những hộ dân khác phát triển kinh tế gia đình.
“Trước đây, chúng tôi có biết mua bán sâm như thế nào đâu, thương lái cứ lên nói bao nhiêu thì mình bán bấy nhiêu, miễn sao mình ưng cái bụng là được rồi. Giờ đã có phiên chợ sâm, có điều kiện tiếp xúc, giao lưu nhiều hơn với những người dân trồng sâm khác, dần dần mình biết giá cả chung cho hợp lý, không bị thương lái ép giá”, ông Bằng chia sẻ.
Nhóm của ông Bằng có 70 hộ cùng nhau trồng sâm. Ông Bằng trao đổi rằng, được sự chỉ đạo của các cấp chính quyền xã, huyện, người dân xã Trà Linh đã cùng nhau lập thành nhóm hộ, lập quy chế để bày nhau cách trồng sâm, giữ sâm, bán sâm sao cho hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn xã Trà Linh có 34 nhóm hộ, với 434 hộ dân tham gia. Các hộ nhóm hộ cùng nhau trồng sâm trên một vùng diện tích, cử nhóm trưởng quản lý, điều hành chia người túc trực bảo vệ vùng sâm đề phòng trộm cắp, kiểm tra số lượng sâm và kết nối buôn bán, thống nhất giá. Các hộ dân vì thế có thêm kinh nghiệm trồng sâm, hạn chế công lao động mà vẫn đạt được hiệu quả như mong muốn.
“Việc trồng sâm theo nhóm giúp trao đổi kinh nghiệm, đảm bảo lợi ích người trồng sâm, từ đó nhiều hộ dân chúng tôi có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Bằng nói. Ngoài thành lập nhóm hộ trồng sâm, nhiều chi bộ thôn ở xã Trà Linh còn thực hiện mô hình trồng sâm gây quỹ, vừa tạo nguồn kinh phí cho các chi bộ hoạt động, vừa góp phần giúp bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo.
Ông Hồ Vũ Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh cho hay, năm 2013, Đảng ủy xã Trà Linh đã phát động mô hình trồng sâm Ngọc Linh gây quỹ hoạt động. Theo đó, mỗi đảng viên ở mỗi chi bộ thôn đều được vận động thành lập một chốt sâm, chăm sóc và phát triển, từ đó lấy nguồn lợi làm kinh phí cho hoạt động của chi bộ, giúp các thành viên trong chi bộ phát triển kinh tế. Từ 1 chi bộ thôn, đến nay đã có 4 chi bộ áp dụng mô hình này.
Từ mô hình trồng sâm gây quỹ, các chi bộ cũng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chú ý tuyên truyền cho người dân phương pháp trồng sâm đúng quy trình kỹ thuật, nhiều đảng viên và bà con đã chủ động bàn bạc, góp nhiều ý hay để giúp nhanh phát triển kinh tế.
“Từ việc chi bộ góp sâm tạo quỹ, cách làm này đã lan rộng ra nhiều nơi trong thôn. Việc trồng sâm nhờ vậy mà bắt đầu phát triển nhanh chóng. Mô hình này không những giúp cây sâm Ngọc Linh được trồng, bảo vệ, tạo được thương hiệu trong thời gian qua mà còn giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ sản vật của núi rừng quê hương mình”, ông Tuấn tâm sự.
Ông Hồ Văn Dỗi, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Trà Linh chia sẻ rằng, Chi bộ thôn 3 có 27 đảng viên và triển khai rất hiệu quả việc góp sâm gây quỹ. Mỗi đảng viên góp 5 gốc sâm Ngọc Linh, tùy theo điều kiện của mình. Ai có sâm thì góp sâm, ai không có thì quy thành tiền đóng góp rồi giao cho một người chăm sóc, bảo vệ. Những gốc sâm góp được trồng vào vườn của một đảng viên trong thôn, khi sâm khoảng 5 tuổi trở lên sẽ bán lấy tiền gây quỹ.
“Mô hình này giúp cho bà con biết bàn bạc với nhau để phát triển cây sâm, thay nhau chăm sóc, lấy quỹ giúp nhau giảm nghèo”, ông Dỗi nói.
Không chỉ cùng nhau trồng sâm phát triển kinh tế gia đình, người dân xã Trà Linh còn hình thành nên văn hóa tặng gốc sâm cho trẻ như một cách hướng trẻ để dành một số vốn làm ăn khi trưởng thành. Cứ mỗi đứa trẻ sinh ra trong nóc, khi đến sinh nhật từ 1 đến 5 tuổi thì sẽ được tặng quà mừng là những gốc sâm tốt nhất. Sau đó sẽ được cha mẹ dắt lên rẫy tự tay trồng.
Đây cũng là cách để trẻ ý thức được sâm Ngọc Linh quan trọng với đồng bào mình như thế nào, để luôn nhớ về gốc gác, về những khó khăn mà cha ông đã trải qua, để nó chăm lo phát triển sâm Ngọc Linh ngày một tốt hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chồng mất được 5 năm, người phụ nữ lạ tìm đến muốn tặng tôi căn nhà và tiết lộ bí mật của anh
Đưa bạn trai về ra mắt, mẹ nhất quyết không đồng ý vì nhìn thấy thứ này trên cơ thể người yêu
Dù là người yêu hay là vợ, khôn ngoan thì đừng bao giờ hỏi đàn ông 3 câu này
Cuối tuần (2-3/11) cát tinh soi sáng: 4 con giáp thăng hoa sự nghiệp, tình duyên khởi sắc
Thứ bảy, ngày 2 tháng 11, ba con giáp may mắn nhất, dễ dàng có được sự giàu có
Vẻ đẹp siêu thực của hot girl kém 12 tuổi được Duy Hưng quyết liệt 'đòi cưới'