Phụ xe buýt lặng người trước 'gia tài' bỏ quên của người lạ mặt
85 tuổi vẫn ngâm mình dưới biển nuôi cháu tâm thần / Ý tưởng giảm kẹt xe cho thành phố thông minh của hai học sinh
Trong suy nghĩ của người dân thường xuyên đi xe buýt, nhân viên phụ xe là những người nhàn hạ. Cả ngày họ ngồi điều hòa mát lạnh, chỉ việc bán vé, thu tiền.
Thế nhưng phải rong ruổi suốt hơn 8 tiếng đồng hồ trên xe mới thấm thía nghề xe buýt gian truân và cực nhọc tới mức nào.
Nữ phụ xe sinh năm 1986 |
Nhân lúc xe vắng khách, chị Lê Thị Ngọc Ánh (SN 1986 - xí nghiệp xe buýt Thăng Long, Hà Nội) phụ xe buýt số 106, lấy trong túi ra chiếc bánh mì và vội vàng ăn.
Chị cho biết, lúc trưa mua bánh mỳ lót dạ nhưng từ lúc đó khách lên đông, mải làm nên quên mất cả đói. Giờ vãn người chị mới sực nhớ.
Vừa ăn được 1 miếng nữ phụ xe lại bỏ đó, chạy ra bán vé, điều phối vị trí. Chỉ vài phút mà khách đã đông đến mức không cựa được mình. Phải đến 30 phút sau, chị mới tiếp tục bữa ăn dở.
Khi khách xuống hết, chị Ánh lại sấp ngửa lau chùi, thu dọn vệ sinh. Người phụ nữ này cho hay, bất kể ngày nắng, mưa hay bão, chị và các đồng nghiệp vẫn đều đặn thực hiện nhiệm vụ của mình.
Những hôm trời nắng nóng, nhiệt độ lên đến đỉnh điểm, dù có điều hòa nhưng vẫn không át được sức nóng hầm hập từ hơi người. Cả ngày chị oằn mình trên xe, mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo.
Bên cạnh đó, hành khách trên xe không phải ai cũng ý thức tốt, có người ăn hoa quả, quà vặt sẵn sàng xả rác xuống sàn xe. Một số người còn khạc nhổ bừa bãi, mặc dù trên xe có biển ghi quy định: "Giữ vệ sinh chung".
Nếu phụ xe nhắc nhở thì luôn nhận được thái độ bất cần và lời lẽ khó nghe từ các vị "thượng đế".
Gắn bó với nghề đã lâu, bởi vậy dù mệt mỏi cả ngày dài nhưng khi đối mặt với tình huống này, chị rèn luyện cho mình khả năng kiềm chế cảm xúc, tránh những va chạm, xô xát đáng tiếc xảy ra.
Mặc dù đã quá quen thuộc với những hành vi đó nhưng nữ phụ xe sinh năm 1986 thừa nhận, không ít lần chị thấy xót xa khi bị khách tỏ ý miệt thị, chê bai nghề nghiệp của mình.
Chị kể: "Phụ xe chúng tôi kị nhất là những trường hợp lên xe trốn vé, dùng vé giả, vé cũ... Bởi chỉ sót 1 chiếc vé hoặc vô tình bị thanh tra, chúng tôi sẽ bị phạt, trừ lương. Lúc đó đồng lương đã ít lại càng eo hẹp hơn.
Nhiều năm đi làm, tôi đủ kinh nghiệm để phát hiện trường hợp gian lận, trốn vé như vậy. Tuy nhiên có khách vẫn cố tình chối cãi. Như lần tôi gặp vị khách nữ khoảng 70 tuổi vài tháng trước".
Theo lời nữ phụ xe, hôm đó, người phụ nữ lớn tuổi, tay xách chiếc làn lên xe cùng một nhóm sinh viên.
Tất cả đều dùng vé tháng, ai cũng đeo tấm thẻ trước ngực. Chị Ánh đi một vòng kiểm tra từng vé, đến vị trí người phụ nữ đó, bà ta chỉ đưa ra rồi vội cất đi ngay.
Thấy biểu hiện khả nghi, nữ nhân viên nói muốn được cầm vé xem nhưng bà nhất quyết không đưa. Khi chị Ánh cứng rắn, yêu cầu khách chấp hành, vị khách đó mới mang thẻ ra. Đúng với suy đoán của chị, chiếc thẻ xe buýt đó là vé cũ của năm trước, dán tem khác màu.
Chị đề nghị khách mua vé, người khách bất ngờ trở mặt, nói rằng mình vẫn sử dụng chiếc vé đó bình thường, chưa thấy ai bắt bẻ. Vị khách dọa sẽ gọi lên tổng đài kiện hành vi gây khó dễ của phụ xe.
Lúc này chị Ánh vẫn mềm mỏng, yêu cầu khách chấp hành đúng quy định. Trước những ánh mắt của mọi người, bà vùng vằng, rút mấy tờ tiền lẻ, ném trước mặt nhân viên xe buýt và buông lời khó nghe: "Loại phụ xe như cô chỉ lắm chuyện".
Trước tình huống này, chị Ánh nói: "Tôi đi làm công ăn lương, kiếm tiền chân chính, không xin xỏ ai, không ăn cắp, ăn trộm. Đây cũng là trách nhiệm công việc, mong bà hợp tác. Tiền đi xe buýt hôm nay coi như tôi biếu bà".
Nghe phụ xe nói, người phụ nữ bối rối, nhanh chóng lẩn ra cửa sau, xuống điểm gần nhất.
"Không chỉ người lớn tuổi đâu, ngay cả những thanh thiếu niên khoảng 15, 16 tuổi đi xe, cũng tỏ thái độ khinh thường người lao động như tôi. Mỗi lần gặp khách như vậy, thấy chua chát lắm.
Tuần trước, một cô bé, mặc bộ đồng phụ cấp 3, trông khá xinh xắn, trang điểm đậm, dùng vé tháng. Tôi mải trả tiền thừa cho khách nên chưa kịp nhìn. Khi mình nói muốn kiểm tra, nữ sinh đó quát: "Không có mắt à, mắt mù à?", giọng buồn bã chị Ánh kể tiếp.
Chị Ánh di chuyển liên tục trong xe suốt 8 tiếng đồng hồ |
Bên cạnh những hành vi như vậy, việc hành khách nói chuyện ồn ào, hút thuốc lá, say rượu, gây gổ trên xe là chuyện không phải hiếm. Khi đó nếu phụ xe không khéo léo giải quyết, không những không được việc mà còn bị mang vạ vào thân.
Tuy nhiên chị Ánh cho biết, 6 năm làm nghề, chị cũng gặp nhiều vị khách tốt bụng, ngày Tết mừng tuổi nhà xe lấy may. Có người thì gửi những lời chúc tình cảm. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chị thấy ấm lòng.
"Rất nhiều khách chẳng may quên đồ, được nhà xe tìm lại giúp món đồ hay tài sản giá trị bỏ quên còn gửi thư, gọi điện về xí nghiệp cảm ơn", nữ nhân viên này nói.
Theo chị Ánh, việc khách bỏ quên đồ và được nhận lại là chuyện thường xuyên diễn ra. Khi phát hiện khách để quên đồ, lái xe hoặc phụ xe sẽ phải báo về đường xây nóng của xí nghiệp. Sau đó, đồ để quên của khách sẽ được để ở ga, người điều hành ở đó sẽ nhận và xác minh.
Nếu khách đến nhận trong ngày thì sẽ trao trả luôn tại đó. Nếu không, tài sản sẽ được chuyển về xí nghiệp, xí nghiệp sẽ lưu giữ và bàn giao cho khách.
Câu chuyện về túi đồ của người đàn ông khoảng 60 tuổi quên trên xe cách đây 1 năm khiến chị nghẹn ngào mỗi khi nhắc đến.
Chị Ánh kể, tuyến buýt 106 đi từ TTTM Aeonmall Long Biên sang khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) và ngược lại.
Hôm đó, khi xe đến khu vực quận Hoàng Mai, chị phát hiện chiếc túi màu đỏ. Theo quy trình, chị báo với tài xế, sau đó mở túi ra kiểm tra, lập biên bản sự việc.
Ngoài vật dụng cá nhân, 1 ví tiền bên trong đựng 500 nghìn đồng và hóa đơn nộp viện phí 20 triệu đồng cùng giấy hẹn mổ ở viện K. Chị đoán là của bệnh nhân lên xe từ viện K (Tân Triều, Hà Đông).
Dù số tiền trong ví không nhiều nhưng nữ phụ xe nhận định số giấy tờ đó rất có ý nghĩa với bệnh nhân, chị Ánh lập tức gọi điện về đường dây nóng báo cáo, dự định sẽ chuyển đồ vật thất lạc đó về xí nghiệp, chờ bàn giao cho khách.
Nhưng 30 phút sau, chị nhận được cuộc gọi từ người đàn ông lạ mặt. Người đó cho biết mình là chủ nhân chiếc túi.
Ông chia sẻ, mình cũng có con trai làm lái xe buýt của xí nghiệp khác. Khi quên đồ, ông nhờ con liên hệ sang bên đây và xin được số điện thoại của nhà xe.
Nhận lại túi xách, vị khách mừng mừng tủi tủi, đôi mắt đỏ hoe, liên tục nói cảm ơn nhân viên xe buýt. Ông không ngờ lấy được tài sản nhanh đến thế.
Người đàn ông kể mình bịu, mới nộp tiền phẫu thuật, gia cảnh cũng khó khăn. Mất số giấy tờ đó ông phải làm lại thủ tục từ đầu, chỉ lo các con phải vất vả chạy vạy lo thêm tiền. Ông nói, đây là cả "gia tài" của mình.
Nghe vị khách tâm sự, chị Ánh bỗng nhiên lặng người, lòng nhớ đến người mẹ mới mất hơn một năm trước.
Năm đó, gia đình bàng hoàng khi mẹ chị phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Mẹ chị nhất quyết không mổ vì biết bệnh mình không còn sống được bao lâu.
7 tháng sau ngày phát bệnh, mẹ chị qua đời. Ngày bà mất, chị không kịp vào gặp bà lần cuối trong bệnh viện vì đang mải miết trên xe. Chị đã ngồi khóc hu hu như một đứa trẻ vì thương mẹ. Hành khách trên xe đang huyên náo cũng im bặt, gửi lời chia buồn đến chị và gia quyến.
"Mãi sau này tôi mới hiểu mẹ sợ các con tốn kém. Thương con, bà cắn răng chịu đau, chẳng bao giờ kêu than lấy nửa lời. Đến giờ con cái ổn định, có thể bù đắp, chăm sóc cho mẹ cuộc sống tốt hơn thì bà không còn nữa", đưa tay quệt giọt nước mắt trên gò má, nữ phụ xe nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
3 ngày cuối năm 2024: 4 con giáp đón vận may tài lộc ngập tràn
4 con giáp may mắn cuối tuần này (28-29/12): Gặt hái thành tựu lớn trước thềm năm mới
Người xưa có câu: “Tứ không bình thường thì gia đình sẽ gặp nạn”, là điềm báo gì?
Bắt đầu từ 28/12: 3 con giáp may mắn “thời tới cản không nổi” – cơ hội vàng để bứt phá!
5 cái tên bị cấm khai sinh ở Việt Nam: Là tên gì và tại sao?
Tử vi ngày 28/12/2024 của 12 con giáp: Tuổi Hợi rực rỡ cơ hội thăng tiến, Sửu cần đối mặt thách thức