Đời sống

Sao mẹ có thể vượt qua nhiều tổn thương?

Cuộc hôn nhân 40 năm của cha mẹ cô không phải chỉ toàn bất hạnh. Nhưng nhìn lại những tổn thương mà mẹ đã chịu đựng, cô nghĩ, khó thể nào vượt qua để đi đến cuối chặng đường, nếu cô là mẹ.

3 nàng giáp đầy kiêu hãnh, không cần đàn ông vẫn có thể tự tìm được hạnh phúc / Top con giáp nữ là 'báu vật', ai sở hữu được phúc đức ngàn đời, vừa có tiền vừa công thành danh toại

Sinh ra trong một gia đình đông anh em trai, mẹ cô từ nhỏ đã là nạn nhân của định kiến “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Ông bà ngoại chỉ xem trọng con trai, con dâu và cháu nội, còn con gái là con người ta, coi như không có.

Ảnh minh họa.

Có lẽ sự tổn thương đầu đời và lớn nhất đến từ cách ứng xử của người trong gia đình đã khiến mẹ trở thành người mạnh mẽ. Hơn nữa, bà còn là người phụ nữ vừa khéo giao tiếp lại khá thông minh và chịu khó. Nghe bà con họ hàng kể lại, thời trẻ, mẹ cô rất giỏi, chăm làm, biết tiết kiệm, khéo ăn nói nên rất nhiều người theo đuổi. Nhưng mẹ luôn giữ gìn chữ “hạnh”, không qua lại với bất cứ người đàn ông nào cho đến khi gặp ba. Cũng có thể, vì sự lựa chọn này mà họa phúc, sướng khổ và bao nhiêu tổn thương, đau đớn cứ đi theo mẹ suốt cả cuộc đời.

Nhiều người bảo rằng đàn ông thế hệ trước, nhất là những người nông dân ít học, thường vũ phu, bạo lực với vợ. Với đàn ông, cơ thể là vũ khí, là biểu tượng cho sức mạnh, nên họ sẵn sàng dùng nắm đấm mỗi khi tức giận hay không hài lòng điều gì.

Người đàn ông được mẹ xem là cả thế giới và suốt một đời chịu đựng ấy luôn xem bản thân là nhất, vợ phải phục tùng. Ba hay say xỉn, chửi rủa và đánh đập mẹ bất cần lý do. Mỗi khi không vui, ông sẵn sàng đập phá mọi thứ trong nhà. Mẹ con cô luôn phải nhìn vào sắc mặt ba để biết hôm ấy mình nên gần gũi hay tránh xa ông.

Cô vẫn nhớ rất rõ hình ảnh mẹ bị đánh tả tơi trong căn bếp của ngôi nhà cũ nát. Cô biết, trong lúc tuyệt vọng, mẹ đã nhiều lần muốn tìm đến cái chết. Nhưng có lẽ nhìn đàn con đói khát, mẹ lại không đành. Những lúc ấy, mẹ chỉ biết nén nỗi đau vào lòng và khóc thầm. Còn chị em cô chỉ biết khóc lóc van xin ba trong vô vọng, bởi ông đã say đến mức không còn lý trí. Có lẽ vì thế mà từ trong vô thức, cô đã xem đàn ông như những hung thần bạo chúa. Chỉ đến khi trưởng thành, cô mới đủ nhận thức để hiểu ra, không phải người đàn ông nào cũng vậy.

Vậy mà, mẹ đã cam chịu ròng rã 40 năm. Ngay cả khi đã có dâu rể, đôi khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, ba vẫn dùng nắm đấm với mẹ thay cho lời nói. Cô mãi vẫn không hiểu tại sao con người ta có thể yêu thương theo cách như vậy.

Nếu chỉ một hai lần tổn thương thì có thể chấp nhận cho qua, rồi thời gian sẽ giúp phai mờ vì cơ thể có cơ chế tự chữa lành. Nhưng quá nhiều lần, thậm chí không thể đếm hết những trận đòn roi, những lời chửi rủa xúc phạm... mà mẹ vẫn có thể chịu đựng. Phải chăng mẹ đã không còn sức để phản kháng, và bạo hành đã trở thành chuyện hiển nhiên? Thật đáng sợ khi con người ta đồng lõa với những cái xấu.

 

Ngày học lớp 12, nghe giáo viên giảng bài Chiếc thuyền ngoài xa, nói về người đàn bà làng chài cũng liên tiếp chịu những trận đòn roi mà không phản kháng, còn đứng ra bênh vực chồng. Cô thấy sao xót xa vì câu chuyện ấy vẫn diễn ra hằng ngày và ngay trước mặt, trong chính cuộc đời cô.

Mẹ bảo, mẹ chịu đựng ba phần lớn vì các con. Mẹ mà bỏ đi thì để các con lại cho ai lo? Thế hệ ba mẹ chuyện ly hôn là rất khó. Hơn nữa, mọi thứ trở thành thói quen khi ở bên nhau đủ lâu rồi, nên mẹ không nỡ nghĩ đến cảnh chia lìa.

Mẹ nói, mỗi người dù là cha mẹ hay con cái, vợ hay chồng, đều phải biết chấp nhận nhau, thậm chí là chịu đựng nhau để sống. Mỗi khi đàn ông lớn tiếng, thì phụ nữ phải biết nhường nhịn. Cứ sống như dòng nước mà chảy, rồi thương đau nào cũng sẽ qua.

Cô nghĩ, đó chỉ là cách mẹ tự ngụy biện để cô hiểu là mẹ ổn. Còn đằng sau lời nói kia là những thổn thức, đau đớn, tổn thương mà mẹ vẫn phải tự tìm cách thỏa hiệp với trái tim quá nhiều vết xước.

Sau 40 năm bị đối xử tệ bạc, mẹ cô vẫn một lòng chăm sóc cho ba từng miếng ăn, giấc ngủ, từng chiếc áo, đôi giày và cả những cảm xúc buồn vui. Thế nên, cô chỉ ước mong, mẹ dám một lần nói thật và bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời mình mà sống cho bản thân. Thậm chí, nhiều lúc cô khuyên mẹ hãy ly hôn, hãy sống thoải mái, hạnh phúc cho chính cuộc đời mẹ, không chấp nhận những bạo hành vô lý nữa. Nhưng một lần nữa, “vì các con”, mẹ lại chọn đi con đường của mình, cùng ba.

 

Ngày 8/3 vừa qua, cũng như những người đàn ông “tạc tượng đài” để tôn vinh phụ nữ, ba cô cũng dành cho mẹ những lời có cánh. Và mẹ lại cười, nụ cười bỏ qua những đau đớn, tủi hờn của 364 ngày còn lại. Có cần thiết không khi những tung hô kia không giúp họ hiểu rằng tất cả chỉ là phương tiện góp thêm bản án chung thân cho những đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu, nhưng bản chất là kêu gọi họ tiếp tục hy sinh. Để rồi, sau tất cả, trái tim phụ nữ vẫn quặn thắt với những vết xước đêm ngày âm ỉ không thể xóa mờ.

Sau 40 năm bị đối xử tệ bạc, mẹ cô vẫn một lòng chăm sóc cho ba từng miếng ăn, giấc ngủ, từng chiếc áo, đôi giày và cả những cảm xúc buồn vui. Thế nên, cô chỉ ước mong, mẹ dám một lần nói thật và bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời mình mà sống cho bản thân.

Thậm chí, nhiều lúc cô khuyên mẹ hãy ly hôn, hãy sống thoải mái, hạnh phúc cho chính cuộc đời mẹ, không chấp nhận những bạo hành vô lý nữa. Nhưng một lần nữa, “vì các con”, mẹ lại chọn đi con đường của mình, cùng ba.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm