Đời sống

Sốt co giật ở trẻ có làm ảnh hưởng não?

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng sốt cao, co giật sẽ ảnh hưởng tới não trẻ nên đã truyền miệng nhau cho trẻ uống thuốc chống động kinh. Các chuyên gia y tế nói gì về việc này.

Bí quyết giảm cân siêu lạ nhưng cực kỳ hiệu quả của sao Việt / 5 nguyên liệu tự nhiên làm sữa rửa mặt đảm bảo da bạn mềm mịn, trắng sáng hơn sau vài ngày

Sốt co giật ở trẻ có làm ảnh hưởng não?

Thời tiết thất thường, con chị Đoàn Thị Minh (ở Hà Nội) sốt cao và cứ cho uống thuốc hạ sốt xong, lại sốt tiếp. Khi thấy con co giật, vợ chồng chị sợ quá vội vàng đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm họng cấp trên dẫn đến sốt cao và có triệu chứng co giật nhưng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, vợ chồng chị vẫn lo lắng sợ cơn co giật tiếp ảnh hưởng tới não nên nghe theo lời mách bảo cho con uống thuốc chống động kinh khi bị sốt cao co giật để phòng.

Mỗi khi trẻ sốt, cha mẹ hãy bình tĩnh bởi sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Ảnh minh họa
Mỗi khi trẻ sốt, cha mẹ hãy bình tĩnh bởi sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Ảnh minh họa

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, sốt cao co giật thông thường không gây hại não, trừ các bệnh lý khác gây nên tình trạng này như viêm màng não, viêm não… Còn nếu là sốt cao do virus gây co giật thì sau vài chục giây, trẻ hết giật trở lại bình thường và không để lại di chứng cho não, không gây hại não. Vì thế, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng. Cơn sốt cao co giật lành tính không phải uống bất cứ thuốc gì.

Ngược lại, việc cho trẻ uống thuốc chống động kinh sau khi bị sốt cao co giật là điều hết sức tai hại. Bởi thuốc chống động kinh không có tác dụng dự phòng giúp việc ngăn ngừa trẻ lần sau sẽ tiếp tục bị sốt cao co giật. Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, loại thuốc này thường gặp một số tác dụng phụ như: Rối loạn tiêu hóa; rối loạn hệ thần kinh như nhức đầu, chóng mặt, căng thẳng, run tay chân, hoặc hiếu động thái quá ở trẻ nhỏ; rối loạn giấc ngủ… Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của xương, răng…

Những điều không nên làm khi trẻ sốt co giật

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi trẻ đang co giật phụ huynh cần bình tĩnh vì hầu hết các cơn co giật đều không nguy hiểm đến tính mạng. Di chứng cơ bản nhất là tình trạng thiếu ôxy ở não. Phụ huynh cần tìm cách làm cho nhớt từ miệng trẻ chảy ra để không làm thiếu ôxy, bằng cách bế nghiêng người trẻ hoặc cho trẻ nằm nghiêng sang bên để nếu có đờm dãi sẽ chảy ra ngoài, tránh tình trạng đờm rãi rơi vào phổi dẫn tới tắc thở. Nới rộng quần áo cho trẻ, để yên một vài phút trẻ sẽ qua cơn co giật.

 

+ Tuyệt đối không vuốt, day ngực hay xúm quanh trẻ đông người, phải để cho thoáng khí cho trẻ thở, không lay trẻ.

+ Không vội vàng di chuyển trẻ đang bị co giật đến nơi khác vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ mà nên đặt trẻ nằm xuống, giúp ôxy dễ bơm lên não, giảm cơn co giật hay trấn tĩnh lại sớm hơn.

+ Tránh chèn ngay một vật dụng nào đó vào giữa hai bên răng mục đích để em bé không cắn lưỡi. Trẻ chỉ bị giật trong vài giây hoặc vài chục giây nên điều này là không cần thiết và không có ý nghĩ trong cấp cứu. Việc đưa bất kỳ vật lạ nào vào miệng trẻ như que, muỗng… có thể làm rách nướu, lưỡi của trẻ.

Hay việc đưa chất lỏng vào miệng trẻ lúc này cũng nguy hiểm vì trẻ không có phản xạ nuốt và chất lỏng có thể rơi vào đường hô hấp của trẻ gây viêm phổi. Ngay việc vắt chanh vào miệng trẻ cũng vô tình làm tình trạng bệnh trở nặng hơn vì có thể gây nguy cơ hóc dị vật hay thức ăn vào đường thở, gây ngạt, tắt đường thở, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Hãy bình tĩnh, để trẻ qua cơn co giật, cằm của trẻ sẽ mềm ra. Sau đó, chúng ta có thể cho khăn xô vào khóe miệng trẻ đề phòng trừ cơn sau co giật sau. Sau khi xử trí trẻ hết co giật, phụ huynh mới cho trẻ đi tới các bệnh viện, cơ sở y tế khám để xem trẻ có biến chứng gì khác ngoài sốt không.

 

ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, co giật do sốt cao là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong độ tuổi từ 6 tháng đến dưới 6 tuổi. Sốt co giật cũng dễ tái phát. Để phòng ngừa co giật cần phải hạ sốt cho trẻ thật tốt.

Sốt không phải là một căn bệnh riêng biệt như nhiều người lầm tưởng. Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Có những nguyên nhân gây sốt do nhiễm khuẩn cũng có những nguyên nhân gây sốt rất đơn giản như trẻ bị ủ ấm quá mức, sau khi tiêm chủng hoặc do bị chấn thương, phỏng, mọc răng…

Nếu trẻ chỉ bị sốt đơn thuần (sốt không đi kèm các triệu chứng nhiễm khuẩn và chỉ đơn thuần là tăng thân nhiệt), thì có thể để tự nhiên, không can thiệp gì, cơ thể cũng sẽ trở về thân nhiệt bình thường sau một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, sốt cao có thể khiến trẻ khó chịu và xuất hiện triệu chứng đau đầu, tim đập nhanh, gia tăng sự mất nước, muối và các vitamin trong nước. Thậm chí nếu sốt trên 38,5 độ C, trẻ dưới 5 tuổi có thể bị co giật. Các triệu chứng đi kèm này thường khiến các bậc phụ huynh sốt ruột, và muốn hạ sốt cho trẻ càng sớm càng tốt.

Hạ sốt bằng thuốc hạ sốt thông thường, như Paracetamol hoặc Ibuprofen theo đúng liều lượng, cân nặng và khoảng cách giữa hai lần uống thuốc ghi trong hướng dẫn sử dụng. Không nên lạm dụng viên thuốc hạ sốt nhét qua hậu môn. Có thể lần này nhét vào hậu môn, trẻ hạ sốt rất nhanh nhưng lần sau lại không hạ sốt nhanh. Nếu trong trực tràng của bé có phân, thuốc sẽ không là không tác dụng.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm