Đời sống

Sự khác biệt thú vị giữa Tết cổ truyền xưa và Tết thời công nghệ 4.0

DNVN - Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt. Đây chính là thời điểm giao hòa giữa năm cũ và năm mới. Sự kiện này có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Bên cạnh những nét đẹp lưu giữ phong tục xưa, xẫ hội phát triển người Việt lại có thêm những cách đón năm mới hiện đại hơn. Cùng xem sự khác nhau đó trong bài viết dưới đây.

Dịch vụ đổi tiền lẻ lại “nóng” khi Tết Nguyên đán cận kề / Đào rừng của người dân tự trồng, vẫn được bán chơi Tết

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri…

Bên cạnh những nét đẹp lưu giữ phong tục xưa, người Việt lại có thêm những cách đón mừng năm mới theo thời đại công nghệ 4.0, chúng ta cùng xem sự khác nhau giữa tết xưa và nay trong lòng người Việt.

Người xưa ăn Tết

Với những người Việt Nam xưa, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, mỗi độ Tết đến xuân về mọi người sẽ mong có một cái Tết “cơm no áo ấm”.

Ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, người dân thường hay nuôi lợn. Ở dưới quê nhiều năm về trước lợn thường được nuôi bằng bèo tấm, cây chuối, khoai lang… mà không hề biết đến cám tăng trọng là gì. Vì vậy để nuôi được một con lợn 50-60kg để cùng nhau “đụng” (chung nhau) ngày Tết thì nhiều nhà phải mua giống nuôi từ đầu năm.

Việc gói bánh chưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mọi người đã lo mua gạo nếp, đậu xanh… để sẵn. Thậm chí lá dong, lạt buộc… cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm. Không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp khi nhà nhà cúng ông Công ông Táo lên chầu Trời. Ngày 24 trở đi đã rộn rã lắm rồi, trẻ con mua pháo lẻ ở chợ về đốt chơi đì đùng ở sân đình. Người lớn đi tạ mộ ông bà cụ kỵ; lau dọn bàn thờ tổ tiên; tổng vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm… Từ 27 đến 30 tháng Chạp, nhà nhà lo mổ lợn, gói bánh chưng, bánh tẻ, nấu kẹo lạc, làm bỏng mụn….

Chỉ có một số ít gia đình quan lại và dân phố phường, thành thị là ăn Tết có cao lương mĩ vị đắt tiền, còn đại đa số người dân lấy bánh chưng, thịt lợn làm cơ bản để cúng và ăn Tết. Nhà đông người hay có điều kiện thì mổ một con lợn, nhà ít người hoặc nghèo thì chung nhau hai, ba, bốn nhà một con.

Bánh chưng là món ăn ngon, hạt gạo tự mình làm ra chẳng cần đong đếm. Song ngặt một nỗi là chiếc nồi đồng luộc được ba bốn chục bơ gạo bánh, trong làng chỉ có năm bẩy nhà giàu sắm được.

Vì vậy phải mượn chuyền tay nhau, phải dạm trước với nhà chủ để còn sắp xếp. Có nhà luộc bánh từ sáng ngày 27, nhà mượn cuối cùng là chiều 30, tính đếm sao cho kịp trả nồi trước lúc gia chủ thắp hương đón giao thừa, tiếng pháo nổ rền mừng năm mới.

Người xưa ăn Tết (ảnh minh họa).

Người xưa ăn Tết (ảnh minh họa).

Khâu chuẩn bị cuối cùng là món tiền lẻ để mừng tuổi cho trẻ con. Trước tiên là sáng mùng Một mừng tuổi cho con cháu trong nhà, sau đó bất cứ đứa trẻ nào đến chơi cũng được mừng tuổi. Trường hợp có bổn phận phải đến chúc Tết các bậc vai vế bề trên, thì cũng cần mang theo tiền lẻ để mừng tuổi cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh sắm sửa Tết cho nhà mình, người xưa còn chuẩn bị đồ lễ, biếu. Con cháu khi đã ra ở riêng, dù xa xôi cách trở, cũng tìm về lo liệu biếu Tết cho ông, bà, cha mẹ, nhiều ít tuỳ hoàn cảnh sinh sống; học trò, dù có trở thành ông nghè, ông cống, bia đá có đề tên thì cũng nhớ về thăm thầy cũ.

Có thể thấy, công việc chuẩn bị cho Tết nhiều công đoạn và vất vả là vậy, nhưng mọi người ai nấy đều vui mừng háo hức

Ngày nay chơi tết

Cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt lợn, gà… thì nay bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ, thịt cá là những thức ăn hàng ngày.

Ngày nay, người ta đơn giản việc “ăn Tết” bằng khái niệm “đón Tết”! Cuộc sống hiện đại, mức sống được nâng cao, con người không chỉ mong một cái Tết no đủ như trước mà Tết là để “ăn ngon, mặc đẹp”. Dân mình có xu hướng tận dụng những ngày nghỉ Tết để nghỉ ngơi và đi du lịch - “đón Tết” ở một nơi xa… Thời gian vui tết ngắn hơn xưa nhiều!

Do đó, đây không còn là những món ăn đặc biệt, cơ bản trong ngày Tết nữa. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh chưng nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết.

Ngày nay chơi tết (ảnh minh họa).

Ngày nay chơi tết (ảnh minh họa).

Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống… đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, chỉ vài cú click chuột hay đôi cuộc điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều đến tay.

Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, còn có xu hướng đi du lịch của những gia đình hiện đại. Nếu như trước đây, Tết là cơ hội để cho mọi người được ăn ngon mặc đẹp, thì nay, người ta dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch…

Cuộc sống ngày càng thay đổi và những cái Tết cũng không giống nhau qua mỗi thời. Bên cạnh những “cái Tết online”, giữa dòng chảy hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình vẫn lưu giữ hương vị Tết cổ truyền qua việc đi chợ Tết, gói giò, nấu bánh chưng, bày khay mứt, ô mai… để con cháu được trải nghiệm Tết một cách trọn vẹn.

Có thể đâu đó vẫn còn có những thay đổi giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại bởi khoảng cách thế hệ nhưng sự đan cài đó cũng là một cách thức để mỗi người có một cái nhìn về Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình. Và dù có thế nào thì luôn có những điều không thể thay đổi: Tết vẫn là dịp gia đình sum vầy, người người nhà nhà đều mong muốn trở về với gia đình, dành cho bố mẹ, ông bà những tình cảm, lời chúc chân thành từ tận trái tim.

Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt; là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như: ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay, chúc nhau “vạn sự như ý”, “phát lộc phát tài”… Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Thiên An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm