Tâm sự của người vợ trẻ trong ngày tết Dương lịch thực sự khiến cánh mày râu phải suy nghĩ lại cách làm con rể, làm chồng của mình.
Chuyện nội ngoại sau khi kết hôn luôn là vấn đề đau đầu của chị em. Làm thế nào để chu toàn với nhà nội, trọn vẹn cách làm dâu nhưng cũng phải không quên bố mẹ mình là điều khiến nhiều nàng dâu luôn suy nghĩ. Nhưng phụ nữ luôn biết cách ứng phó với chuyện này vì họ vốn đơn giản, không phải đàn ông mà gia trưởng. Vả lại phụ nữ sau khi lấy chồng luôn nặng gánh nhà chồng, đối với gia đình bố mẹ đẻ còn chưa chắc đã chu đáo bằng. Chỉ là đàn ông không phải ai cũng hiểu và đối xử công bằng đối với cả 2 bên nội ngoại.
Giống như người chồng trong câu chuyện này, chỉ vì thói gia trưởng mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bố mẹ mình còn bố mẹ vợ thì bị thờ ơ, thậm chí khó chịu khi vợ ra mặt đối đãi với nhà mẹ đẻ của mình. Chính câu chuyện này và cách ứng xử của người vợ đã giúp nhiều người nhận ra đàn ông có đôi lúc ích kỉ hơn phụ nữ và cần phải học cách đối xử công bằng giống như phụ nữ đã làm.
Cách ứng xử thông minh của người vợ trẻ đã được chi em tán thưởng. Tâm sự được ghi lại như sau:
"Em với lão kết hôn tính tới nay cũng được 3 năm. Cưới xong là chúng em mua nhà ở riêng, kinh tế độc lập không phải nhờ bố mẹ hai bên. Công việc của em áp lực nhưng thu nhập được. Lão nhà em thì cũng chỉ gọi là túc tắc tháng trên dưới chục triệu.
Em ghét nhất lão nhà em ở cái tính gia trưởng, vô tâm với bên ngoại. Lão có lối suy nghĩ cực kỳ bảo thủ. Lão cho rằng phụ nữ lấy chồng là hết. Lúc nào lão cũng bắt em phải chuyên tâm lo cho gia đình nhà chồng. Ngược lại, với nhà ngoại thì lão lại cực kỳ thờ ơ. Cũng vì chuyện này mà em với lão cãi nhau lên xuống không biết bao nhiêu lần.
Được cái em tự chủ về kinh tế nên em cũng không 'ngán'. Chồng thì chồng, đúng em mới nghe, sai còn lâu em mới chịu. Giống kiểu đợt đầu cứ cuối tuần là lão bắt em phải về nhà bố mẹ chồng cơm nước cả 2 ngày thứ 7, chủ nhật. 1 tháng 4 cái cuối tuần đều về nhà nội, vợ động bảo đưa con về ngoại là lão trợn mắt: 'Bố mẹ mong cả tuần để được ăn bữa cơm con dâu nấu, em không biết suy nghĩ hay sao mà động tý đòi về ngoại'.
Nghe lão nói mà em lộn cả ruột, lão làm như thể con gái lấy chồng là biến mất luôn khỏi thế giới nhà ngoại ấy. Trong khi nhà bố mẹ em cũng gần ngay đấy chứ xa xôi gì cho cam. Em đồng ý là phải quan tâm chăm sóc bố mẹ chồng, song cái gì cũng phải cân xứng. Chả lẽ bố mẹ em đẻ con gái như không. Vậy là em cũng hất hàm bảo lão luôn: 'Thế ông bà ngoại không mong con mong cháu chắc?'.
Nắn mãi lão cũng đỡ bắt bẻ em chuyện đi lại giữa hai bên nội ngoại. Song đợt gần đây em phát hiện lão hay giấu vợ đưa tiền cho bố mẹ lão. Nói thật, trước giờ em không phải đứa tiếc tiền với nhà chồng. Song lão biếu xén gì thì cũng phải nói qua với vợ vì kinh tế là của chung. Đấy là còn chưa nói tài chính vợ chồng chủ yếu em phải gánh chứ lương lão chỉ đủ đóng tiền học cho con với lão đi lại ăn trưa là hết.
Thế mà vài ngày lão lại đưa tiền cho ông bà nội, trong khi ông bà ngoại cấm bao giờ thấy lão chủ động biếu 1 hào, hay đơn giản chỉ là gói bánh. Em phát hiện chuyện này là do mấy lần mẹ chồng em nói hớ, kiểu em biếu xong bà bảo: "Ô, thằng T. mới đưa cho mẹ hôm trước mà…".
Cú nhất là hôm cuối tuần vừa rồi lão nhận tiền thưởng quý, tiền Tết Dương lịch được hơn chục triệu, lão mang biếu hết bố mẹ. Tuyệt đối lão không nói với em 1 câu, cũng không trích lại 1 đồng biếu ông bà ngoại. Tối ấy nghe lão nói chuyện điện thoại với mẹ lão em mới biết.
Nói thật lúc nghe lão nói chuyện, em thất vọng về chồng tột độ nhưng vẫn lặng im như không. Tới trưa hôm sau, hai vợ chồng ngồi ăn cơm, lão hỏi em năm nay được thưởng Tết Dương lịch không mà không thấy kể. Em cười tươi bảo: 'Được 2 chục nhưng em mua sâm Hàn Quốc biếu ông bà ngoại cả rồi".
Lão nghe trợn mắt: 'Em ăn ở kiểu gì thế. Kinh tế là của hai vợ chồng thế mà lương thưởng bao nhiêu không bảo với chồng, lại còn mua đồ biếu Tết bố mẹ đẻ không biếu bố mẹ chồng. Em làm vợ, làm con dâu thế à?'.
Em biết kiểu gì lão cũng nói thế, vậy là em buông đũa cười tươi đáp lại: 'Em chỉ noi gương cách sống của chồng thôi. Chẳng phải anh cũng nhận thưởng rồi mang biếu hết ông bà nội, có thèm nói gì với em, cũng có nghĩ gì tới bố mẹ vợ.
Thế cũng hay, từ nay cứ anh lo cho ông bà nội, em lo cho ông bà ngoại, chẳng ai phải báo cáo với ai cho nhàn. Mà anh nên nhớ, ở sao hưởng vậy, anh cũng có con gái, sau này anh cũng là bố vợ đó'.
Lão nghe em nói mà tím mặt không nói được câu nào. Tối ấy em cũng không thèm nói chuyện với lão, ôm con quay vào tường ngủ. Sáng nay lão đang chuẩn bị đi làm thì mẹ chồng em gọi cho lão khoe hôm qua được con dâu mua tặng hộp sâm nhung Hàn Quốc. Lúc đó lão mới ớ người đỏ mặt xấu hổ hiểu ra là em chỉ 'dằn mặt' lão, chứ thực tình em ăn ở hai bên nội ngoại công bằng như nhau, không như lão. Vậy là lão phải 'xuống nước' mà làm lành với em các chị ạ".
Cách hành xử của cô vợ thực sự khiến anh chồng phải câm nín. Đúng là chuyện nội ngoại khó nói nhưng đàn bà phải bản lĩnh như cô vợ trẻ này thì mới được chồng tin yêu. Bố mẹ nào cũng là bố mẹ mình, bố mẹ vợ cũng là người vợ kính trọng, yêu quý, là người sinh ra vợ mình, đã yêu vợ thì phải thương yêu gia đình nhà vợ, bố mẹ vợ, đó mới chính là người đàn ông chân tình và xứng đáng làm chồng, làm con rể.
Sau bài học này, anh chồng có lẽ đã ngộ ra nhiều điều và cũng có cái nhìn khách quan hơn, công bằng đối đãi với đôi bên nội ngoại. Đây cũng là lời nhắc nhở tới tất cả cánh mày râu không riêng gì anh chồng trong câu chuyện.
Theo Thanh Anh/Vietnamnet