Đời sống

Thanh niên truy sát bố mẹ người yêu do bị ngăn cấm: Những lưu ý cho các bậc cha mẹ khi ngăn cản tình yêu của con

Chỉ vì bố mẹ người yêu ngăn cấm tình yêu mà mới đây, một thanh niên ở tỉnh Quảng Ninh đã cầm dao truy sát các đấng sinh thành của người mà anh ta yêu. Chấp nhận tình yêu con trẻ hay ngăn cản đang là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu.

Phụ nữ nên biết "ích kỷ" hơn với tiền bạc của mình để bảo vệ gia đình / Bố chồng khó tính khiến nàng dâu khó ở


Ảnh minh họa.

Càng cấm, càng yêu như thiêu thân

Cụ thể vào khuya ngày 5/10, sau khi đi uống rượu về, Nguyễn Anh Tuấn (20 tuổi, ngụ phường Cao Thắng, TP Hạ Long) đã cầm dao sang nhà người yêu rồi đuổi chém bố mẹ của bạn gái khiến cả hai bị thương nặng và được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Xuân Thoa (48 tuổi) và bà Hà Thị Thanh Thúy (44 tuổi, cùng trú tại phường Hà Tu, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Tuấn đã bị khống chế và bắt giữ ngay tại hiện trường và đưa về trụ sở Công an TP Hạ Long để điều tra.

Trong thực tế, việc cha mẹ ngăn cản hay cấm con yêu xảy ra trong đời sống từ xưa, không phải bây giờ mới có. Vì lo lắng cho con, vì không môn đăng hộ đối, vì không muốn con mình gửi gắm cả cuộc đời cho một người mà bản thân họ nhận thấy không xứng đáng. Vì vậy, đã có không ít các bậc cha mẹ đã tìm mọi cách để ngăn trở tình yêu đôi lứa của con. Mục đích của việc ngăn cấm của các bậc phụ huynh thường không sai. Vì việc ngăn cấm đều xuất phát từ tình thương yêu của cha mẹ với con. Không những vậy, bằng kinh nghiệm trường đời, họ phần nào có thể nhận định được bạn trẻ nào là người có thể mang lại hạnh phúc cho con mình, bạn trẻ nào chỉ mang lại đau khổ cho con của họ. Mặc dù xuất phát điểm là tốt nhưng do không có kỹ năng ứng xử nên khi ngăn cấm tình yêu của con, các bậc phụ huynh đã vô tình khiến cho mọi việc càng trở nên trầm trọng hơn.

Chị Minh, nhân viên văn phòng ở Hà Nội kể rằng: "Hồi tôi học lớp 12, tôi cũng thích một bạn học cùng khối. Cả hai chưa đi quá giới hạn, mới dừng lại ở mức cầm tay, hôn môi. Một hôm, khi tôi và bạn ấy đang hôn nhau thì bị mẹ nhìn thấy, thế là từ đó mẹ cấm tiệt không cho bạn trai đến nhà học cùng. Từ ngày bị bố mẹ cấm, tôi càng yêu bạn đó mãnh liệt hơn. Tôi xem người đó như là lẽ sống của mình. Thậm chí, tôi còn có ý nghĩ tự tử nếu bố mẹ cương quyết ngăn cấm không cho hai đứa đến với nhau. Lúc đó tôi nghĩ tình yêu của tôi là vĩnh cửu, không gì có thể chia cắt nổi".

Nhưng đến khi vào học đại học, khi đó bố mẹ không ngăn cấm nữa, chị và bạn trai được tự do gặp gỡ thì chị lại thấy tình yêu nhạt dần đi. Hai người chia tay. Mãi đến cuối năm học đại học, tức sau đó 4 năm chị mới lại yêu và đó là người chồng của chị bây giờ.

Kể câu chuyện đó, chị Minh cho rằng, việc bố mẹ ngăn cấm tình yêu của con trẻ thường có tác dụng ngược lại. Bởi tuổi trẻ là lứa tuổi đang thích được khẳng định nên nếu bố mẹ càng cấm, chúng càng lao vào, thậm chí lao vào như con thiêu thân không còn biết phân biệt tốt xấu. Rất nhiều bi kịch của các đôi bạn trẻ xảy ra đã chứng minh cho thấy rất rõ hậu quả của việc ngăn cản tình yêu của con trẻ.

Chấp nhận thay vì đối đầu

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, thực ra rất cần thông cảm và chia sẻ với các bậc làm cha làm mẹ khi họ ngăn cấm tình yêu của con mình. Nhiều phụ huynh khi biết con mình yêu đương, nhất là khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, họ thường bị rơi vào tâm lý bất an, lo lắng và có những phản ứng phản tác dụng như việc công khai ngăn cấm là một ví dụ.

TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, giới trẻ ngày nay đang được giáo dục phát triển cái tôi cá nhân nên việc cấm cản các yêu đương sẽ càng khiến cho vấn đề trở nên khó giải quyết theo cách mà các bậc phụ huynh mong muốn. Cách tốt nhất, muốn "chia cắt" tình yêu của đôi trẻ, điều trước tiên cha mẹ cần phải chấp nhận con và làm bạn với chúng.

Theo các chuyên gia tâm lý, cách giải quyết ôn hòa nhất đó là cha mẹ nên tỏ ra ủng hộ con. Ủng hộ ở đây không có nghĩa là con phép con yêu một cách thoải mái mà là tôn trọng những cảm xúc của con. Khi thấy con có những biểu hiện khác thường, bố mẹ nên quan sát và trò chuyện, tâm tình, gợi mở để con kể, đừng để mình là người biết sau cùng mọi chuyện về con. Cách bố mẹ đối mặt với vấn đề sẽ góp phần quan trọng vào việc con có mở lòng chia sẻ, lắng nghe lời khuyên, định hướng từ bố mẹ hay lại càng chống đối, trốn vào thế giới riêng và tự làm điều mình cho là đúng.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý tình cảm 1088 cho biết, trên thực tế không ít phụ huynh tìm cách cấm, ngăn cản khi biết con có bạn trai, bạn gái, thậm chí có người chuyển trường, kiểm soát chặt chẽ giờ giấc bằng cách đưa đi, đón về và không cho con gặp gỡ người bạn của mình. Đây là cách làm không hay, phản cảm và dễ dẫn đến hành vi chống đối từ phía con trẻ. Ngày nay, giới trẻ thường phát triển sớm hơn thời cha mẹ về mặt tâm sinh lý. Cha mẹ cần hiểu điều đó là một thực tế không thể chống lại được. Do vậy, điều cần thiết là cha mẹ cần tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý đó của con. "Mình chỉ có thể làm bạn với con và giúp con nhận ra cái gì tốt, cái gì xấu và để cho trẻ được tự quyền quyết định. Đừng đưa mình vào thế đối đầu trẻ. Muốn trẻ theo ý mình, cha mẹ phải làm sao trở thành người ủng hộ đắc lực của chúng. Sau đó tự tìm phương án để đôi trẻ không còn ở gần nhau. Thời gian sẽ làm thay đổi mọi thứ, kể cả tình cảm của đôi trẻ", chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm