Đời sống

Thói quen bẻ khớp kêu răng rắc: Chuyên gia cảnh báo sướng tai nhưng hại thân

Theo chuyên gia y tế, thói quen bẻ các khớp tay, chân,... tạo những tiếng kêu răng rắc có thể huỷ hoại các khớp xương.

Bất ngờ những thói quen này lại là lý do gây ra nếp nhăn cho bạn / 5 thói quen khiến tóc dưỡng mãi vẫn rụng lả tả

Nguy hiểm nếu tự bẻ khớp

Gần đây, mạng xã hội chia sẻ nhiều clip bẻ khớp với những tiếng kêu răng rắc với quảng cáo sẽ mang lại cho người được trị liệu cảm giác thoải mái hơn.

Chị Nguyễn Thị H. (Hà Nội) chia sẻ chị làm công việc văn phòng, phải ngồi nhiều nên cứ đến chiều chị lại cảm giác mỏi người, vô cùng khó chịu. Chị Hoà lên mạng xã hội học các cách bẻ khớp để tự làm. Mỗi lần vặn lưng, cổ chị lại nghe tiếng răng rắc từ các khớp và cảm thấy dễ chịu hơn.

Không riêng chị H., anh Đào Đức D. (Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ, trong công ty anh mọi người thường tự bẻ khớp cho nhau để giảm cảm giác ê ẩm khi phải ngồi lâu.

Thói quen bẻ khớp kêu răng rắc: Chuyên gia cảnh báo sướng tai nhưng hại thân - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Theo BS Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược Cơ sở 3, TP.HCM, trào lưu bẻ xương khớp như vậy rất nguy hiểm. Bác sĩ Vũ cho biết tiếng rắc rắc phát ra bất cứ khi nào các khớp của cột sống được điều khiển lệch rồi sau đó trở về ngay vị trí bình thường của chúng. Chính vì thế, khi các khớp có chuyển động như vậy, chúng có thể tạo ra âm thanh hoặc tiếng rắc kèm theo cảm giác thoải mái, giãn cơ do giảm áp lực đột ngột.

Khi nắn chỉnh xương khớp, tiếng kêu rắc rắc là một hiện tượng vô hại. Hiện tượng này phổ biến, miễn là không gây đau đớn hoặc không có vấn đề đáng lo ngại gì khác.

Bác sĩ Vũ cho hay trên thực tế, khi bác sĩ thực hiện việc nắn chỉnh, nếu không có tiếng kêu "rắc rắc" thì không có nghĩa là việc nắn chỉnh không hiệu quả. Nhiều bệnh nhân rất thích nghe tiếng kêu "rắc rắc" này. Đó là một yếu tố tâm lý, mang đến cho họ sự thoải mái, chừng nào chưa nghe tiếng "rắc rắc" thì chưa thấy khoẻ. Một số nơi thực hiện nắn chỉnh xương khớp có thể để thoả mãn nhu cầu này của khách hàng mà sẽ thực hiện kỹ thuật ở những vị trí dễ phát ra tiếng kêu thay vì chú trọng vào việc điều trị sao cho đúng.

Hệ luỵ nguy hiểm từ việc bẻ khớp xương

Việc thực hiện phương pháp trị liệu "bẻ khớp xương" cần tuân thủ nhiều quy tắc đảm bảo an toàn chứ không phải ai cũng có thể làm được. Bác sĩ Vũ cho biết người thực hiện thao tác này phải là thầy thuốc được đào tạo và có chuyên môn, có kiến thức về các bệnh lý cơ xương khớp.

 

Thầy thuốc phải nắm bắt được tình trạng sức khoẻ của người bệnh, có chẩn đoán rõ ràng mới tiến hành điều trị. Khi thực hiện trị liệu, thầy thuốc phải nắm được biên độ vận động của khớp cũng như các trường hợp chỉ định và chống chỉ định, kỹ thuật được phép thực hiện tại mỗi vùng cơ thể của người bệnh.

Ở những người bệnh bị loãng xương, lao xương hoặc ung thư xương, nếu nắn chỉnh quá mạnh có thể gây gãy xương. Các vết gãy xương này có thể gây đau hoặc mất máu và ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Bác sĩ Vũ cho biết bẻ khớp sai cách có thể dẫn tới các biến chứng vô cùng nghiêm trọng như tổn thương dây thần kinh, tổn thương động mạch, đặc biệt là ở vùng cổ. Vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não. Thao tác bẻ khớp xương sai cách có thể gây chấn thương vùng cổ, từ đó gây yếu hoặc liệt tứ chi và có thể làm tổn thương mạch máu, tạo các cục máu đông đi vào não gây tai biến. Ngoài ra, tình trạng căng cơ, đau đớn kéo dài có thể xảy ra nếu bẻ khớp xương sai cách.

Lạm dụng việc nắn chỉnh khớp xương quá nhiều cũng gây giãn dây chằng và phá huỷ các cấu trúc khớp xương, tăng nguy cơ thoái hoá, chèn ép dây thần kinh.

Bác sĩ Vũ cũng lưu ý không nên tác động đến cột sống hoặc phải thật thận trọng đối với bệnh nhân loãng xương hoặc có triệu chứng của bệnh lý thần kinh như dị cảm, liệt chi. Bẻ khớp xương cũng chống chỉ định trong các trường hợp như thoát vị đĩa đệm cấp, tiêu xương, rối loạn chuyển hoá xương.

 

Phương pháp nắn xương khớp nếu được kết hợp với vật lý trị liệu sẽ phát huy được tối đa hiệu quả điều trị, đặc biệt trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau cổ, thoái hóa cột sống, phục hồi chức năng các khớp sau phẫu thuật hoặc đột quỵ.

Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện phương pháp nắn, bẻ xương khớp, người bệnh cần tìm hiểu và chọn lựa cơ sở trị liệu uy tín với các bác sĩ có chuyên môn kỹ thuật được cấp phép hành nghề. Theo bác sĩ Vũ, tốt nhất người bệnh nên thực hiện phương pháp này tại các bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình hoặc chuyên khoa xương khớp.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm