Đời sống

Thói quen khiến trí thông minh ngày càng suy giảm

Nhiều thói quen không tốt bị duy trì quá lâu của dân văn phòng là nguyên nhân khiến trí thông minh giảm sút.

Ngồi một chỗ quá lâu

Thói quen khiến trí thông minh ngày càng suy giảm

Ngồi nhiều trong một thời gian dài sẽ lười vận động.

Khi một người ngồi lỳ trong thời gian dài (những nhân viên văn phòng chiếm số đông), họ sẽ có cảm giác khó chịu ở vai và cổ, trải qua những cơn đau lưng. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả tác hại của tình trạng lười vận động.

Theo các nghiên cứu, nếu ngồi quá lâu, bạn có thể bị sa sút trí nhớ. Thêm vào đó, thói quen xấu này có thể tác động tới các khu vực lưu giữ thông tin trong não người lớn. Bởi vậy, duy trì một khối lượng tập luyện nhất định sẽ giúp chúng ta có một trí nhớ tốt hơn.

Thiếu ngủ thường xuyên

Giấc ngủ rất quan trọng bởi giúp phục hồi các chức năng của cơ thể. Nếu bạn ngủ ít, các cơ quan và mô của cơ thể sẽ lão hóa nhanh hơn.

Các chuyên gia của Trường Y Đại học Quốc gia Singapore đã tiến hành chụp não, đánh giá tâm lý học thần kinh và ghi nhận thời gian ngủ. Họ nhận thấy người ngủ ít hơn sẽ có não thất giãn to cùng với nhận thức suy giảm. Bởi vậy, thiếu ngủ không chỉ khiến cho da xấu hơn mà còn khiến bạn trở nên “ngốc nghếch”.

 

Hút thuốc

Theo nghiên cứu của Đại học California (Mỹ), thói quen hút thuốc sẽ tăng gấp đôi nguy cơ bệnh Alzheimer. Không chỉ vậy, những ai ở quanh người hút thuốc cũng có nguy cơ bị mắc bệnh cao hơn.

Ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn

Ăn quá nhiều chất béo bão hòa như thịt lợn xông khói, bánh mì nướng bơ và trứng chiên có thể cản trở chức năng của chất dopamine - chất dẫn truyền thần kinh quan trọng chịu trách nhiệm tạo ra động lực cho cơ thể. Các nghiên cứu trên chuột và các động vật khác cho thấy, chế độ ăn nhiều chất béo làm suy yếu khả năng nhận thức, khả năng phản ứng, phá hoại trí nhớ và mang lại cảm giác suy nhược, buồn rầu...

Nghiên cứu của Đại học Montreal còn phát hiện ra rằng, chế độ ăn giàu chất béo có thể gây ra “sự suy nhược chức năng tuần hoàn não, biểu hiện qua các triệu chứng rối loạn tâm trạng, nghiện thuốc và ăn uống quá đà”. Giống như chất gây nghiện heroin, bạn càng ăn nhiều chất béo bão hòa, bạn càng mong muốn ăn thêm nhiều nữa.

 

Làm quá nhiều việc cùng lúc

Earl Miller, một chuyên gia về phân tán nhận thức và là nhà thần kinh học tại Học viện Công nghệ Massachusetts cho rằng: “Não bộ không được lập trình để giải quyết nhiều việc cùng một lúc. Khi mọi người làm nhiều việc cùng lúc, họ chuyển từ một công việc này sang công việc khác quá nhanh và mỗi khi họ chuyển sang một việc khác, khả năng nhận thức, suy nghĩ sẽ bị mất đi phần nào".

Điều đó có nghĩa là chúng ta dùng hết lượng glucose (năng lượng não bộ) nhanh hơn, từ đó khiến não chúng ta mệt mỏi nhanh hơn. “Làm nhiều việc cùng lúc ngăn trở những suy nghĩ sâu sắc và sáng tạo vì chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu mỗi lần chúng ta thay đổi hoạt động. Từ đó, những suy nghĩ của chúng ta sẽ ít sáng tạo hơn và nông cạn hơn” - ông Miller giải thích.

Khi chúng ta ôm đồm quá nhiều việc, não bộ sẽ sản xuất ra quá nhiều chất cortisol (hormone gây căng thẳng) và adrenalin (hormone gây cảm xúc). Những loại hormone này đều ngăn cản những suy nghĩ rõ ràng.

Chỉ tra thông tin bằng Google

 

Có được thông tin mọi lúc mọi nơi chỉ với vài thao tác trên điện thoại hoặc máy vi tính vừa là một sự tiện lợi, vừa là một nguyên nhân gây nguy hại cho não bộ. Do có thể truy nhập Google dễ dàng, chúng ta không cần phải ghi nhớ số điện thoại, công thức món ăn, tên tuổi, sự kiện nữa.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy, hiện nay chúng ta có xu hướng ghi nhớ rằng chúng ta đã lưu giữ thông tin đó ở đâu thay vì nhớ trực tiếp thông tin ấy. Nghiên cứu của Tập đoàn Microsoft cũng cho thấy, thời lượng tập trung của chúng ta đang suy giảm nghiêm trọng, từ khoảng 12 giây cách đây 15 năm nhưng giờ đây chỉ còn 8 giây.

Ăn quá nhiều đồ ngọt

Một nghiên cứu trên loài chuột của trường Đại học Calofornia (Mỹ) vào năm 2012 cho thấy, tiêu thụ quá nhiều fructose – một loại đường đơn được tìm thấy trong trái cây, mật ong và rau quả – có thể làm chậm hoạt động của não bộ. Nguyên nhân là loại đường này có thể tác động đến khả năng của insulin - một chất giúp tế bào não chuyển đổi đường thành năng lượng cho não bộ.

Nhưng ăn những chất béo giàu omega-3 (như hạt lanh, cá thu, cá trích, cá hồi) có thể giúp ngăn chặn quá trình này bằng cách bảo vệ các xinap – những đường dẫn hóa học trong não bộ. Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng, các tế bào não cần glucose để hoạt động nhưng ăn quá nhiều đồ ngọt trong một thời gian ngắn sẽ khiến lượng đường bị dư thừa và do đó khiến bạn cảm thấy bị kích thích quá mức.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo