Tỉnh nào nằm ở điểm cực bắc Việt Nam được coi là thiên đường của giới 'phượt'
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía bắc tỉnh giáp Trung Quốc; phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 7.884 km2. Điểm cực bắc của lãnh thổ Hà Giang, cũng là điểm cực bắc của Việt Nam nằm tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Cột cờ Lũng Cú - đỉnh cao nơi địa đầu Tổ quốc từ lâu trở thành cột mốc thiêng liêng, là điểm đến của du khách khi tới Hà Giang. Nằm trong khu vực vùng núi cao phía bắc lãnh thổ Việt Nam, Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, độ cao trung bình 800-1.200 m so với mực nước biển. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.419 m và ngọn Kiều Liêu Ti cao 2.402 m là những đỉnh núi cao nhất nhì tại đây.
Mã Pì Lèng (có âm đọc là Mã Pí Lèng) là tên gọi của cung đèo hiểm trở thuộc Hà Giang, dài khoảng 20 km, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Theo tiếng Quan Hỏa, tên gọi Mã Pì Lèng là "sống mũi con ngựa" theo nghĩa đen, nói rộng ra là miêu tả sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở; hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Đèo Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là cung đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía bắc, được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam. Con đường đèo uốn lượn qua những vách núi, vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng ở độ cao 2.000 m, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế. Để làm con đường này, hàng chục nghìn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam đã miệt mài đục đá, đối diện với những hiểm nguy trong 6 năm (1959-1965). Riêng đoạn qua Mã Pì Lèng, đội cảm tử phải treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường trong 11 tháng. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng cho người đi bộ và xe thồ, về sau được mở rộng hơn cho ôtô, nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo, hai xe ngược chiều rất khó tránh nhau. Sau khi hoàn thành, đường đèo Mã Pì Lèng với 9 khúc quanh uốn bên vách đá dựng đứng, dưới là vực thẳm hun hút đã trở thành kỳ tích được ví như một "Vạn Lý Trường Thành" của Việt Nam. Trên đỉnh đèo đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo, tưởng nhớ những người đã hy sinh để làm nên con đường Hạnh Phúc. 3 đại đỉnh đèo còn lại là: Ô Quy Hồ thuộc tỉnh Lào Cai, đèo Khau Phạ ở Yên Bái và đèo Pha Đin của Điện Biên.
Hà Giang có mật độ sông suối tương đối dày đặc. Các sông ở đây có độ nông sâu không đều, độ dốc lớn, nhiều ghềnh thác, ít thuận lợi cho giao thông thủy. Trong đó, sông Lô là con sông lớn, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Điểm cuối của sông là ngã ba Hạc ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ), nơi sông Lô hợp lưu với sông Hồng. Con sông này là nguồn cung cấp nước chính cho vùng trung tâm tỉnh Hà Giang. Đoạn sông Lô chảy ở Việt Nam dài 274 km, diện tích lưu vực là 22.600 km2. Đây là một trong 5 con sông dài nhất ở miền bắc Việt Nam gồm: sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu và sông Đáy. Ngoài sông Lô, Hà Giang còn có sông Chảy cung cấp nước chủ yếu cho khu vực phía tây của tỉnh; sông Gâm phục vụ nước chính cho phần phía đông. Con sông ngắn nổi tiếng ở nơi đây là Nho Quế chạy dưới đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ, được ví như "dải lụa màu xanh" giữa núi non trùng điệp. Sông Hồng và sông Đà đều không chảy qua tỉnh Hà Giang.
Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010. Cao nguyên có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn, các thung lũng, sông, suối bị chia cắt nhiều. Nơi đây, nhiều mẫu hóa thạch của các loài có tuổi cách đây 400-600 triệu năm đã được tìm thấy. Khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số của Việt Nam đang cư ngụ tại cao nguyên đá này. Với hàng loạt di sản về địa chất, địa tầng, kiến trúc cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, cao nguyên đá Đồng Văn mang một vẻ đẹp hoang sơ, tinh khiết và đầy bí ẩn. Gần 100 năm trước, ông Vương Chính Đức (1865-1947) là người duy nhất được đồng bào H'Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo, đã cho xây dựng một dinh thự nguy nga. Dinh thự được xây bằng đá xanh vĩnh cửu, gỗ thông núi đá rất cứng và chống mối mọt tốt. Vừa mang tính thẩm mỹ với những hoa văn rồng phượng tinh xảo khắc trên cửa gỗ, chân cột đá, dinh thự họ Vương còn như một pháo đài có khả năng phòng vệ và chiến đấu. Năm 1993, nhà Vương được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngôi nhà gần 100 năm tuổi này là điểm đến của du khách khi tới Hà Giang. Một điểm du lịch nổi tiếng khác nằm trên cao nguyên đá là khu phố cổ và chợ Đồng Văn, ở trung tâm thị trấn Đồng Văn. Nơi đây vẫn mang đậm nét đặc trưng với tường nhà rất dày bằng đá, hàng cột lớn, nhà xây một hoặc hai tầng mái lợp ngói trên những kết cấu vì kèo bằng gỗ chắc chắn. Trước cửa nhà đều có đèn lồng treo cao để thắp lên khi đêm xuống, xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt vùng cao nguyên đá. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức "Đêm phố cổ" vào các ngày 14-16 để tạo điểm nhấn văn hóa, thu hút khách du lịch.
Tam giác mạch là loài hoa của vùng núi phía Bắc, nhưng chỉ ở Hà Giang mới được trồng nhiều và đẹp nhất. Những cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác giữ ở giữa hạt mạch quý… Trong một tháng, hoa nở màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím, rồi cuối cùng là đỏ sậm. Không chỉ giúp phát triển du lịch, tam giác mạch còn cung cấp nguồn nguyên liệu để tạo ra lương thực, thực phẩm đặc sản. Hạt của loài cây này được người dân chế biến khéo léo thành loại bánh và thứ rượu đượm hương vị.Ngoài mùa hoa tam giác mạch vào tháng 10-11, mùa lúa chín ở huyện Hoàng Su Phì dịp tháng 9 cũng là điểm hút khách du lịch. Năm 2011, hơn 3.000 ha diện tích ruộng bậc thang tại 6 xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ (bản người Dao áo dài và người Nùng); xã Bản Phùng (bản người La Chí); xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty và Thông Nguyên (bản người Dao đỏ) đã được công nhận là di tích quốc gia.
Thắng cố đặc sản của người dân tộc H'Mông. Thắng cố được làm từ nguyên liệu chính là thịt và nội tạng ngựa hoặc bò được xào lăn rồi châm nước, ninh sôi liên tục nhiều tiếng, và gia giảm thảo quả, hạt dổi, củ sả… Món ăn này thường được làm trong những dịp quan trọng như ma chay, cưới hỏi. Người dân cũng nấu để bán ở chợ. Đàn ông H'Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Ngoài thắng cố, cam sành Bắc Quang cũng là đặc sản của Hà Giang. Quả cam to tròn, vỏ sần sùi, màu xanh, cho vị ngọt thanh, mọng nước, có mùi đặc trưng của vùng thổ nhưỡng không nơi nào khác có. Vì có cùi dày nên loại này có thể để được đến 20 ngày mà không bị hỏng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thấy con rể dành hẳn một tầng làm bàn thờ bố mẹ mình lại còn khấn mấy câu khó chịu, mẹ vợ lập tức tung đòn phủ đầu khiến anh câm nín.
Top 3 con giáp “lột xác” vào cuối tháng 12: Vượt qua khó khăn, đạt được phú quý
Từ ngày 25/12: 3 con giáp bứt phá vận mệnh, sự nghiệp thăng hoa, tài lộc dồi dào
Tử vi ngày 25/12/2024 của 12 con giáp: Tuổi Tỵ đối mặt thách thức, Tuất đón vận may trọn vẹn
Chấp nhận làm vợ lẽ, chăm sóc chồng ung thư suốt 3 năm với hy vọng đổi đời để rồi nhận lại cái kết phũ phàng
Không ngờ tiền gửi cho bố bị mẹ kế rút hết, tôi quyết định về quê một chuyến thì vỡ lẽ mọi chuyện