Đời sống

Tuyệt đối không tùy ý dùng thuốc nhỏ mắt khi bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể bắt nguồn khi một người trong gia đình mắc phải, sau đó lây ra cả nhà rồi lây lan ra cả cộng đồng.

Công dụng chữa bệnh từ cây ké đầu ngựa / Đau đầu, chóng mặt, đến bệnh viện mới biết có khối u trong não

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do virus Adenovirus hoặc do nhiễm trùng nhưng đa phần là do virus. Trong đó 65% - 90% nguyên nhân là do virus Adenovirus, ngoài ra có thể là virus Enterovirus gây ra. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia sau một hoặc hai ngày. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt còn lại.

Theo bác sĩ Trịnh Bạch Tuyết, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Quốc tế City, đau mắt đỏ rất dễ mắc phải, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần.

Mùa mưa là thời điểm dịch đau mắt có nguy cơ bùng phát mạnh và lây lan nhanh nhất. Dịch đau mắt đỏ thường xuất hiện vào tháng 6 - 7, hoặc chậm hơn thì bắt đầu vào tháng 9 do thời tiết ẩm thấp, thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của virus. Thông thường, dịch bệnh chỉ kéo dài khoảng một tuần rồi qua đi.

Cũng theo bác sĩ Trịnh Bạch Tuyết, bệnh nhân nhiễm dịch sẽ có biểu hiện là mắt đỏ và có gỉ, người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai. Các triệu chứng thường gặp là cảm giác khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều gỉ dính chặt. Gỉ mắt có thể màu xanh hoặc vàng tùy tác nhân gây bệnh. Hai mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu. Ngoài ra, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, sốt, đau họng, mắt nhức đau, nổi cộm, chảy nước mắt, đỏ, nhiều gỉ mắt, đau họng, ho hoặc tai xuất hiện hạch.

Để phòng bệnh khi đến dịch, ngoài việc thường xuyên vệ sinh cá nhân và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, bác sĩ Tuyết lưu ý: không dùng chung bất kỳ đồ dùng cá nhân hoặc dụng cụ vệ sinh nào như khăn rửa mặt, chậu rửa, gối, mền và nhất là lọ thuốc nhỏ mắt để tránh lây lan sang người khác. Ngay cả khi cả nhà cùng bị đau mắt đỏ cũng không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt. Tránh dụi tay vào mắt thường xuyên và đặc biệt không đi bơi trong giai đoạn có dịch.

 

Một khi đã được chẩn đoán là đau mắt đỏ, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng. Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, dùng các thuốc rửa mắt như nước muối 0,9%, sau đó tra dung dịch kháng sinh và mỡ kháng sinh như tobramyxin, ofloxaxin…

Bác sĩ Trịnh Bạch Tuyết khuyến cáo: tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ có chất Dexa hoặc dùng thuốc của người khác tra nhỏ khi bị bệnh, không tự ý dùng những bài thuốc cổ truyền như đắp lá trầu, lá dâu, lá nha đam, ếch nhái hoặc xông lá trầu vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm. Việc tự mua thuốc chứa corticoid về nhỏ mà không biết dùng nhiều có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn. Bệnh nhân đau mắt đỏ chưa đến mức phải dùng corticoid, nếu lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù mắt.

Theo vtv.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm