Khám phá

Đối thoại trực tuyến về đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đối thoại trực tuyến với độc giả trong cả nước về các nội dung xung quanh Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ”. Cuộc đối thoại nhằm cung cấp thêm cho độc giả những thông tin liên quan đến tình hình phát triển khoa học và công nghệ trong nước thời gian qua, những định hướng phát triển khoa học và c

 * Giải phóng sức sáng tạo của giới khoa học nước nhà

          Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Sau 7 năm thực hiện Đề án đổi mới khoa học và công nghệ, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Khoa học và Công nghệ và giới trí thức trong cả nước, ngoài những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều hạn chế cần được quan tâm giải quyết. Chính phủ đã nhận thấy những mặt hạn chế, yếu kém trong khoa học và công nghệ hiện nay đều xuất phát từ những vấn đề còn vướng mắc trong cơ chế chính sách, đặc biệt là việc giao quyến tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị nghiên cứu khoa học.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ”. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước, cũng như ý chí của Thủ tướng Chính phủ, đó là đã đến lúc phải đổi mới triệt để, giải phóng sức sáng tạo của giới khoa học nước nhà. 

“Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp thì phải tạo điều kiện để khoa học và công nghệ có đóng góp trí tuệ, để khoa học và công nghệ là quyết sách hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Với đội ngũ trên 3 triệu cán bộ có trình độ cao đẳng đại học, gần 10.000 giáo sư, phó giáo sư, gần 18.000 tiến sĩ, nước ta đã có rất nhiều kết quả nghiên cứu đã đăng ký công bố quốc tế hoặc đã công bố quốc tế. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội đối với giới khoa học còn hạn chế, nên kết quả vẫn chưa tương xứng với trình độ và đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của nước ta.

Khi đã là thành viên của WTO, chúng ta phải hội nhập với nền kinh tế quốc tế, vì vậy việc đăng ký sáng chế và công bố quốc tế là cần thiết để bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ của giới khoa học. Nếu Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thì chắc chắn chúng ta sẽ tăng nguồn thu từ các sáng chế vào năm 2016. Tương tự như vậy việc đăng ký sáng chế từ các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai... với đội ngũ cán bộ nghiên cứu như hiện nay sẽ khả thi.

* Thực hiện cơ chế đặt hàng các nhà khoa học

Trước câu hỏi của độc giả về lý do hiện nay có nhiều sáng kiến của nông dân được ứng dụng hiệu quả trong thực tế, trong khi đó đội ngũ khoa học Việt Nam dù rất đông đào mà chưa làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ: Tôi rất chia sẻ với ý kiến trên, tuy nhiên ý kiến đó chỉ đúng một phần thực tế, bởi trong số các nhiệm vụ khoa học có những nghiên cứu cơ bản. Các nghiên cứu cơ bản thường không thể ứng dụng được ngay, ít nhất phải vài năm mới có thể ứng dụng được. Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu không được ứng dụng mà nguyên nhân là do những nghiên cứu này không được Nhà nước đặt hàng, không phù hợp với tình hình thực tế.

               Quan điểm của Bộ là thực hiện nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng. Nhà nước, các Bộ, ban, ngành đặt hàng các nhà khoa học phục vụ việc phát triển khoa học và công nghệ cơ quan mình. Các doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học để ứng dụng vào chính doanh nghiệp của mình. Bộ cũng yêu cầu những đề tài nghiên cứu cần phải ghi rõ lượng đóng góp vốn và lợi ích của các bên trước khi trình Bộ ký duyệt đề tài.

 

                  Đối với những sáng kiến, đề tài nghiên cứu của nông dân, công nhân, thợ thủ công…, thời gian qua, Bộ đã tổ chức các hội chợ khoa học, mời những người có sáng kiến cải tiến khoa học đến giới thiệu sản phẩm của họ tới đông đảo nhân dân. Bộ sẽ có những hỗ trợ thông qua các Sở khoa học và công nghệ địa phương để sản xuất những sản phẩm đó ra thị trường và một số nông dân đã thành công khi thành lập doanh nghiệp.

Hiện tại, Bộ đã trình Chính phủ phương án hỗ trợ sáng kiến nhằm hỗ trợ người dân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong đó có hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ thương mại hóa... Khi Chính phủ phê duyệt, Việt Nam sẽ có nhiều sáng kiến thực tế được ra đời và ứng dụng rộng rãi.

* Mức đầu tư còn thấp

Trả lời câu hỏi của TS Lê Bình Quyền, Đại  học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về lý do nước ta còn ít các sản phẩm công nghệ cao trong khi trình độ nghiên cứu không thua kém nhiều nước tiên tiến trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Nước ta có đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo, trình độ cũng không thua kém các quốc gia khác thể hiện qua các kết quả học tập, nghiên cứu thời gian qua. Tuy nhiên, sản phẩm của chúng ta còn mang ít dấu ấn các sản phẩm khoa học, điều này do mức đầu tư cho khoa học của Việt Nam quá thấp.

            Tính theo bình quân đầu người mức chi cho khoa học ở Việt Nam dưới 10 USD trong khi mức đầu tư này xấp xỉ 1.000 USD ở Hàn Quốc, ở Trung Quốc mức đầu tư cũng cao hơn Việt Nam gấp 3 lần. Trong bối cảnh trên thế giới khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, nếu được đầu tư lớn, khoa học Việt Nam có thể  tiếp cận những công nghệ hiện đại. 

Hiện nay, ở nước ta, chỉ có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sản phẩm công nghệ cao, nhưng đó chưa phải cao nhất vì chúng ta có thể sản xuất ra những bản mạch 32bit nhưng để sản xuất ra những vi mạch, chip điện tử công nghệ cao hơn thì chưa có những doanh nghiệp nào có đủ điều kiện để làm.

Những năm qua ngành công nghiệp cơ khí nước ta bị suy giảm, trong khi để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng hiện đại thì nhất định phải có ngành cơ khí, nếu được đầu tư đúng mức sẽ tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao môt cách đồng bộ, đồng thời nội địa hóa sản phẩm có chất lượng quốc tế…

Tại cuộc giao lưu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời nhiều câu hỏi của các độc giả về nội dung, mục tiêu chính của Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ” từ nay đến năm 2020; công tác đổi mới; phương thức tổ chức thực hiện và xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở các cấp; việc đổi mới chính sách đầu tư tài chính; đổi mới chính sách trọng dụng sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ để phát huy tối đa tiềm lực của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ…/.

 

Nguyễn Bích Thủy

 


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo