Khám phá

Đôn đáo tìm… giáo viên

Vài năm trở lại đây, năm học nào Sở Giáo dục - Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng thông báo tuyển vài đợt, nhưng tình hình thiếu giáo viên ở các cấp học không được cải thiện nhiều. Năm học mới 2012-2013 chưa bắt đầu, nhưng không ít trường đã phải đôn đáo tìm giáo viên…

Đến hẹn… lại thiếu



Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo, trong 3 năm học gần đây, sau mỗi đợt học sinh nghỉ hè, mặc dù đã được bổ sung từ lần tuyển chính thức vào mỗi đầu năm học nhưng ngành vẫn thiếu hàng nghìn giáo viên. Số lượng này phải bổ sung thêm qua không dưới 3 lần "tuyển phụ" tổ chức trên diện rộng, cộng thêm sự chủ động tìm nguồn lực của các quận, huyện.

 

Chuẩn bị cho năm học 2012-2013 sắp tới, phòng nghiệp vụ chuyên lo vấn đề nguồn lực cho ngành của Sở vừa hoàn tất công tác thống kê với số giáo viên cần tuyển mới cũng xấp xỉ năm học trước, lên đến hơn 4.000 người.
 


Không chỉ các huyện ngoại thành, tại các quận nội thành, tình trạng thiếu giáo viên cũng diễn ra ở nhiều trường.

 
 
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo quận 3, cho biết, riêng bậc học mầm non, quận này thiếu khoảng 40 giáo viên. Nhiều giáo viên đến nhận công tác được vài ngày, sau đó bỏ đi không một lời từ biệt, lý do chính là công việc vất vả, nhất là ở trường có nhiều điểm lẻ.
 
 
 
Còn theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo quận 8, năm học 2012-2013 quận có hai trường mầm non được xây dựng mới nhưng vẫn chưa tuyển được giáo viên. Trong năm học 2011-2012, trên địa bàn quận có một trường mầm non không sử dụng hết công suất cũng do thiếu giáo viên.
 
 
 
Đối với các huyện ngoại thành, tình trạng thiếu giáo viên còn căng thẳng hơn. Chẳng hạn huyện Củ Chi thiếu 111 giáo viên, huyện Hóc Môn thiếu 124 giáo viên, còn tại huyện Bình Chánh, số giáo viên thiếu phải tới hàng trăm người…
 

Vì sao thiếu?
 


Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng thiếu giáo viên ở các quận, huyện ngoại thành và quận mới được thành lập là do điều kiện cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Chị Nguyễn Thị Ngọc, một giáo viên nộp hồ sơ xét tuyển tại Sở Giáo dục - Đào tạo kể, khi nộp hồ sơ chị được đề nghị về dạy ở huyện Bình Chánh nhưng đành từ chối.
 
 
 
"Có lần tôi lặn lội về một trường ở huyện Bình Chánh để nộp hồ sơ, nhưng khi vào đến trường là tôi bỏ ngay ý định. Đường vào thì xa, lầy lội, trường ở vùng quê, lương thấp. Dạy một vài năm thì còn chịu nổi chứ lâu dài thì chắc không thể theo được" - chị Ngọc bộc bạch.
 

Một thầy hiệu trưởng ở huyện Củ Chi cho biết, nhiều năm qua 100% giáo viên sau khi hoàn thành niên hạn công tác theo quy định là 4 năm đối với nam và 3 năm đối với nữ đều xin chuyển về nội thành nên năm nào trường cũng tuyển người nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu.
 
 
 
Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ngoại thành. Bên cạnh đó, hiện nay, quy định về các khoản phụ cấp cho giáo viên quá thấp, chưa có chế độ hỗ trợ giáo viên công tác ở khu vực ngoại thành nên họ không thể gắn bó lâu dài. Huyện Bình Chánh từ hai năm qua đã áp dụng thêm chế độ phụ cấp xăng cho giáo viên đi đến trường xa hơn 15km nhưng không thấm tháp gì (chỉ bằng 0,3% lương tối thiểu).
 
 
 
Hay như quận 4 nhiều năm qua áp dụng chế độ phụ cấp 15.000 đồng/giờ dạy (45 phút) cho giáo viên dạy đủ 2 buổi/ngày, song với tốc độ trượt giá và tình hình vật giá như hiện nay thì khoản phụ cấp đó chỉ như "muối bỏ bể", làm nhiều giáo viên không đủ sức bám trường, bám lớp.
 

Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ (Sở Giáo dục - Đào tạo) cho biết:  Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục - Đào tạo đã nới rộng hết mức các điều kiện xét tuyển. Cụ thể, Sở đã phải xét tuyển cả những giáo viên không có hộ khẩu ở TP. Hồ Chí Minh để phân công về các quận vùng ven, huyện ngoại thành hoặc tuyển cả sinh viên tốt nghiệp các ngành khác nhưng có chứng chỉ sư phạm…
 
 
 
Vài năm trở lại đây, Sở cũng đã chọn phương án tuyển nhiều đợt trong năm và xét tuyển cả những giáo viên không trúng tuyển ở đợt 1 cho các đợt sau. Đặc biệt, từ năm học 2010 - 2011, các quận, huyện sẽ tiếp tục tuyển giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Ngoài ra, Sở cũng đã tìm đến các trường như Đại học Sài Gòn, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để tìm ứng viên.
 

Để phát triển quy mô, chất lượng của ngành giáo dục ở TP. Hồ Chí Minh thì vai trò của giáo viên hết sức quan trọng. Thế nên, tình trạng thiếu giáo viên phổ thông cần được các ngành, các cấp của thành phố sớm quan tâm, khắc phục.
 
 
 
 
Theo HNM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo