Dự án Luật Cạnh tranh: Ván đã đóng thuyền chưa hết băn khoăn
Vừa thiếu, vừa thừa
“Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh” nên được đưa ra khỏi Luật này”. Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tham dự hội thảo cho ý kiến về Luật cạnh tranh sửa đổi. Với quan điểm cạnh tranh là vấn đề của thị trường chứ không phải chức năng của Nhà nước. Việc giao cho Nhà nước quá nhiều thiên chức, từ “tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh” đến “thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp…” và “tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng” - trong khi nguồn lực Nhà nước và các quy chế cụ thể lại không được quy định. Theo các chuyên gia tư vấn về pháp luật, đó chỉ là những “mỹ từ”, không đúng với cách hành văn của Luật. Theo đó, nên nghiên cứu lại 3 điều 4,5 và 6 của Dự Luật và thay bằng 1 câu ngắn gọn: “Doanh nghiệp được quyền tự do cạnh tranh và Nhà nước bảo đảm quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp” để phù hợp với quy định của Hiến pháp “quyền đi liền với nghĩa vụ của Nhà nước”.
Một số nội dung được ông Mai Xuân Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng “cần phải bàn thêm” liên quan đến vấn đề “độc quyền Nhà nước, triệt tiêu cạnh tranh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và những quy định về “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền” ở Chương 4 của Dự Luật Cạnh tranh.
Bước thụt lùi trong quá trình lập pháp?
Đa số các ý kiến đều cho rằng, nên nhập 2 Điều 46 (Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh) và Điều 47 (Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm). Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng, không có lý do gì lại phân biệt “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh” và “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm”, bởi đã không lành mạnh thì đương nhiên phải cấm. Luật này đã tạo ra 2 trở ngại, nó tương tự như là 2 giấy phép con đối với DN. Thứ nhất đó là đã đặt ra quy định miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ví dụ như nâng cao khả năng công nghệ, hỗ trợ DNNVV… Đấy là lợi ích nhưng để đạt được những điều này thì phải làm hồ sơ xin phép được miễn trừ. Tôi nghĩ đây là 1 giấy phép con trá hình. Thứ 2 là vấn đề phải xin phép tập trung kinh tế. Việc tập trung kinh tế là hoạt động hết sức hình thường của DN. Song thời gian để được một giấy phép mất ít nhất khoảng 2 - 6 tháng. Tôi nghĩ, đây là hành vi lại lặp lại cơ chế xin - cho.
Tất cả các ý kiến đều to ra băn khoăn, lo ngại và hoài nghi về tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi Luật của cơ quan cạnh tranh trong tương lai khi tiếp tục quy định Ủy ban cạnh tranh quốc gia nằm trong Bộ Công Thương và làm công tác tham mưu cho Bộ Công Thương (được quy định tại Chương VII) của Dự luật này. Hơn nữa, việc quyết định đặt cơ quan cạnh tranh quốc gia tại Bộ Công Thương, nếu không thể thay đổi, thì phải sửa lại chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban này, để làm sao nó phải là một cơ quan độc lập. Ông Chủ tịch, người đứng đầu Ùy ban không thể dưới quyền, xin phép Bộ trưởng Bộ Công Thương để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quyền cạnh tranh. Từ thực tế thực thi Luật Cạnh tranh hiện hành, Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, đây là một bước thụt lùi trong quá trình lập pháp. Vì Ủy ban nghe thì rất oai nhưng thực tế thì nằm trong cơ cấu của Bộ Công Thương nhưng không được tương đương Tổng cục như Hội đồng cạnh tranh trước đây. Tôi đề nghị, mặc dù nằm trong BCT nhưng vẫn phải đảm bảo tính độc lập.
Luật Cạnh tranh là hiến pháp của thị trường Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng “Luật cạnh tranh là hiến pháp của thị trường”. Vì vậy, ông mong muốn tách cơ quan cạnh tranh quốc gia ra khỏi Bộ Công Thương. Cho dù việc tham vấn này là cuối cùng và có thể việc chỉnh sửa sẽ không còn nhiều nữa.
Thưa ông, vì sao ông không đồng ý với việc đặt Cơ quan cạnh tranh quốc gia nằm trong Bộ Công Thương và thực hiện chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương ?
Thực ra mà nói, việc tham mưu về chính sách cạnh tranh và thực hiện xử lý các vụ việc về cạnh tranh thì không phải chỉ là công việc của Bộ Công Thương. Vì Bộ Công Thương cũng chỉ làm một lĩnh vực trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Cho nên, Bộ trưởng Bộ Công Thương không phải là người có thể thay mặt cho Nhà nước để làm, thực hiện chính sách quản lý cạnh tranh mà phải là Chính phủ thực hiện việc quản lý cạnh tranh. Cạnh tranh là “linh hồn của thị trường” còn luật cạnh tranh là “hiến pháp của thị trường”. Ý nghĩa của nó là vô cùng quan trọng. Bởi vì, nếu không có cạnh tranh thì dứt khoát không có thị trường, và không có cạnh tranh thì không có phát triển. Cho nên, đặt nó ở trong một lĩnh vực thuộc một bộ thì tôi nghĩ là nó không thể hiện đúng được cái điều nó tất yếu phải có. Tính chất độc lập của nó không phải là tương đối mà thậm chí nó phải được đảm bảo tính độc lập gần như tuyệt đối. Hơn nữa, nó phải bao hàm tất cả các lĩnh vực. Nếu ở một vị trí như vậy thì rất khó để đặt trong một bộ, cho dù là Bộ Công Thương hay bất kỳ một bộ nào khác. Chúng ta đang nói về cải cách bộ máy, tinh giản biên chế nhưng không có nghĩa là làm ngược lại, làm giảm đi vai trò mà nó cần phải có. Bởi vì, ở một vị trí như thế nó mới phát huy được tác dụng. Điều này, tôi đã đề xuất từ khi bắt đầu ban hành soạn thảo Luật Cạnh tranh vào năm 2005 với tư cách là thành viên của ban soạn thảo, nhưng rất tiếc chúng ta đã không làm được. Nhiều quan điểm cho rằng, không lo khi đặt cơ quan cạnh tranh ở Bộ Công Thương vì từ năm 2019 các doanh nghiệp sẽ không còn nằm trong bộ này. Cũng có quan điểm cho rằng, hành vi “thao túng” chính sách dẫn đến độc quyền vẫn có thể xảy ra. Quan điểm của ông thì sao ? Theo tôi, cho dù Bộ Công Thương không còn thực hiện chức năng đại diện phần vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp đó nữa và các DN sẽ được chuyển sang cho Ủy ban quản lý tài sản của Nhà nước thì vấn đề còn lại là Bộ Công thương cũng chỉ là một lĩnh vực bao gồm công nghiệp và thương mại. Trong khi bây giờ cạnh tranh có rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngân hàng, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, y tế… và tất cả các lĩnh vực khác. Ở đâu có thị trường thì ở đó có cạnh tranh. Cho nên, việc đặt cơ quan cạnh tranh đó ở Bộ Công Thương lại tham mưu cho Chính phủ là chưa phù hợp. Bởi việc chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội là vấn đề của Chính phủ, thì rõ ràng ở đây chỉ có 2 cấp thôi, hoặc là Chính phủ, hoặc là Quốc hội. Nếu đặt ở Chính phủ thì vấn đề giải trình ở Quốc hội trước toàn dân, để bảo đảm cho cạnh tranh đúng là “linh hồn của thị trường”. Nó phải được thực sự đúng với nghĩa của nó, và những quy định mang tính hiến pháp để cho vận hành, để các doanh nghiệp được hoạt động một cách công bằng, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng như tinh thần của hiến pháp phải được thể hiện rõ. Còn nếu đặt ở một bộ,cho dù đó là bộ nào thì cũng rất khó để có được một tiếng nói đối với các bộ ngành, lĩnh vực khác. Vậy theo ông, vấn đề cần sửa đổi nhất trong Dự án Luật Cạnh tranh lần này là gì ?
Theo tôi, chính là việc đặt cơ quan cạnh tranh ở đâu là vấn đề cốt lõi. Thứ 2 nữa là vấn đề quyền hạn, thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của tổ chức này. Thứ 3 là trong luật cạnh tranh có 2 mảng, một là vấn đề chống độc quyền, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và thứ 2 là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mong muốn của chúng tôi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi giữa các doanh nghiệp đối với nhau, là những việc thực sự cần phải giải quyết nhưng nên chuyển sang cho tòa án giải quyết, còn lại tập trung nguồn lực để kiểm soát độc quyền và hạn chế việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, chúng ta đều biết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang trở thành một thế lực rất lớn, rồi việc Nhà nước vẫn còn nắm giữ rất lớn vốn cũng như nguồn lực trên thị trường. Trân trọng cảm ơn ông! |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT