Du lịch Ninh Thuận ưu tiên phát triển ba mục tiêu chính
Phục hồi tuyến đường sắt di sản huyền thoại nối liền “biển và hoa” Phan Rang - Đà Lạt / Biển Thiên Cầm sẵn sàng đón du khách trở lại sau đại dịch
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: Ninh Thuận là một tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế khác biệt về du lịch. Ninh Thuận có bờ biển dài với hơn 105 km, có tuyến đường ven biển đẹp và thuận lợi trong việc kết nối với các điểm đến thuộc dải ven biển của tỉnh.
Không những thế, Ninh Thuận có bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, đặc biệt có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo và nổi tiếng. Đó là nghệ thuật văn hóa Chăm, các làng nghề truyền thống và những phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (tháp Pôklông Garai và tháp Hòa Lai), 18 di sản cấp Quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh. Bên cạnh đó, về tài nguyên du lịch, Ninh Thuận có hai vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa còn mang đậm nét rừng nguyên sinh với hệ sinh thái thực vật đa dạng, phong phú. Trong đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ninh Thuận cũng có nhiều vùng vịnh và danh lam thắng cảnh phù hợp cho phát triển du lịch, trong đó có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam…
UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh.
Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.
Ông Trần Quốc Nam-Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính. Nhóm 1 gồm 4 sản phẩm đặc thù: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia Núi Chúa. Nhóm 2 sẽ gồm 4 sản phẩm mới lạ: Du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát – muối (hai sản phẩm độc đáo của mảnh đất Ninh Thuận), du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Nhóm 3 sẽ gồm 4 sản phẩm bổ trợ: Du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.
Đánh giá về công tác xúc tiến du lịch của tỉnh Ninh Thuận tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, hội nghị lần này là cơ hội lớn để kết nối du lịch liên vùng giữa Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các vùng trọng điểm du lịch khác trên cả nước.
Để du lịch tỉnh Ninh Thuận phát triển hơn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị, tỉnh Ninh Thuận nên ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh như: Du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp; du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, sự liên kết, hợp tác giữa du lịch Hà Nội và Ninh Thuận có ý nghĩa quan trọng để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh riêng của du lịch mỗi địa phương. Du lịch Hà Nội cam kết không ngừng tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với tỉnh Ninh Thuận trong hoạt động phát triển du lịch, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của hai địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Lễ ký kết giữa các doanh nghiệp với Ninh Thuận tại hội nghị.
Nhằm tăng cường xúc tiến du lịch cũng như hiện thực hóa mục tiêu định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030, trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Ninh Thuận đã ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên: UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet; Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận và Sở Du lịch TP Hà Nội; Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội và các địa phương; Chương trình hợp tác giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận và Hội Doanh nhân trẻ TP Hà Nội về hợp tác phát triển du lịch và quảng bá sản phẩm du lịch; Chương trình hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Pegas Việt Nam trong khai thác thị trường khách Nga về Ninh Thuận năm 2023.
End of content
Không có tin nào tiếp theo